Bình Phước: Triển khai Đề án phát triển kinh tế hợp tác xã vùng đồng bào DTTS

(Mặt trận) - UBND tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 26/5/2023 về triển khai Đề án phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Ảnh minh họa. Ảnh: baodantoc.vn

Bình Phước là tỉnh có đường biên giới chung với Campuchia dài hơn 260 km, dân số hơn 1 triệu người; trong đó, 20% là đồng bào DTTS. Tỉnh Bình Phước được xem là “thủ phủ” điều của cả nước, khi chiếm hơn 50% diện tích và hơn 50% sản lượng điều của Việt Nam (diện tích cây điều Bình Phước gần 152.000 ha, sản lượng 170.000 tấn). Trên địa bàn có hơn 1.400 cơ sở chế biến, kinh doanh hạt điều; toàn ngành điều của Bình Phước giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động. Mỗi năm tổng giá trị của ngành điều Bình Phước mang lại đạt khoảng trên 33.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD).

Theo UBND tỉnh Bình Phước, tổng giá trị gia tăng ước tính của cây điều, bao gồm cả khâu chế biến cộng với lượng điều được nhập khẩu thì cụm ngành điều đang tạo ra hơn 10 % GRDP toàn tỉnh, đây là một tỷ phần rất đáng kể. Do đó, cây điều chính là “cây xóa đói giảm nghèo” của đồng bào dân tộc Bình Phước. Ngoài trồng điều, đồng bào DTTS trên địa bàn còn phát triển chăn nuôi bò, dê, lợn, gà dưới tán điều để tăng thu nhập.

Trước thực tế đó, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND về việc triển khai Đề án phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, mục tiêu của Đề án nhằm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các nghiệp vụ, chuyên môn về hoạt động quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh, thị trường cho 100% cán bộ quản lý, điều hành của HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai và các HTX trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hỗ trợ xây dựng và triển khai kế hoạch, dự án liên kết cho HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập và HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai.

Bước đầu xây dựng vùng nguyên liệu điều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ của HTX nông nghiệp Bù Gia Mập và HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai; xây dựng sản phẩm giúp 2 HTX này được chứng nhận sản phẩm OCOP; hỗ trợ các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử.

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí, lợi ích của phát triển mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay cũng như đứng trước nhiều ảnh hưởng, nguy cơ của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập.

Cùng với đó là thực hiện tuyên truyền Kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức khảo sát và đánh giá thực chất trình độ, chuyên môn, nhận thức của bộ máy điều hành HTX nông nghiệp Bù Gia Mập và HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai, từ đó đề ra giải pháp đào tạo, tập huấn phù hợp với điều kiện của các HTX. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho thành viên Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát HTX nông nghiệp Bù Gia Mập và HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai.

Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, hỗ trợ xây dựng và triển khai các kế hoạch, dự án liên kết cho HTX nông nghiệp Bù Gia Mập và HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai. Hỗ trợ các HTX vùng đồng bào DTTS và miền núi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử và dự án “Chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Liên minh HTX Việt Nam triển khai.

Xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất điều theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tổ chức khảo sát thông tin đánh giá khả năng phát triển vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đồng thời phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất điều theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Tổ chức tập huấn cho Ban quản lý, điều hành, thành viên HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập và HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai liên quan đến kỹ thuật sản xuất nông nghiệp sạch; từng bước cải tạo các giống điều có năng suất chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu.

Hồng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều