Đại đoàn kết toàn dân tộc: Cội nguồn sức mạnh Việt Nam

(Mặt trận) - Trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn khởi, nỗ lực chuẩn bị thực hiện Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên nghiêm túc, khẩn trương chuẩn bị Đại hội lần thứ X, dự kiến diễn ra vào mùa Thu - mùa biểu trưng của sự hòa hợp.

Như một tất yếu của lịch sử dân tộc, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của một Đảng là hiện thân của dân tộc, là đạo đức, là văn minh luôn đồng hành, gắn bó cũng như có sự đóng góp to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, vị cha già kính yêu của dân tộc, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hấp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, đặc biệt là về vị trí, vai trò của Nhân dân và sức mạnh của đoàn kết Nhân dân... hơn ai hết, là Người thấu cảm và có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc, mạnh mẽ về các phương thức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Ảnh minh họa

Đó là cơ sở quan trọng để ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về thành lập Hội Phản đế đồng minh - tổ chức tiền thân đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngay lập tức, Hội Phản đế đồng minh đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân dấy lên cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, với đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Tiếp đó, trong những năm 1936 - 1939, do các điều kiện cách mạng khác nhau, các tổ chức tiền thân khác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Mặt trận Dân chủ Đông Dương và Mặt trận Dân tộc Thống nhất Phản đế ra đời, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân chống đế quốc và bè lũ tay sai, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, dân trí và dân quyền.

Sau hơn 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, đến năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương 8 khóa I dưới sự chủ trì của Người đã nhận định: Quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Và, như một sự tình cờ thú vị của lịch sử, ngày 19/5 đã trở thành Ngày thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Mặt trận Việt Minh). Sự ra đời đó đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tạo thành cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật, được đánh giá là một nhân tố quyết định Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong bối cảnh mới khi chính quyền cách mạng còn non trẻ và vận mệnh cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, tháng Năm lịch sử năm 1946, ngày 29/5, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) ra đời; cùng với Mặt trận Việt Minh mở rộng và phát huy mạnh mẽ sức mạnh của Nhân dân, giúp cách mạng vượt qua cơn thử thách. Để rồi 5 năm sau, ngày 3/3/1951, sự hợp nhất của Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt trở thành một trong những bước đi mạnh mẽ của cách mạng, động viên sức mạnh toàn dân, toàn quân với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến” làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi.

Giai đoạn 1955 - 1975, thông qua các hình thức tổ chức khác nhau phù hợp với điều kiện cách mạng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (thành lập ngày 10/9/1955), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (thành lập ngày 20/12/1960), Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (thành lập ngày 20/4/1968) hiệp đồng, đồng tâm nhất trí, thống nhất ý chí và hành động, tập hợp và phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, góp phần quan trọng giúp cách mạng Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thành công, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, đất nước thống nhất, thống nhất dân tộc, các tổ chức Mặt trận tất yếu cũng cần được thống nhất. Đúng vào dịp mừng Xuân đất nước, mừng Đảng thành lập, từ ngày 31/1 đến 4/2/1977 tại Hội trường Thống nhất, Đại hội lần thứ nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra trọng thể; hợp nhất 3 tổ chức, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch danh dự; đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đầu tiên.

Đại hội lần thứ I (1977 - 1983) gắn với giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện đất nước thống nhất, độc lập, tự do nhưng vẫn còn những tiếng súng chiến tranh đe dọa hòa bình; thực hiện yêu cầu của Đại hội Đảng về “phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”. Đại hội lần thứ II (1983 - 1988) đồng hành với việc khởi đầu Đổi mới và thực hiện yêu cầu của Đại hội Đảng về “tăng cường hơn nữa khối đoàn kết các dân tộc”.

Đại hội lần thứ III (1988 - 1994) tiếp tục với Đổi mới của đất nước trong điều kiện cơn “địa chấn” ở Liên Xô và Đông Âu; Mặt trận Tổ quốc đóng góp to lớn vào duy trì ổn định tư tưởng của Nhân dân trước những cơn sóng gió tác động tới tư tưởng chính trị, vượt qua khủng hoảng kinh tế. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đúc rút hai bài học kinh nghiệm về đoàn kết dân tộc: 1- Sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; 2- Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Các kỳ Đại hội lần thứ IV (1994 - 1999), Đại hội lần thứ V (1999 - 2004), Đại hội lần thứ VI (2004 - 2009) gắn với những thành tựu phát triển có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới và không ngừng hoàn thiện về tư duy phát triển, sứ mệnh lịch sử, kiến trúc hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ đề các kỳ Đại hội luôn gắn với các yêu cầu của Đại hội Đảng, được xây dựng ngày một rõ nét nhằm khẳng định sứ mệnh: “Phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân”, “Phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội”, “Nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”… Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Sau 38 năm đổi mới đất nước, Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những mục tiêu tổng quát quan trọng là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới gắn với phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Đảng khẳng định: Sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”.

Chủ đề của Đại hội IX của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2019 - 2024) được xác định rất cô đọng, súc tích, có tính khái quát rất cao: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại hội XIII của Đảng là bước khởi đầu, định hình giai đoạn phát triển mới của đất nước, với các mục tiêu đề ra vào các năm 2030 (gắn với kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng): Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 (gắn với kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam): Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đại hội XIV của Đảng, trên cơ sở tổng kết 40 năm đổi mới, sẽ vạch rõ con đường phát triển, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam.

Và thật tự hào khi con số 10 đẹp đẽ, là biểu trưng của toàn tâm, toàn ý, đồng tâm nhất trí, gắn với Đại hội X của Mặt trận Tổ quốc sẽ diễn ra vào giai đoạn vô cùng quan trọng này của đất nước, góp phần đánh dấu một bước phát triển mới của lịch sử dân tộc.

Đại hội lần thứ X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ biểu thị quyết tâm, đưa ra những phương hướng, giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, những chỉ dẫn tâm huyết, sâu sắc, tận tình của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách mang đầy giá trị lý luận - thực tiễn, mang tầm định hướng rất cao Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, về tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đổi mới phương thức vận động, tập hợp để thực sự lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tham gia giám sát và phản biện xã hội; tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp và bổ sung, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận; làm tốt phong trào “dân vận khéo”; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả; đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về thi đua, khen thưởng...

Cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên chặng đường lịch sử mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ hết lòng, hết sức vì sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; nỗ lực và tự hào thực hiện lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”.

Ban Biên tập Tạp chí Mặt trận

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều