Với phương châm “nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, các hộ gia đình thụ hưởng đóng góp thêm” để xây dựng căn nhà thêm khang trang, vững chắc. Giai đoạn 2019 - 2023, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ xây dựng 5.071 căn nhà đại đoàn kết, trị giá gần 313 tỷ đồng, cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ xây dựng thêm 220 căn nhà đại đoàn kết, trị giá trên 9,16 tỷ đồng cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện, thị xã. Hiện đang tiếp tục xây dựng triển khai xây dựng thêm hơn 300 căn cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở.
Phong trào “Xoá nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động hoàn thành trong năm 2025; Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trong toàn tỉnh. Đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đang phối hợp với các ngành chức năng liên quan tiến hành rà soát đối tượng để tổ chức thực hiện.
|
Trao nhà Đại đoàn kết cho các gia đình tại tỉnh Bình Phước. Nguồn TTXVN |
Để bảo đảm tính đồng bộ thống nhất trong việc triển khai xây dựng nhà, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng thiết kế mẫu ngôi nhà chung để xây dựng trong toàn tỉnh. Các căn nhà đều được xây dựng theo tiêu chuẩn 3 cứng (tường cứng, mái cứng, nền cứng), được thực hiện theo quy cách: tường xây tô, mái lợp tôn; cửa sắt gắn kính; nền lát gạch hoa, diện tích xây dựng tối thiểu từ 50m2 trở lên. Trị giá xây dựng căn nhà từ 80 triệu đồng do Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ, từ đó đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người nghèo.
Quá trình thực hiện, nhiều tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích đóng góp hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, như: Công ty cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex - Bình Phước từ năm 2020 - 2023: ủng hộ trên 60 tỷ đồng; hộ gia đình ông Điểu Xây ở thôn 5, xã Bom Bo (Bù Đăng) tặng 900m2 đất để cho 9 hộ nghèo xây dựng nhà Đại đoàn kết. ông Nguyễn Xuân Thủy ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú đã hiến 3.000m2 đất ở tổ 3, ấp Thạch Màng để địa phương cấp cho các hộ nghèo, hộ khó khăn không có đất làm nhà. Bình quân mỗi hộ được cấp 100m2 xây nhà ở. Đến nay, khu vực này đã có 20 hộ dân sinh sống, từng bước hình thành một khu dân cư mới nhộn nhịp, an vui. Chị Thị Bình (dân tộc Xtiêng) thôn Phú Thuận, xã Phú Riềng đã hỗ trợ 300m2 đất ở để làm nhà cho 7 hộ gia đình nghèo là hội viên hội phụ nữ trong thôn...
Từ hiệu quả của phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát, đến nay, Bình Phước có 3 đơn vị (thị xã Phước Long, Chơn Thành và thành phố Đồng Xoài) hoàn thành chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo”. Từ việc chủ động, kịp thời hỗ trợ xây dựng 126 nhà Đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh, đã góp phần cùng với cấp uỷ đảng, chính quyền thực hiện hoàn thành vượt chỉ tiêu chương trình giảm nghèo bền vững theo nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra. Đến nay, Bình Phước còn khoảng 1.121 hộ nghèo, chiếm 0,40% tổng số hộ dân, trong đó 574 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 51,2% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 1,03% xuống còn 0,40% (giảm 0,63%).
Công tác vận động thực hiện triển khai việc xây nhà cho người nghèo được các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao, chặt chẽ; hầu hết các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo công tác xây dựng nhà, giao trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân phụ trách và chịu trách nhiệm trước tập thể, cấp ủy trong việc triển khai thực hiện xây nhà cho người nghèo; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn được hỗ trợ xây dựng nhà đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát công tác xây dựng nhà; đồng thời vận động Nhân dân phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” của cộng đồng và người thân đối ứng tiền, ngày công lao động để xây dựng ngôi nhà thêm khang trang, vững chắc. Nhờ đó, đã nâng cao chất lượng nhà Đại đoàn kết, được dư luận Nhân dân hoan nghênh, đồng thuận hưởng ứng.
Các nhà tài trợ khi về dự lễ bàn giao nhà đều hài lòng và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà đúng mục đích, đối tượng, công khai, minh bạch và đạt hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: vẫn còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo không đủ điều kiện xây dựng nhà do không có đất; hoặc có đất nhưng nằm trong quy hoạch, đất lâm phần…; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được xây dựng nhà của các chương trình 134, 135, chương trình 33, 67… nay bị hư hỏng, xuống cấp; hộ cao tuổi, đơn thân cũng không đủ điều kiện hỗ trợ xây dựng nhà. Nguyên nhân là do đồng bào dân tộc thiểu số còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức tự vươn lên trong cuộc sống; quá trình sử dụng không duy tu, bảo dưỡng ngôi nhà nên bị hư hỏng, xuống cấp, nay lại đề nghị hỗ trợ xây mới, do đó đã có sự phân bì giữa các hộ trong vùng đòng bào dân tộc thiểu số; một số hộ gia đình đông nên tách hộ để thụ hưởng chính sách; hoặc nhường nhà đã được xây dựng cho con ở, còn mình thì làm nhà tạm ở để được hỗ trợ xây nhà thêm…
Bên cạnh đó, khó khăn, vướng mắc lớn nhất là: đất xây nhà cho hộ nghèo, cận nghèo (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Xtiêng) đa số là được bố mẹ, anh chị em và người thân cho; nguồn gốc đất chủ yếu là khai hoang, chưa được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất; đất mua bán bằng giấy tay, chưa tách sổ; chưa có đất thổ cư; …thậm chí có nhiều khu dân cư có các hộ gia đình đã ở ổn định trên 30 năm nhưng đất vẫn thuộc đất lâm phần. Vấn đề này đã được chính quyền địa phương kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương. Ngoài ra, hiện nay một số địa phương của tỉnh không thể xây dựng nhà cho hộ nghèo, cận nghèo được vì đất nằm trong nguồn quy hoạch vùng khoáng sản (Bô-xít). Do đó rất khó khăn trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo hoàn thành trong năm 2025. Đơn cử như huyện Bù Đăng: 14/16 xã có diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch dự trữ dự án Bô-xít, các huyện Phú Riềng, Bù Gia Mập, Đồng Phú… cũng có một vài xã nằm trong vùng quy hoạch Bô-xít.
Qua hơn 5 năm thực hiện việc triển khai xây dựng nhà cho hộ nghèo, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước rút ra một số bài học kinh nghiệm, như sau:
Một là, đa dạng hóa các hình thức vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” để tạo nguồn lực xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo. Phát huy tốt tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách trong ngay chính cộng đồng dân cư. Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, các hộ gia đình tự đóng góp thêm kinh phí, nguồn lực” để xây dựng căn nhà khang trang, vững chắc.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và khuyến khích các tập thể, cá nhân hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo theo địa chỉ, thực hiện phương châm “Chìa khóa trao tay”; trong đó ưu tiên hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo tại địa phương trên địa bàn đóng chân của doanh nghiệp hoặc địa phương nơi doanh nghiệp đang thực hiện các dự án đầu tư, phát triển sản xuất.
Ba là, có sự quan tâm hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện của chính quyền địa phương về vấn đề đất để xây dựng nhà cho hộ nghèo. Tuyên truyền, vận động người thân cho tặng, hỗ trợ đất để xây dựng nhà cho hộ nghèo, cận nghèo. Biểu dương khen thưởng kịp thời những tấm gương điển hình tập thể, cá nhân hiến tặng đất để xây nhà cho người nghèo.
Bốn là, cần có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc rà soát, bình xét, lập danh sách hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cần phát huy vai trò kiểm tra, giám sát việc triển khai xây dựng nhà. Ở địa phương nào phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát việc xây dựng nhà, thì ở đó chất lượng xây dựng nhà được nâng cao.
Năm là, tiếp tục tuyên truyền đến gia đình người thụ hưởng và Nhân dân ở địa phương về mục đích, ý nghĩa nhân văn chính sách giảm nghèo bền vững của Đảng, Nhà nước và nguồn vốn hỗ trợ xây nhà của nhà tài trợ đối với địa phương. Chỉ đạo cơ sở phối hợp với Mặt trận Tổ quốc giám sát và vận động Nhân dân cùng tham gia giám sát việc xét đối tượng thụ hưởng tại cơ sở; vận động thêm nguồn lực hỗ trợ đoàn viên, hội viên của mình để xây dựng căn nhà thêm khang trang, vững chắc. Phát huy nội lực, huy động sức mạnh tổng hợp trong Nhân dân, tạo thành phong trào thi đua rộng lớn; kịp thời tuyên truyền gương tốt, việc tốt, các điển hình và nhân tố mới, phương pháp cách làm hay, tạo không khí thi đua sôi nổi trong các cơ quan, đơn vị, địa phương để công tác thi đua thực sự là động lực, động viên các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân.
Từ thực tiễn quá trình triển khai, thực hiện, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Phước kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét giải quyết các vấn đề liên quan đến đất lâm phần của tỉnh để nhân dân ổn định cuộc sống. Đồng thời các bộ, ngành Trung ương cho ý kiến đối với việc hỗ trợ xây dựng nhà cho các hộ dân đã được thụ hưởng nhà từ Chương trình 134, 135, 33, 67… trước đây.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu sớm sửa đổi Quyết định 1198/QĐ- ĐCT - MTTW, ngày 29/12/2016 để phù hợp với tình hình thực tế. Đề nghị mở rộng các đối tượng thụ hưởng (hộ khó khăn, hộ gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội không phải là hộ nghèo, cận nghèo…); mở rộng thêm các nội dung chi từ Quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ thực hiện chương trình an sinh xã hội.
HÀ ANH DŨNG - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước