Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc, nhận thức của cả hệ thống chính trị và xã hội về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã được nâng lên, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học; đặc biệt là sự đồng thuận, cố gắng, nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đó đã mang lại những cơ hội lớn đối với lĩnh vực công tác dân tộc trong bối cảnh mới hiện nay.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV đã phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội). Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV tiếp tục thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội). Trên cơ sở đó, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2030).
Nhằm cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngày 31/8/2021, Tỉnh ủy Sơn La ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, với Nghị quyết số 33/2022/NQ-HĐND ngày 29/6/2022 Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Trong đó, đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì tổ chức thực hiện công tác quản lý, giám sát, báo cáo việc triển khai thực hiện Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và địa bàn quản lý của địa phương. Qua đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2280/QĐ-UBND ngày 2/11/2022 về giao nhiệm vụ thực hiện nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã tiếp tục phân cấp quản lý thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình tới cấp cơ sở...
Ngày 8/8/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức làm việc với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh…
Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý ngành, lĩnh vực, địa bàn và nhiệm vụ chủ trì thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình được phân công tại Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo để chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định. Ban Dân tộc, các sở, ngành, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các phòng chuyên môn cấp huyện đã và đang tổ chức mở các lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, cán bộ các cấp, cộng đồng, người dân tham gia thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Song song với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch về tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Trong đó, tỉnh đã giao Ban Dân tộc là cơ quan Thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu, theo dõi, tổng hợp, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành… Với sự nỗ lực, quan tâm chỉ đạo sát sao và những chương trình, kế hoạch triển khai kịp thời, đến nay việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025) trên địa bàn tỉnh Sơn La bước đầu đã đạt được một số kết quả.
Tỉnh Sơn La đã thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo các quyết định như: Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/3/2013; Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 (đã hỗ trợ thiếu đất sản xuất cho 1.169 hộ); Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021; Thông tư 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc về Hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (đã giao chỉ tiêu 1.759 hộ đất ở và 1.339 hộ đất sản xuất; tổng vốn hỗ trợ 312.886 triệu đồng)…
Theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La, tổng vốn ngân sách nhà nước phân bổ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 là 3.454,225 tỷ đồng (trong đó: vốn đầu tư công 1.396,037 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 2.058,218 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến ngày 10/9/2024 đạt 858,209 tỷ đồng, bằng 24,8% kế hoạch, trong đó: vốn đầu tư công đạt 738, 654 tỷ đồng, bằng 52,9% kế hoạch; vốn sự nghiệp đạt 119,555 tỷ đồng, bằng 5,81% kế hoạch. Còn tại báo cáo số 308/BC-BDT ngày 27/10/2023 của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, giai đoạn 2021 - 2025, tổng kế hoạch vốn Trung ương giao cho tỉnh thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 là 6.154,924 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 là 3.093 tỷ 508 triệu đồng, Vốn sự nghiệp là 3.061 tỷ 416 triệu đồng…
|
Ảnh minh họa- Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024.
|
Tỉnh đã hoàn thành phân bổ chi tiết 100% kế hoạch vốn, đạt 100% kế hoạch nguồn vốn ngân sách Trung ương giao; đồng thời huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện Chương trình. Trong đó, việc thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025), tỉnh Sơn La đã giải ngân thanh toán 38,890 tỉ đồng đầu tư xây dựng hàng trăm công trình nước sinh hoạt tập trung và hàng nghìn thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, góp phần nâng tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên gần 95%.
Sau hơn 3 năm (2021 - 2023) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025), tỉnh Sơn La đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho 20.722 lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho 3.107 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho 30 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt 21,68 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, hiện còn 14,41%; 97,55% số xã và 72,81% số bản có đường ô tô đến trung tâm; 72,1% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 94,6% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 97,5% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Trong đó, cụ thể, tại huyện Vân Hồ, từ năm 2021 đến nay, huyện đã phân bổ, huy động các nguồn vốn trên 336 tỷ đồng để triển khai các dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Với nguồn vốn trên, đã thực hiện trên 80 dự án xây dựng hạ tầng nông thôn và các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt sản xuất của Nhân dân; hỗ trợ đất ở cho 51 hộ, nhà ở cho 70 hộ; hỗ trợ nông cụ, máy móc cho 132 hộ thiếu đất sản xuất; hỗ trợ nước, vật dụng chứa nước cho 360 hộ khó khăn về nước sinh hoạt; tổ chức 15 lớp đào tạo nghề cho hơn 470 người là dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo…
Ngoài nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội khác dành cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã được thực hiện hiệu quả. Giai đoạn 2019 - 2024, huyện Vân Hồ đã thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, như: Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 70.800 lượt học sinh với tổng số tiền trên 47 tỷ đồng; cấp hơn 60.000 thẻ Bảo hiểm y tế; hỗ trợ tiền điện cho hơn 18.600 lượt hộ với tổng số tiền hơn 10,8 tỷ đồng; hỗ trợ 200 tấn gạo cứu đói cho hơn 3.000 lượt hộ, với tổng số gần 200 tấn; hỗ trợ sửa chữa, xây dựng xóa nhà tạm cho hơn 1.300 hộ…
Tại huyện Phù Yên, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025), huyện đã đầu tư thiết bị nước sinh hoạt phân tán cho 425 hộ; đầu tư xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, cấp nước cho trên 1.000 hộ dân tại các bản Bãi Vàng, xã Đá Đỏ; Đồng Mã, xã Tân Phong; Thượng Lang, xã Mường Lang và Khe Lành, xã Mường Thải. Ngoài ra, còn hỗ trợ đất sản xuất cho 56 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 69 hộ; đặc biệt là việc sắp xếp, ổn định dân cư cho 40 hộ dân của các bản Suối Thịnh, xã Suối Bau và bản Khoai Lang, xã Mường Thải…
Hiện nay, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng từ nguồn kinh phí của Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025) về hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả. Giải quyết tình trạng thiếu nước trong mùa khô, huyện được phân bổ gần 7,5 tỷ đồng, Phòng Dân tộc huyện là đơn vị ký hợp đồng với Công ty cổ phần Kim khí Việt Á cung ứng bồn chứa nước cho các hộ được thụ hưởng, trị giá hơn 3,1 tỷ đồng, đến hết tháng 8/2024 đã hoàn thành giao bồn chứa nước cho các hộ.
Đặc biệt, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đã góp phần giúp huyện Phù Yên hoàn thành xóa nhà tạm ngay từ đầu năm 2024; nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt lên trên 90%; nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện ổn định sản xuất và đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tại huyện Sốp Cộp, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện được giao hơn 120 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025). Đến nay, huyện hỗ trợ cho 44 hộ mua téc, bồn chứa nước; đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung; bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Pu Hao, xã Mường Lạn. Hỗ trợ hơn 34,1 tỷ đồng khoán bảo vệ rừng đặc rụng, rừng phòng hộ. Gần 13 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh.
Tại huyện Thuận Châu, huyện cũng đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu cuối năm năm 2024 đạt từ 90 - 100% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, tập trung đẩy mạnh triển khai, thực hiện Dự án 1 về việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho Nhân dân... Đến hết năm 2023, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 645 hộ nghèo, hỗ trợ nhà ở cho 170 hộ nghèo, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 498 hộ nghèo thiếu đất sản xuất, hỗ trợ đất ở cho 16 hộ nghèo, xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung…
Còn tại huyện Bắc Yên, sau gần 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025), cùng với nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách khác. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm trên 4%/năm; trên 87% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; trên 64% bản có đường từ trung tâm xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 99,2% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 95% dân số thị trấn được sử dụng nước sạch; 100% dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế.
Tỷ lệ người lao động trong độ tuổi là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề phù hợp đạt 17%, trong đó, 80% là lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 18 - 35 tuổi… Trong đó, đặc biệt là từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Yên đã triển khai hỗ trợ 36 hộ nghèo làm nhà ở; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 30 hộ; đầu tư 5 công trình nước sinh hoạt tập trung tại 4 xã; hỗ trợ bồn chứa nước cho 39 hộ dân tộc thiểu số nghèo. Huyện đang triển khai 3 dự án bố trí sắp xếp dân cư, tổng số hộ dự kiến đến hết năm 2024 là 104 hộ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025) còn một số khó khăn, vướng mắc do không có quỹ đất để giao đất sản xuất. Mất nhiều thời gian trong việc rà soát các hộ thiếu đất sản xuất do chưa có cơ sở dữ liệu đất đai, phong tục, tập quán du canh, du cư của đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán các bản tự cân đối, chia lại đất.
Do đó, căn cứ Luật Đất đai năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 2386/UBND-KT ngày 4/6/2024, giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp thực trạng đất ở, nhà ở, đất nông nghiệp và các thông tin kèm theo của các cá nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sinh sống trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn từ năm 2014 đến ngày 30/4/2024. Trên cơ sở đó, đề xuất chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo về đất đai.
Ngày 17/7/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La đã ban hành Công văn đôn đốc các địa phương tổng hợp số liệu phục vụ xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ngày 1/8/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã ban hành Tờ trình số 526/TTr-STNMT để trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cho chủ trương xây dựng Nghị quyết. Theo đó, Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Sơn La, quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh, theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật Đất đai 2024. Trong đó, đối tượng áp dụng là cộng đồng người dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh; cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Dự kiến sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ gồm: Bảo đảm quỹ đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 5 dự thảo); Quỹ đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo (Điều 6 dự thảo); Chính sách hỗ trợ đất ở, đất nông nghiệp (Điều 7 dự thảo); Hỗ trợ phí thẩm định, lệ phí địa chính (Điều 8 dự thảo)… Quỹ đất để thực hiện chính sách gồm: Đất đã thu hồi, hiện do cơ quan, đơn vị Nhà nước quản lý; đất thu hồi theo quy định tại khoản 29 Điều 79 (Thực hiện dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số); Quỹ đất nông nghiệp hiện có của đối tượng hưởng chính sách để chuyển mục đích sang đất ở, đủ điều kiện công nhận quyền sử dụng đất ở theo chính sách hỗ trợ đất ở… Kinh phí thực hiện được bố trí từ Quỹ phát triển đất do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập để ứng vốn phục vụ thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định tại khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai năm 2024; kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.
Đặc biệt, sau khi nghị quyết được thông qua, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai nghị quyết đến các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn triển khai thực hiện, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ theo đúng quy định. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền nghị quyết để các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân biết thực hiện.
Để triển khai hiệu quả các dự án tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, trong đó có Dự án 1 trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh cùng các sở, ban, ngành tỉnh cần triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất, phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá các công trình cấp nước, tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động làm thay đổi nhận thức, hành vi liên quan đến việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm nguồn nước sạch và các công trình cấp nước ở từng khu vực, phấn đấu đến năm 2025, có 98,02% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Thứ hai, cần tập trung thực hiện hiệu quả Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đã góp phần đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ ba, các phương án triển khai rà soát, bố trí quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thời gian tới, chủ yếu tập trung vào kinh phí thực hiện, cách thức triển khai rà soát, tạo quỹ đất để bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số… Từ đó, tạo động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thứ tư, bên cạnh việc tập trung nguồn lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025), tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát các dự án tiểu dự án thành phần cũng như tìm cách làm mới để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Thứ năm, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Sơn La cần tiếp tục tập trung nguồn lực, huy động sự vào cuộc có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực từ chương trình, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường tham mưu tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; hướng dẫn các xã có bản đặc biệt khó khăn phổ biến, tuyên truyền để Nhân dân nắm được các chế độ chính sách, quyền lợi và trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tổ chức triển khai các chương trình, chính sách dân tộc phù hợp, thiết thực, giúp bà con từng bước nâng cao đời sống, nhất là với hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Thứ sáu, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: 2021 - 2025), tiếp tục yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn chương trình đã được tỉnh phân cấp trao quyền cho các địa phương, nhằm triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của chương trình. Các huyện cần tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống rà soát các hộ thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất để triển khai chính sách giao đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ về nhà ở theo quy định. Trong quá trình triển khai, thực hiện, Phòng Dân tộc các huyện phối hợp với các phòng, ban liên quan tuyên truyền, hướng dẫn các xã những nội dung liên quan đến đối tượng, hạn mức hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ người dân tộc Kinh nghèo sống ở xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện đang thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, lập danh sách, bảo đảm việc hỗ trợ thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Thứ bảy, tỉnh Sơn La cần tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và đề ra các giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế của các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua đó, góp phần nâng cao mức sống của đồng bào và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Xác định việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là nhiệm vụ quan trọng, qua đó khai thác tiềm năng, phát huy được thế mạnh, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; từng bước góp phần nâng cao mức sống, chất lượng dân số, sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tỉnh Sơn La đang nỗ lực đề ra các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện chương trình, phấn đấu, nỗ lực thực hiện hoàn thành các mục tiêu Chương trình đặt ra.
Thứ tám, Ban Chỉ đạo, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, đánh giá và thực hiện có hiệu quả công tác giúp đỡ xã thực hiện xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kịp thời xây dựng hoàn chỉnh các cơ chế, với các văn bản hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế ở địa phương.
Thứ chín, rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quyết định số 24/2023/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về định mức sản xuất để thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số số 1719/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Sơn La để tập trung tháo gỡ, đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở, có đất sản xuất được cấp giấy chứng nhận. Tổ chức khảo sát kỹ trên thực tiễn tại một số huyện như: Thuận Châu, Bắc Yên, Vân Hồ, Sốp Cộp (tỉnh Sơn La),… để đánh giá xem những khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết chưa, đảm bảo tính khả thi của dự thảo Nghị quyết sau khi được ban hành. Đồng thời, cần tham khảo một số địa phương để tham chiếu…
Thứ mười , việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 1719-QĐ/TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ là chương trình mới, với rất nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ… Chính vì vậy, tỉnh Sơn La tiếp tục huy động sự vào cuộc có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình triển khai, tỉnh cần chú trọng công tác tuyên truyền để cán bộ và các tầng lớp nhân dân hiểu, nắm bắt đầy đủ chủ trương, chính sách cũng như cơ chế của Chương trình, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc thực hiện; đặc biệt là phát huy hiệu quả nguồn lực từ chương trình, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cả nước nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng.
LÒ GIÀNG PÁO - Tiến sĩ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân tộc,
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam