|
Đắk Lắk thực hiện hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS (Nguồn: baodantoc.vn) |
Tỉnh Đắk Lắk (giai đoạn 2021 - 2025), dự kiến được phân bổ 5.590 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (trong đó, vốn đầu tư phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.376 tỷ đồng; vốn sự nghiệp đã được các bộ, ngành thông báo là 2.214 tỷ đồng); tỉnh đã cân đối bố trí 1.420 tỷ đồng để đối ứng thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Từ năm 2021 đến nay, chính sách giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được tích hợp vào Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình), trong đó ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 130,3 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở 83 hộ, nhà ở 1.983 hộ, đất sản xuất 342 hộ. Đến nay đã giải ngân hơn 23 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho 523 hộ và hỗ trợ đất ở cho 04 hộ. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện 16 dự án ổn định, sắp xếp dân cư cho đồng bào DTTS tại 08 huyện với kinh phí hơn 705 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho khoảng 2.200 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 7.300 hộ với tổng kinh phí trên 24 tỷ đồng.
Huyện Ea Kar, năm 2023 được phân bổ hơn 90 tỷ đồng (nguồn vốn sự nghiệp năm 2022 và 2023 hơn 33,8 tỷ đồng; vốn đầu tư 56,2 tỷ đồng) thực hiện Chương trình. Trong đó triển khai thực hiện Dự án 1, huyện đã hoàn thành việc hỗ trợ xây nhà ở cho các hộ gia đình DTTS thuộc Chương trình, cụ thể: 150 hộ đã có nhà ở, 629 hộ được sử dụng nước sinh hoạt phân tán. Công tác hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cũng đang được huyện đẩy nhanh tiến độ.
Huyện Krông Bông hiện có hàng trăm hộ đồng bào DTTS đang thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Krông Bông được đầu tư 5,2 tỷ đồng để triển khai thực hiện Dự án 1. Năm 2023, huyện đã phê duyệt hỗ trợ cho 69 hộ; trong đó, hỗ trợ đất ở 28 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 31 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 10 hộ; tổng kinh phí trên 2,8 tỷ đồng. Năm 2024, huyện Krông Bông tiếp tục được đầu tư gần 2,4 tỷ đồng. Huyện đã phê duyệt hỗ trợ đất ở cho 10 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 31 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 26 hộ. Tuy nhiên đến nay huyện mới hỗ trợ cho 31 hộ làm nhà ở với tổng số kinh phí 1 tỷ 364 triệu đồng. Nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất chưa thực hiện được.
Vừa qua, ngày 17/11/2024, tỉnh Đắk Lắk đã tổng kết Đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đây là Đề án xây dựng nhà ở cho người nghèo lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn, với tổng kinh phí thực hiện là 96 tỷ đồng (tương ứng 80 triệu đồng/căn). Sau hơn 8 tháng thi công, với sự nỗ lực của các đơn vị, đến nay 1.200 căn nhà đã được hoàn thiện (sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch) và bàn giao đưa vào sử dụng. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk đã vận động, hỗ trợ xây dựng và bàn giao 352 căn nhà Đại đoàn kết.
Tại tỉnh Đắk Lắk nhiều năm nay, việc giúp người nghèo, gia đình khó khăn có nhà ở để an cư lạc nghiệp đã trở thành phong trào rộng khắp tại các huyện, thị xã, thành phố. Tùy điều kiện thực tế, các địa phương có cách làm phù hợp, hiệu quả như: “Nuôi heo đất”, “Tiết kiệm mỗi ngày 1.000 đồng”… để hỗ trợ kinh phí xây dựng những mái ấm yêu thương, những căn nhà nghĩa tình tặng người khó khăn cần lắm nhà ở.
Những kết quả trên không chỉ là giải pháp giúp người dân ổn định nơi ở, mà còn là biểu tượng đẹp về tinh thần đoàn kết, kết tinh chủ trương đúng đắn, sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, chung sức của các lực lượng, nhà hảo tâm đối với người dân khó khăn. Đây cũng là minh chứng cho khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai và giải ngân vốn Chương trình đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS ở một số địa phương còn cao, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; mức độ thiếu hụt tiếp cận một số dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch và vệ sinh còn cao. Quỹ đất của một số địa phương để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân còn hạn chế; định mức hỗ trợ theo quy định để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất rất thấp so với chi phí thực tế. Qua rà soát, đa số diện tích đất hiện do địa phương quản lý thực tế đã có người sử dụng qua nhiều năm, nên nếu bố trí quỹ đất này cho các hộ đồng bào DTTS thì mất nhiều thời gian và phải có kinh phí để thực hiện bồi thường, hỗ trợ về tài sản, vật kiến trúc. Đối với quỹ đất còn lại chủ yếu là đất rừng nghèo kiệt, sỏi đá, cấp cho người dân thì hiệu quả canh tác không cao và phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng...
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nhất là kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn được giao thực hiện các nội dung, dự án Chương trình dựa trên nhu cầu thực tế phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương và mức độ hoàn thành các nhiệm vụ của Chương trình, ngày 7/11/2024, HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành các Nghị quyết: Nghị quyết số 34/NQ-HĐND, về việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh năm 2023 kéo dài sang năm 2024 thực hiện các nội dung, dự án đầu tư thuộc các Dự án thành phần 01, 02, 04 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Nghị quyết số 39/NQ-HĐND, về việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 05 năm (2021 - 2025) thực hiện các nội dung thuộc Dự án thành phần 01 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Nghị quyết số 41/NQ-HĐND, về việc điều chỉnh kinh phí sự nghiệp được giao năm 2024 và chuyển nguồn năm 2023 sang năm 2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, buôn khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất; bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS; bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của tỉnh và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của Chương trình đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người DTTS nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi... Phấn đấu đạt được các mục tiêu chủ yếu gồm: Thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng gấp 1,5 lần so với thu nhập hiện nay; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5 - 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân từ 3 - 4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn...
Diễm Hồng