Cà Mau: Từng bước thực hiện hiệu quả Dự án 1 hỗ trợ cho đồng bào DTTS

(Mặt trận) - Thời gian qua, thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình), các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh Cà Mau đã triển khai quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn những yêu cầu cấp thiết về điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt vùng đồng bào DTTS
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025 có 05 xã khu vực III (với 22 ấp, khóm đặc biệt khó khăn), 01 xã khu vực I và 43 ấp, khóm đặc biệt khó khăn nằm ngoài xã khu vực III. Toàn tỉnh có 12.154 hộ (50.653 nhân khẩu) là đồng bào DTTS. Trong đó có 9.699 hộ (41.212 nhân khẩu) là dân tộc Khmer; 2.234 hộ (8.760 nhân khẩu) là dân tộc Hoa; khoảng 221 hộ (681 nhân khẩu) là các dân tộc Gia Rai, Ê đê, Xtiêng, Si La, Mường, Tày, Thái, Nùng, Cơ Ho, Chăm, Chu ru…

Thời gian qua, thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình), các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh Cà Mau đã triển khai quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn những yêu cầu cấp thiết về điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt vùng đồng bào DTTS (chú trọng ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn, đối tượng thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn, hộ DTTS có khó khăn đặc thù) và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh phát triển. Việc rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng chính sách được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, đúng đối tượng, đúng định mức, không chồng chéo, đảm bảo có sự tham gia, ý kiến thống nhất của người dân và cộng đồng nơi bình xét. Qua rà soát, giai đoạn 2021-2025, số hộ cần được hỗ trợ nhà ở 754 hộ, hỗ trợ đất sản xuất 610 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề 522 hộ.

Tổng vốn năm 2022 và năm 2023 để thực hiện Dự án 1 là hơn 16,1 tỉ đồng, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ và giải ngân được đạt trên 99% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, hỗ trợ đất ở cho 11 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 283 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 201 hộ. Số hộ gia đình được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tự ổn định chỗ ở; xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở; tạo quỹ đất sản xuất, học nghề và chuyển đổi nghề là 176 hộ, đã giải ngân 6.545 triệu đồng. Số hộ cần được hỗ trợ đất sản xuất là 610 hộ, nhưng do địa phương không còn quỹ đất công để hỗ trợ nên không thực hiện nội dung này. Trong năm 2023, hộ nghèo DTTS của tỉnh đã giảm được 329 hộ (tương ứng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đã giảm 2,57% so với năm 2022) và thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS là 54,48 triệu đồng (bằng khoảng 84,07% so với mức thu nhập bình quân đầu người chung của cả tỉnh).

Huyện U Minh có 1.480 hộ (6.692 nhân khẩu) là đồng bào DTTS. Trong đó có 1.456 hộ (6.591 nhân khẩu) là dân tộc Khmer; 24 hộ (101 nhân khẩu) là các dân tộc Hoa, Thái, Mường, Chăm, Ê-đê, Tày. Tổng nguồn vốn giao cho huyện U Minh thực hiện Chương trình là 46 tỷ 976 triệu đồng. Nguồn vốn sử dụng năm 2022 và năm 2023 là 23 tỷ 815 triệu đồng, đã giải ngân 18 tỷ 058 triệu đồng (đạt tỷ lệ 76% kế hoạch vốn). Tổng nguồn vốn thực hiện Dự án 1 là 4.701 triệu đồng. Trong đó, đã hỗ trợ 86 căn nhà ở, chuyển đổi nghề cho 56 hộ.

Huyện Thới Bình có 11 xã và 1 thị trấn, với 95 ấp, khóm (trong đó, có 7 ấp đặc biệt khó khăn, thuộc 6 xã). Dân số có 36.225 hộ (140.794 nhân khẩu). Trong đó có 1.617 hộ (6.725 nhân khẩu) là dân tộc Khmer; 104 hộ (336 nhân khẩu) là dân tộc Hoa và còn lại là các DTTS ít người hơn như: Mường, Tày, Thái, Chăm, Cơ Ho, Stiêng… Tính đến cuối năm 2023, huyện Thới Bình còn 678 hộ nghèo (chiếm 1,90%); 755 hộ cận nghèo (chiếm 2,12%). Trong đó hộ nghèo DTTS là 104 hộ chiếm tỷ lệ 5,25%, hộ cận nghèo DTTS 116 hộ, chiếm tỷ lệ 6,32% tổng dân số của huyện. Thực hiện Dự án 1, đến nay huyện đã hỗ trợ 42 căn nhà cho hộ nghèo tại 7 ấp đặc biệt khó khăn, chuyển đổi nghề cho 294 hộ.

Để đạt được kết quả tích cực trên là nhờ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các ngành đã quan tâm, chủ động, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc chương trình, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động gắn với phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS và cán bộ là người DTTS ở các cấp trong việc giám sát, phản biện xã hội. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, hướng dẫn cách thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi nghề..., động viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng các hộ đồng bào DTTS để có hướng giải quyết kịp thời, tạo đồng thuận trong thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Có thể nói, vấn đề giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau thời gian qua đã giúp đời sống kinh tế của người dân nâng cao, ổn định cuộc sống vì đất đai là vấn đề có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là với đồng bào DTTS.

 Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất luôn phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc tạo quỹ đất để triển khai hỗ trợ, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn khá chậm. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề (thay cho đất sản xuất) thì có định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thấp (không quá 10 triệu đồng/hộ) thật sự chưa phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ thoát nghèo cho đối tượng thụ hưởng, kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề còn thiếu...

Song, với sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo kịp thời, hành động quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, địa phương, những chương trình, dự án vùng đồng bào DTTS sẽ tiếp tục được đưa vào cuộc sống một cách nhanh chóng, thiết thực, hiệu quả. Góp phần ổn định đời sống, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, thay đổi diện mạo, đời sống của bà con vùng đồng bào DTTS. Hơn hết, dần thay đổi tư duy, cách làm, không còn trông chờ, ỷ lại, mà cố gắng thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

                                                                                                 Diễm Hồng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều