Được biết đến như một vùng đất huyền thoại, Tây Nguyên là nơi cùng sinh sống của gần 6 triệu đồng bào thuộc tất cả 54 dân tộc anh em; trong đó 53 dân tộc thiểu số với gần 2,2 triệu người, chiếm hơn 37,5% dân số toàn vùng.

Đồng bào các dân tộc nơi đây có truyền thống đoàn kết, đấu tranh cách mạng kiên cường; có nền văn hóa dân tộc đa

Đây cũng là địa bàn mà các thế lực phản động, thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền, xuyên tạc, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh trật tự trong khu vực, mới đây nhất là vụ việc xảy ra ở hai xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định, vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa lớn đối với phát triển vùng và cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

“Để Tây Nguyên bình yên, phát triển” luôn là mối quan tâm, mong muốn lớn lao của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước.

Phóng viên TTXVN thực hiện 4 bài viết giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về Tây Nguyên và những vấn đề cần được giải quyết thấu đáo để Tây Nguyên phát triển bền vững.

 

Bài 1: Củng cố vững chắc thế trận lòng dân

Tây Nguyên với đại ngàn hùng vĩ, biểu tượng của tinh thần kiên trung trong kháng chiến và ý chí vượt qua gian khó trong sự nghiệp kiến thiết, phát triển. Vùng đất thiêng này luôn được Bác Hồ đặc biệt quan tâm, dành nhiều tình cảm sâu nặng.

Trong Thư gửi Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19/4/1946, Bác Hồ viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt....”

Đáp lại tình cảm thiêng liêng cao quý của Người, trong những ngày đất nước kháng chiến, những người con Tây Nguyên sát cánh cùng đồng bào cả nước ra trận vì sự nghiệp thống nhất non sông. Đồng bào dân tộc Tây Nguyên cùng các chiến sỹ cách mạng sống chung cảnh "đói cơm, nhạt muối" để cùng bám núi rừng đánh giặc. Đất nước thanh bình, đồng bào tiếp tục cuộc hành trình kiến thiết quê hương ngày càng giàu mạnh.

Ngày nay, hình ảnh của Đảng giữa buôn làng là sự hiện hữu của những chính sách, chương trình mang lại hiệu quả cho mỗi vùng quê và mỗi người dân. Đảng cùng dân xây dựng hạ tầng, đầu tư làm thủy lợi, bảo vệ rừng, hỗ trợ dân trồng trọt, phát triển chăn nuôi. Với điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, con em được đến trường, đồng bào được khám chữa bệnh, dần thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, không ai bị phân biệt đối xử, không ai bị bỏ lại phía sau...

Đảng, Nhà nước, chính quyền cùng người dân bảo tồn và phát huy hệ thống các giá trị văn hóa cổ truyền; cùng dân chống lại những luận điệu sai trái của kẻ xấu, ngăn chặn âm mưu phá hoại cuộc sống bình yên của đồng bào các dân tộc anh em.

Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, xúi giục

Hơn 18 năm qua, kể từ sau cuộc gây rối năm 2004 do đối tượng Ksor Kok cầm đầu đòi lập ra cái gọi là “Nhà nước Đề Ga,” sau khi “Tin lành Đề Ga” bị xóa bỏ, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Tây Nguyên đã được lập lại ổn định, đồng bào các dân tộc sinh sống bình yên trong các buôn làng.

Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động vẫn luôn tìm cách lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, ly khai… Bọn chúng thường xuyên tung ra các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Qua vụ tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân xã ở Đắk Lắk vừa qua có thể thấy bọn chúng không chỉ dừng lại ở việc chống phá, kích động biểu tình, mà đã xuất hiện những đối tượng cực đoan, kích động vũ lực, sẵn sàng dùng vũ khí, đốt phá, giết người. Các đối tượng hành động một cách có tổ chức, có phân công nhiệm vụ, giao quyền chỉ huy, hành động rất manh động, liều lĩnh, dã man.

Số đối tượng bị bắt giữ phần nhiều còn trẻ. Qua lấy lời khai ban đầu, chúng khai “nhận được chỉ đạo, nếu gặp cán bộ và Công an xã thì giết chết, cướp tài sản, súng đạn”... Chúng thực hiện hành vi do bị xúi giục, kích động qua không gian mạng, chia rẽ người Kinh và người dân tộc thiểu số với cớ đòi đất, vì cho rằng đất đai do tổ tiên để lại.

Bộ Công an đánh giá vụ việc xảy ra tại Đắk Lắk là đặc biệt nghiêm trọng, là hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền, gây mất an ninh, trật tự. Các thế lực thù địch, số đối tượng Fulro lưu vong cố tình kích động một số người dân tộc thiểu số, chia rẽ người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ảo tưởng được ở nước ngoài.

Thế trận lòng dân vững chắc

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các đơn vị của Bộ Công an đóng trên địa bàn đã nhanh chóng phối hợp với Công an tỉnh Đắk Lắk triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, tiến hành vây bắt các đối tượng. Đặc biệt, người dân đã tham gia tích cực vào các cuộc vây ráp và truy bắt các đối tượng khủng bố. Từ “tai, mắt” của nhân dân, lực lượng chức năng đã phát hiện được nơi ẩn nấp của nhiều đối tượng và chính nhân dân cũng bắt được một số đối tượng đang trên đường trốn chạy.

Chị
H.E.A, buôn Ea Klok, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk suy sụp khi biết chồng (đã đầu thú) tham gia nhóm tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur vào rạng sáng 11/6/2023. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, người thân của nhiều đối tượng cũng đã thuyết phục, vận động chúng ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước Việt Nam. Chính vì vậy, chỉ sau 72 giờ, hơn 70 đối tượng tham gia vụ tấn công khủng bố đã bị bắt giữ. Toàn bộ những kẻ cầm đầu, chủ mưu, thủ ác, đã bị bắt giữ. Các “ngòi nổ” bạo loạn mà các thế lực phản động chống Việt Nam nuôi hy vọng "kích hoạt" đều tắt ngấm.

Thế nhưng, để biện bạch cho tội ác khủng bố của nhóm đối tượng này, các phần tử phản động cùng một số tờ báo, trang web có tư tưởng thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam đã xuyên tạc bản chất của vấn đề, dùng chiêu bài “người Kinh áp bức người Thượng,” “người Kinh chiếm đất của người Thượng” để cổ xúy cho những hành động phi nhân tính, kích động người dân chống lại chính quyền.

Đáp trả những rêu rao của chúng là những lời lên án mạnh mẽ từ chính đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Đinh Thai, dân tộc Bahnar, người uy tín tại làng Pơ Ngăl (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), cho biết vụ việc xảy ra là chống phá Đảng ta, chống phá cách mạng. Bản thân ông và tất cả người dân trong làng không thể đồng tình.

“Tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân để đấu tranh, không để vụ việc tương tự xảy ra, không để nhen nhóm ở nơi nào nữa. Vụ việc xảy ra là do suy nghĩ theo FULRO, là tư tưởng chống phá, nó thường xuyên chống phá Đảng ta,” ông Thai nói.

Bất bình với việc làm của các thế lực phản động và cho rằng đây là hành vi lừa đảo, gây chia rẽ ở Tây Nguyên, ông Ksor, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến cáo người dân không nên hoang mang, dao động, không nghe, không tin theo những lời dụ dỗ, lôi kéo của bọn phản động; yên tâm lao động sản xuất, cùng chung tay phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Bày tỏ nỗi đau xót trước vụ việc này, già làng Ksor Yung ở buôn Chư Krih, thành viên Ban chấp sự Chi hội Tin lành xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, mong muốn “chính quyền, nhà nước kịp thời xử lý bọn khủng bố đó.” Người dân luôn đề cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu đưa tiền hoặc những thứ cám dỗ.

Ngay cả Y Pheo Niê và Y Đhoăn Ayun ở buôn Ea Klok, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, là hai đối tượng tham gia vụ tấn công khủng bố khi ra đầu thú, vẫn còn trong trạng thái hoảng sợ. Hai đối tượng cho biết bị dụ dỗ, lôi kéo, khi đi theo mới biết bị lừa dối để đi đánh nhau, tấn công trụ sở, bị đe dọa sẽ giết cả gia đình nếu bỏ về nên rất sợ.

Những hình ảnh người đồng bào tạm gác công việc cá nhân để nấu cơm, tiếp sức cho lực lượng công an làm nhiệm vụ, tham gia canh gác buôn làng, vây bắt các đối tượng… là bằng chứng sinh động thể hiện sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là lực lượng Công an Nhân dân; thể hiện truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái; đồng thời cũng cho thấy hiệu quả của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thế trận lòng dân vững chắc tại địa bàn.

Dựa vào "tai, mắt" của dân

Qua sự việc ở Đắk Lắk cũng đặt ra những vấn đề về xây dựng thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng vụ việc cho thấy bài học “rất đắt” về công tác bám nắm cơ sở và huy động lực lượng tại cơ sở. Đội ngũ Công an chính quy dù được bố trí về xã, phường, thị trấn, nhưng trong tình hình phức tạp về an ninh trật tự hiện nay, tội phạm ngày càng tinh vi, việc phối hợp lực lượng quần chúng tham gia với lực lượng chính quy bảo vệ an ninh, trật tự là điều cần thiết và cấp bách. Củng cố thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân là rất quan trọng.

Cuộc sống người dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã bình yên trở lại. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

“Phải dựa vào nhân dân, vì đông đảo nhân dân rất nhiều "tai, mắt," cho nên bộ đội, công an không những phải đoàn kết nội bộ, lại phải đoàn kết với nhân dân, dựa vào nhân dân, giáo dục nhân dân cảnh giác, địch không làm gì được.” Lời dạy của Bác Hồ trong bài nói chuyện với Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình 61 năm về trước vẫn còn nguyên giá trị.

Dù có bổ sung bao nhiêu cán bộ về cơ sở cũng không bằng “tai mắt” trong nhân dân. Đối với những địa bàn đặc thù như Tây Nguyên thì già làng, trưởng bản, người có uy tín là những người có tiếng nói, có sức ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng. Già làng như “âm thanh trống cái, giữ nhịp hài hòa cho cả dàn chiêng.”

Già làng nói dân làng nghe; già làng làm, dân làng làm theo. Già làng, trưởng bản, người có uy tín chính là chỗ dựa của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc vận động quần chúng; là hạt nhân trong các phong trào, trung tâm gắn kết cộng đồng.

Tại xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai, hộ dân nào khấm khá, hộ dân nào còn khó khăn, già làng Siu Deo đều nắm rõ, để từ đó động viên, khuyến khích bà con chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

"Đối với dân, mình phải khiêm tốn, tôn trọng, đối với công việc, phải kiên trì nhẫn nại, đối với kẻ xấu phải thẳng thắn, đấu tranh. Già làng động viên, dân nghe theo," già làng Siu Deo ở làng Mook Đen 2, xã Ia Dom, chia sẻ.

Theo già làng Siu Deo, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng chỉ một số ít người vì lợi ích cá nhân, nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu mà làm điều trái với lương tâm, trái với chính truyền thống tốt đẹp của đồng bào mình.

Khẳng định quê hương Tây Nguyên có được bộ mặt mới như ngày hôm nay là nhờ sự đoàn kết, chung tay góp sức của nhân dân, sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, già làng Y Pri Niê (buôn Sút Mđưng, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk), cho biết: “Trong những năm qua, bản thân mình thường xuyên dạy bảo con cháu, người thân trong gia đình và người dân trong buôn làng tuyệt đối không nghe, không tin những lời dụ dỗ, kích động, lừa bịp lôi kéo của kẻ xấu. Hãy sinh sống, lao động theo Hiến pháp, pháp luật, yên tâm lao động sản xuất, học tập để mai này góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.”

Sự cống hiến đầy trách nhiệm của các già làng đã lan tỏa, khơi dậy tinh thần đoàn kết chung tay xây dựng vùng Tây Nguyên hội nhập, phát triển cùng đất nước.

Bên cạnh đó là các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được nhân rộng, đi vào hoạt động hiệu quả. Qua đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an nhiều tin báo về an ninh trật tự, các vụ việc phát sinh, giúp lực lượng chức năng triệt phá tội phạm, giữ vững bình yên cuộc sống cho nhân dân./.

Nguồn dẫn: https://www.vietnamplus.vn/de-dong-bao-cac-dan-toc-o-tay-nguyen-mai-binh-yen-va-phat-trien/874392.vnp