|
Văn hóa cồng chiêng (Ảnh sưu tầm)
|
Di sản văn hóa cồng chiêng Gia Lai: Tiềm năng để phát triển du lịch
Gia Lai có quá trình lịch sử - văn hóa lâu đời và là một trong những tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận ngày 25 tháng 11 năm 2005. Cồng chiêng đã đi vào đời sống hằng ngày của người Bahnar, Jrai, thể hiện tâm tư, tình cảm của con người và trở thành một nhạc khí quan trọng trong đời sống cộng đồng. Đây vừa là một linh khí để giao tiếp với thần linh trong các nghi lễ truyền thống vừa là một tài sản có giá trị không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Bahnar, Jrai ở Gia Lai nói chung và ở Tây Nguyên nói riêng. Cồng chiêng là thứ âm nhạc không thể thiếu trong các nghi lễ vòng đời của người Bahnar, Jrai. Từ khi sinh ra đến khi chết đi, tiếng cồng chiêng thấm đẫm trong tâm thức của mỗi người. Trước đây, cồng chiêng được cất giữ, bảo quản thật kín đáo trong nhà rông thì nay đã được mang ra để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng giúp cho bà con trong làng có thêm thu nhập. Theo số liệu thống kê năm 2020-2021, toàn tỉnh hiện có trên 4.500 bộ cồng chiêng (nhiều nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên) và có 23 nghệ nhân được công nhận là Nghệ nhân ưu tú, hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, có khoảng 900 nghệ nhân giỏi. Toàn tỉnh hiện có 32 nghệ nhân Bahnar, Jrai được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, trong đó có 10 nghệ nhân chỉnh chiêng và trình diễn cồng chiêng (3 người đã mất). Đây là những “báu vật nhân văn” đang đóng góp thầm lặng để bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh.
Điển hình là huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai, trong những năm qua, huyện Kông Chro đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ, gìn giữ các giá trị di tích cũng như các giá trị văn hóa truyền thống và ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội; chú trọng phát triển các loại hình văn hóa truyền thống, lễ hội, các hình thức sinh hoạt cộng đồng gắn với biểu diễn cồng chiêng tại các điểm làng; đưa cơ cấu ngành kinh tế chuyển dần từ phát triển nông nghiệp thuần túy sang các ngành dịch vụ, trong đó có công tác phát triển du lịch. Nếu trước kia, nhắc đến Kông Chro, người ta nghĩ ngay đến vùng đất còn hoang sơ và nhiều khó khăn, khô hạn. Đời sống của người dân phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng thu nhập không đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo cao, thì bây giờ, địa phương này đã từng bước thay da đổi thịt do tập trung thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Huyện Kông Chro là huyện vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn nhất tỉnh Gia Lai, có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, người DTTS chiếm 74,21%, chủ yếu là dân tộc Bahnar (67%), còn lại là các dân tộc khác như: Jrai, Mường, Tày, Nùng, Dao… sinh sống ở 74 thôn, làng. Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 5.033 hộ nghèo, chiếm 39,69%. Trong đó, hộ nghèo DTTS là 4.833 hộ chiếm 96,03%; 1.919 hộ cận nghèo, chiếm 15,13% (Hộ cận nghèo DTTS 1.445 hộ, chiếm 75,3%). Đây là huyện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Đến nay, toàn huyện có 537 bộ cồng chiêng (giảm so với năm 2008), 132 đội cồng chiêng (trong đó có 104 đội chiêng người lớn, 23 đội cồng chiêng nữ, 05 đội cồng chiêng nhí), 25 nghệ nhân chỉnh chiêng, 98 nghệ nhân tạc tượng, 355 người biết sử dụng nhạc cụ dân tộc, 100 nghệ nhân hát dân ca và hát hơmon (Sử thi của người Bahnar được gọi là Hơmon thuộc loại hình ngữ văn dân gian được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là hình thức sinh hoạt dân gian lưu truyền theo cách hát kể truyền khẩu từ thế hệ này qua thế hệ khác).
Dấu ấn rõ nét nhất về phát triển du lịch của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 đó là sự vượt khó, phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19. Nếu năm 2021, hoạt động du lịch sụt giảm đáng kể, các chỉ tiêu chỉ bằng 40% so với các năm trước thì năm 2022, hoạt động kinh doanh du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, tổng lượt khách du lịch đến Gia Lai đã tăng 13,6%; tổng thu du lịch đạt 600 tỷ đồng, tăng 21,6% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Trong 8 tháng đầu năm 2023 lượng khách tham quan, du lịch đến Gia Lai ước đạt 765 ngàn lượt, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2022 (khách quốc tế ước đạt 5,1 ngàn lượt, khách nội địa ước đạt 759,9 ngàn lượt). Tổng thu du lịch ước đạt khoảng 502 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2022 (ngành Du lịch đặt mục tiêu trong năm 2023 đón 1,1 triệu lượt khách, doanh thu 700 tỷ đồng).
Giải pháp khai thác giá trị cồng chiêng để phát triển du lịch ở địa phương
Những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã chú trọng khai thác các yếu tố của không gian văn hóa cồng chiêng để phát triển du lịch, kết hợp lễ hội với yếu tố di sản thiên nhiên, xây dựng các tour du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi mới, giúp cộng đồng bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch dịch vụ, xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững. Cụ thể:
Đặc biệt nhất là mô hình “Cồng chiêng cuối tuần - thưởng thức và trải nghiệm” (tổ chức lần đầu tiên vào dịp 30/4 – 1/5/2022, tại quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku đã bước đầu gặt hái những thành công trong việc thúc đẩy phát triển du lịch địa phương và đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa - cộng đồng đúng nghĩa, đóng vai trò kích cầu cho “ngành công nghiệp không khói” Gia Lai. Đây là hoạt động luân phiên giữa các đoàn nghệ nhân của hai dân tộc Bahnar và Jrai sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai, với sự tham gia của khoảng 40 nghệ nhân vào mỗi đêm diễn (thu hút từ 5 – 6 nghìn lượt lượt du khách và người dân tham dự), diễn ra vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần trong khung giờ từ 19 - 21 giờ. Phần lớn khán giả đến với "Cồng chiêng cuối tuần" đều sử dụng các trang mạng xã hội, nhờ đó, những hình ảnh, video về văn hóa cồng chiêng càng được lan tỏa rộng rãi. Điều đáng nói nữa là chương trình này được xã hội hóa 100%, trong đó các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn luôn tự nguyện tài trợ kinh phí cho mỗi kỳ trình diễn. Đến nay, sản phẩm văn hóa - du lịch này đang thu hút du khách cùng người dân địa phương tham gia ngày càng đông đảo và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cảm nhận của mọi người. Và theo dự kiến số lượt khách du lịch cũng như người dân ở đây tham gia chương trình này sẽ tăng lên trong thời gian tới nhờ nội dung, hình thức luôn hướng tới hoàn thiện và đổi mới dựa trên nền tảng tương tác, trải nghiệm có chiều sâu và công phu hơn giữa chủ thể lẫn khách thể.
Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Gia Lai năm 2022 diễn ra từ ngày 22 - 26/12, hơn 500 nghệ nhân đến từ các xã, phường của Tp. Pleiku (Gia Lai) đã biểu diễn cồng chiêng đường phố thu hút hàng ngàn du khách và người dân theo dõi. Đưa cồng chiêng từ các ngôi làng ra phố, gần hơn với công chúng cũng là cách Tp. Pleiku bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng - Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 với kinh phí dự kiến là 16,38 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp, vốn đầu tư phát triển, vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn huy động xã hội hóa, vốn các địa phương có dự án triển khai và các nguồn vốn khác.
Nhằm tạo điều kiện cho nghệ nhân, cán bộ, công chức, thanh thiếu nhi các dân tộc có thêm môi trường để rèn luyện, giao lưu, học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng trình diễn các bài chiêng, múa xoang truyền thống; qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và thắt chặt tinh thần đoàn kết: Ngày 14 - 15/4, Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ hai năm 2023 có sự tham gia của gần 800 nghệ nhân, cán bộ, công chức, các dân tộc ở 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Ngày 15/5, tỉnh Gia Lai ra mắt mô hình Câu lạc bộ Cồng chiêng thanh thiếu nhi năm 2023 tại Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Rbol) với 35 thành viên là học sinh của trường. Ngày 1/8, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku phối hợp Thành Đoàn tổ chức Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca thanh thiếu nhi DTTS TP. Pleiku năm 2023, với sự tham gia của hơn 200 thanh thiếu nhi đến từ 6 xã, phường trên địa bàn TP. Pleiku (Hoa Lư, Yên Đổ, Đống Đa, Thắng Lợi, Chư Á, Tân Sơn). Hoạt động này được tổ chức thường niên.
Cùng với đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho 20 học viên là nghệ nhân trẻ người Bahnar đến từ 6 huyện và thị xã An Khê trong thời gian 12 ngày (từ 21/8 - 1/9), theo phương pháp mới dưới sự hướng dẫn của các nhà nghiên cứu. Những kiến thức, kỹ năng được truyền đạt một cách có hệ thống, giúp nghệ nhân Bahnar áp dụng, thực hiện tốt việc bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là có thể truyền dạy lại cho cộng đồng.
Nhằm tiếp tục ghi nhận và tôn vinh các Nghệ nhân ưu tú có đóng góp quan trọng đối với công tác gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, để họ dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc lưu truyền, phổ biến, truyền dạy văn hóa truyền thống tại địa bàn. Ngày 25/8/2023, tại Hội trường Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ trao kinh phí hỗ trợ cho 04 Nghệ nhân ưu tú người DTTS (02 người Bahnar, 02 người Jrai). Mỗi nghệ nhân được hỗ trợ 800 ngàn đồng/ngày/nghệ nhân x 13 ngày/tháng; thời gian hỗ trợ 5 tháng (từ tháng 8/2023 đến tháng 12/2023).
Từ những tiềm năng và giải pháp triển khai các mô hình du lịch dựa vào di sản hiện nay, có thể nói Gia Lai đang có những bước đi đúng hướng, góp phần cùng với đồng bào các dân tộc Gia Lai trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai gắn với phát triển du lịch.
Diễm Hồng