|
Tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ảnh: Biên Phòng |
Tảo hôn và hôn nhân cận huyến thống là những hủ tục của một số dân tộc thiểu số tại địa phương, đặc biệt là các dân tộc rất ít người, các dân tộc cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những rào cản cản trở tiến trình miền núi tiến kịp miền xuôi mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nỗ lực thúc đẩy.
Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, Đảng, Nhà nước, MTTQ, các địa phương quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Chương trình, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định đã phối hợp với MTTQ, Sở Tư pháp biên soạn, in ấn sổ tay Hỏi - đáp pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh. Mặt khác, cùng Trung tâm VH-TT&TT huyện Vĩnh Thạnh, Hội LHPN huyện Hoài Ân tổ chức hội nghị lồng ghép, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, hội thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 7 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Vĩnh Thạnh, Hoài Ân.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện An Lão tổ chức Hội thi tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, hệ lụy của tảo hôn tại 3 xã: An Trung, An Hưng, An Dũng. Nhờ các hoạt động tuyên truyền được tổ chức sâu rộng, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh năm 2022 đã giảm so với năm trước; không xảy ra hôn nhân cận huyết thống.
Trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Hiệp đã ra mắt "Mô hình tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đồng bào DTTS trên địa bàn xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Mô hình tuyên truyền với mục đích tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về dân số, hôn nhân gia đình, các nội dung có liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết, các hành vi nghiêm cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình,... Với việc ra mắt mô hình tuyên truyền này, hy vọng sẽ dần thay đổi suy nghĩ, ý thức tự nguyện thực hiện kết hôn đúng độ tuổi của các em thanh - thiếu niên, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại Lai Châu, tảo hôn đã trở thành vấn đề nhức nhối trong vùng đồng bào DTTS, không ít học sinh trong các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới bỏ học để lấy vợ, lấy chồng. Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này, ngành Giáo dục huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các trường học, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn đưa nội dung giáo dục giới tính vào trường học và coi như một môn học phụ.
Hoạt động ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục giới tính được các trường học ở Phong Thổ tổ chức theo tháng tại lớp học hoặc nhóm lớp học, hướng đến đối tượng học sinh nữ ở bậc THCS và THPT. Tuyên truyền viên thường là cán bộ dân số huyện, hoặc có khi là chính các thầy cô giáo trong các nhà trường. Vấn đề về tình bạn, tình yêu trong lứa tuổi học sinh, cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục, hay vấn đề xâm hại, lạm dụng tình dục vị thành niên và cách phòng tránh... đều được cô giáo và cán bộ dân số huyện truyền đạt một cách cởi mở, dễ hiểu, tạo sự hào hứng trong học sinh.
Ngoài các hình thức tuyên truyền thông qua các mô hình điểm, các cuộc thi tìm hiểu, sổ tay, những kiến thức, kỹ năng về về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thông qua các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội,... Trong đó, ứng dựng "Em Vui" là không gian kỹ thuật số nhằm trang bị cho các bạn thanh thiếu niênkiến thức và kỹ năng để các em có thể chủ động và tự tin phòng tránh tảo hôn và nạn mua bán người. "Em Vui" được thiết kế và hoàn thiện trên nền tảng website https://emvui.vn, ứng dụng điện thoại và 06 kênh mạng xã hội cùng tên là Facebook, Tiktok, Zalo, Youtube, Instagram và Twitter, tạo cơ hội tiếp cận tối đa với giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 10 - 24.
Để nâng cao nhận thức của người dân về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, trong thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền:
Thống nhất nhận thức rằng tảo hôn là một vấn đề xã hội của quốc gia, nên cần có cách tiếp cận giải quyết ở tầm quốc gia. Đó là có sự lãnh đạo thống nhất, tập trung từ Trung ương xuống địa phương thông qua các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với sự tham gia tổ chức thực hiện của tất cả các cơ quan khác trong hệ thống chính trị để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Xây dựng các thông điệp truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết tương tự như các thông điệp về phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống COVID-19… trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là vào mùa lễ hội, mùa cưới nhằm tạo điểm nhấn tuyên truyền vận động thanh, thiếu niên không tảo hôn và tạo dư luận xã hội phê phán hành vi tảo hôn ở những vùng, những DTTS có tỉ lệ tảo hôn cao.
Lồng ghép nội dung chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết vào sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước và thiết chế văn hóa của cộng đồng; tiêu chuẩn thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa. Tận dụng triệt để thế mạnh của công nghệ truyền thông hiện đại, internet, mạng xã hội... trong truyền thông giáo dục về dân số và chống tảo hôn.
Phát động rộng rãi phong trào “xã, thôn, bản không có tảo hôn” làm cơ sở cho việc định hướng, giám sát, đánh giá kết quả các hoạt động phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở cấp cơ sở. Ngoài biện pháp xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh đối với người tảo hôn và người tổ chức tảo hôn, cần khen thưởng kịp thời người có công phát hiện và ngăn chặn không để xảy ra tảo hôn.
Minh Anh