Ngày 18/4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo và quy chế hoạt động giai đoạn 2021 - 2025 nhằm triển khai đồng bộ 03 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Thông qua Ban chỉ đạo giúp điều phối hoạt động giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình; thực hiện đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương trong việc tham mưu hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, điều hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác của Chương trình; kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết trong quá trình thực hiện.
Chính sách hỗ trợ đất đai giúp đồng bào an cư. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn
Trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 864/QĐ-UBND ngày 13/3/2024 thực hiện Chương trình để tổ chức thực hiện, trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương chủ trì thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình; các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai có hiệu quả các phong trào, vận động trong thực hiện Chương trình.
Nguồn vốn thực hiện Chương trình (bao gồm vốn năm 2022, năm 2023 được kéo dài sang thực hiện năm 2024), trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 214.009 triệu đồng (vốn đầu tư 110.700 triệu đồng, vốn sự nghiệp 103.309 triệu đồng); vốn ngân sách địa phương là 49.984 triệu đồng (vốn đầu tư 31.021 triệu đồng, vốn sự nghiệp 17.963 triệu đồng). Nguồn được kéo dài sang thực hiện năm 2024: vốn ngân sách Trung ương là 74.505 triệu đồng (vốn đầu tư 33.571 triệu đồng, vốn sự nghiệp 40.934 triệu đồng); vốn ngân sách địa phương là 8.607 triệu đồng (vốn sự nghiệp 8.607 triệu đồng). Nguồn năm 2024: vốn ngân sách Trung ương là 139.504 triệu đồng (vốn đầu tư 77.129 triệu đồng, vốn sự nghiệp 62.375 triệu đồng); vốn ngân sách địa phương là 40.377 triệu đồng (vốn đầu tư 31.021 triệu đồng, vốn sự nghiệp 9.356 triệu đồng). Tính đến ngày 04/10/2024, các chương trình mục tiêu quốc gia đã giải ngân được 246.571 triệu đồng, so với tháng 8/2024, giải ngân tăng 956 triệu đồng, đạt 91,36% kế hoạch, trong đó, Chương trình giải ngân được 83.533 triệu đồng, đạt 95,22% kế hoạch.
Để gỡ khó trong triển khai hỗ trợ đồng bào dân tộc về đất đai, ngày 13/11/2024, HĐND tỉnh Bình Thuận ban hành Nghị quyết số 19/2024/NQ-HĐND về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Nghị quyết tập trung triển khai các chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS; chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người DTTS.
Đối với Dự án 1, tổng số vốn giao năm 2024 là 40.011 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 34.792 triệu đồng (vốn đầu tư là 23.352 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 11.440 triệu đồng); đã giải ngân 18.123 triệu đồng, đạt tỷ lệ 52,1% (vốn đầu tư 13.142 triệu đồng, đạt tỷ lệ 56,3%; vốn sự nghiệp 4.981 triệu đồng, đạt tỷ lệ 43,5%). Ngân sách địa phương là 5.219 triệu đồng (vốn đầu tư 3.503 triệu đồng, vốn sự nghiệp 1.716 triệu đồng); đã giải ngân 568 triệu đồng, đạt tỷ lệ 10,9% (vốn sự nghiệp 568 triệu đồng, đạt tỷ lệ 33,1%).
Từ năm 2022 đến năm 2024, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đất sản xuất 01 hộ, đất ở 56 hộ, nhà ở 326 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề 970 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 165 hộ; đầu tư, nâng cấp 6 công trình nước sinh hoạt. Ước đến cuối năm 2024, hỗ trợ đất sản xuất 01 hộ, đất ở 70 hộ, nhà ở 412 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề 1.191 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 245 hộ; đầu tư, nâng cấp 8 công trình nước sinh hoạt.
Cùng với đó, tỉnh còn hỗ trợ đồng bào DTTS qua vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, trong giai đoạn 2022 - 2024 đã giải ngân trên 55,8 tỷ đồng cho 776 hộ nghèo vùng DTTS vay để sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà ở. Trong đó, hỗ trợ nhà ở với tổng số tiền vay là gần 6,5 tỷ đồng cho 160 hộ, các hộ được vay mức tối đa 40 triệu đồng; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề với tổng số tiền vay gần 50 tỷ đồng cho 614 hộ, bình quân mỗi hộ được vay trên 80 triệu đồng để trồng cây ăn quả, trồng cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, các địa phương còn huy động vốn từ Quỹ “Vì người nghèo” của địa phương để hỗ trợ thêm.
Hỗ trợ vốn xây nhà ở theo chính sách phát triển kinh tế - xã hội dành cho đồng bào DTTS. Ảnh: baophapluat.vn
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành với phương châm sâu sát, quyết liệt; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong việc triển khai và giải ngân vốn thực hiện Chương trình. Tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các sở, ban, ngành và địa phương; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ từng địa bàn triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình triển khai để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, sai sót trong quá trình thực hiện. Tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương trong phối hợp, tham mưu xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện Chương trình bằng nhiều hình thức, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và kiến thức thực tiễn trong thực hiện Chương trình.
Tăng cường phát huy vai trò của người uy tín, lực lượng chính trị cốt cán, Ban quản lý, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại thôn để tham gia tuyên truyền, vận động thực hiện các nội dung Chương trình và hoạt động giám sát ngân sách Nhà nước đảm bảo được sử dụng hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí...
Minh Anh