Bảo vệ và phát triển rừng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta có độ che phủ rừng cao tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Chính sách giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc đã đảm bảo rừng có chủ thực sự. Hộ gia đình sau khi nhận đất đã đầu tư trồng rừng, góp phần nâng cao thu nhập, hiệu quả sử dụng đất vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát triển kinh tế rừng vừa tăng thu nhập cho người dân vừa nâng cao ý thức bảo vệ rừng 

Với chính sách giao đất giao rừng, chính sách phát triển rừng đã tạo chuyển biến về ý thức của người dân, từ tập quán phá rừng sang quản lý, bảo vệ và trồng rừng. Phong trào trồng cây gây rừng từ đồng bằng đã dịch chuyển lên vùng trung du, miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong nhân dân về lợi ích của rừng.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển lâm nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi như một giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, đòi hỏi các cấp, các ngành phải kiên quyết cơ cấu lại đất đai, sản xuất của các nông, lâm trường; hoàn thành giao đất, giao rừng gắn với định canh định cư; giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; kiên quyết chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy và hủy hoại đất rừng.

 

Xã Nà Hỳ, huyện Mường Nhé là địa bàn vùng sâu vùng xa của huyện, địa hình phức tạp. Dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc như Thái, Dao, Mông, Khơ mú... Trước đây người dân chỉ sống bằng nghề trồng nương phát rẫy. Nhưng ngày nay cuộc sống của đồng bào trong xã đang có nhiều thay đổi tích cực. Với tiềm năng đất đai phù hợp cho việc phát triển trồng rừng, tuy nhiên những năm trước đây, người dân trong xã Nà Hỳ vì thiếu kế hoạch, không áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng rừng, nên sản xuất rất kém hiệu quả, năng suất rất thấp, phần lớn diện tích trồng không có khả năng thành rừng.

 

Cùng đó, lĩnh vực chăn nuôi cũng nhỏ lẻ, hình thức chăn nuôi chủ yếu là theo hộ gia đình, với phương thức chăn thả tự do nên rất khó trong việc kiểm soát dịch bệnh gia súc và là trở ngại lớn cho việc trồng và bảo vệ rừng. Để đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, cần đổi mới sản xuất, thực hiện thâm canh tăng vụ, áp dụng biện pháp canh tác nông - lâm kết hợp, đồng thời đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đặc biệt là chú trọng khai thác triệt để diện tích đất trồng vào trồng rừng phát triển kinh tế đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, những cánh rừng được phủ xanh nhờ những chính sách phát triển rừng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 

Huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) có tổng diện tích tự nhiên khoảng 267.000ha, trong đó diện tích rừng chiếm trên 175.700ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng trên 65,8%, phần lớn là diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Những năm qua, tỉnh đã tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng là nền tảng cơ bản để chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2020, 850 hộ dân trong xã đã được nhận số tiền dịch vụ môi trường rừng trên 8,5 tỷ đồng. Trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chỉ tiêu phát triển chăn nuôi đều giảm so với kế hoạch thì chính tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Thực hiện chiến lược bảo vệ rừng, trong giai đoàn 2021 – 2025, huyện Mường Tè tập trung quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và diện tích rừng tăng thêm hàng năm gắn với cung ứng và chi trả dịch vụ môi trường rừng.

 

Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên trên 8.945ha; trồng mới 2.820ha, trong đó: Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng khoảng 200ha, trồng rừng sản xuất và cây phân tán 2.620ha, quyết tâm nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 68,4% vào năm 2025. Thành lập mới khu rừng đặc dụng tại xã Mù Cả, Tà Tổng. Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu thí điểm cho thuê môi trường rừng trên diện tích đất rừng phòng hộ để phát triển trồng cây dược liệu tại các xã có điều kiện. Phấn đấu đến 2030, tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 70%.

 

Những năm gần đây, phong trào trồng rừng vụ xuân trên địa bàn tỉnh Yên Bái ngày được lan tỏa, người dân từng bước nâng cao nhận thức, tích cực tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng; góp phần tăng độ che phủ, giữ đất chống xói mòn, bảo vệ môi trường và tạo thu nhập cho người dân, cải thiện cuộc sống. Đến nay tỉnh đã hỗ trợ người dân thông qua giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng cho hơn 1.137 hộ dân; hỗ trợ 647 hộ giống cây lâm nghiệp trồng rừng sản xuất và hỗ trợ gạo cho 536 lượt hộ dân.

 

Thực hiện hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang cho gần 3.000 lượt hộ dân với diện tích gần 634ha; hỗ trợ một lần toàn bộ tiền mua giống, phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho tổng số gần 15.500 hộ dân; hỗ trợ gần 67.000 con gia súc, gia cầm và hơn 302.000 giống cây trồng các loại. Đồng thời thực hiện 155 mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật với gần 3.400 hộ tham gia; hỗ trợ hơn 1.500 hộ về máy móc, nông cụ sản xuất…

 

 Có thể thấy, phong trào trồng rừng và bảo vệ rừng ở Yên Bái hiện đã phát triển mạnh mẽ, điển hình là huyện Yên Bình. Năm 2020, huyện Yên Bình được giao trồng 3.000 ha rừng tập trung. Đến nay, toàn huyện đã trồng được 3.067,7 ha, đạt 102,3% kế hoạch, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. Các loại cây trồng chủ yếu có giá trị kinh tế cao như: keo, quế, bạch đàn. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái hoàn thành sớm kế hoạch trồng rừng năm nay.

 

Với sự lan tỏa của công tác bảo vệ môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm qua, người dân đã có ý thức hơn trong giữ gìn và bảo vệ môi trường rừng. Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới, các tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Mục tiêu nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, đặc biệt phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại cùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Phát triển lâm nghiệp bền vững là phát triển toàn diện, đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Tạo sinh kế bằng việc tăng cường tiếp cận các chính sách phát triển sinh kế rừng, đất rừng thông qua giao đất, giao rừng, tín dụng để phát triển rừng, đào tạo nâng cao trình độ sản xuất, các hoạt động tạo lập thu nhập từ quản lý bảo vệ rừng cho người dân sống ở vùng có rừng trên cơ sở huy động mọi nguồn lực tự nhiên và xã hội để đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác, hưởng lợi từ rừng, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái.

Xác định phải quản lý chặt diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng, phát triển lâm nghiệp xã hội, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng. Chú trọng việc giao rừng, cho thuê rừng đối với tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình. Phát triển rừng gỗ lớn, hấp thụ và tích trữ nhiều carbon nâng cao hiệu quả trồng rừng, đảm bảo có nguồn thu từ việc quản lý, bảo vệ rừng./.

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều