|
Các tổ chức thiện nguyện khắp nước chuyển hàng cứu trợ đến cho người dân vùng lũ tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN |
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão, "khúc ruột" miền Trung lại là nơi được nhắc đến nhiều nhất, khi phải hứng chịu những thiệt hại do thiên tai gây ra. Kể từ hơn 20 năm qua, sau trận "đại hồng thủy" 1999, người dân ở giữa dải đất hình chữ S lại phải một lần sống trong biển nước, nỗi đau ngập tràn...
Theo thống kê, đến ngày 22/10, đã có 138 người chết, mất tích do mưa lũ, trong số đó có nhiều cán bộ, chiến sỹ ngã xuống khi tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn. Nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt do sạt lở, hư hỏng; hàng nghìn ha hoa màu bị mất trắng, hàng vạn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Thiệt hại đối với các địa phương miền Trung vẫn chưa thể đong đếm hết, khi mưa lũ vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc...
Thương về "khúc ruột" miền Trung, khắp nơi trên toàn quốc đang triển khai các hoạt động quyên góp theo lời kêu gọi phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái", "thương người như thể thương thân" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và chủ trương của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức vận động cán bộ, đảng viên, người lao động ủng hộ trên tinh thần tự nguyện được đông đảo người dân đồng tình, hưởng ứng. Không ít người dành cả số tiền lớn tiết kiệm được trong một thời gian dài gửi đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, chia sẻ cùng người dân miền Trung.
Trong khó khăn càng thấy rõ tinh thần đoàn kết, yêu thương gắn bó của nhân dân Việt Nam. Việc tham gia quyên góp, cứu trợ người dân vùng lũ đang trở thành phong trào được nhiều cá nhân, tổ chức triển khai; thậm chí có những nhóm người tự tổ chức chở nhu yếu phẩm vào tận vùng lũ trao tặng cho người dân bị ảnh hưởng...
Tuy nhiên, hoạt động thiện nguyện tự phát dù đã lên kế hoạch tỷ mỉ đến đâu vẫn có những bất cập nhất định. Chưa bàn đến sự nguy hiểm trong quá trình di chuyển, nhưng hiện tượng chồng chéo trong các đoàn từ thiện, dẫn tới tình trạng chỗ được nhận quá nhiều, nơi lại quá ít đã xảy ra...
Bên cạnh đó, những ngày gần đây đã xuất hiện những cá nhân lợi dụng lòng tin của người dân nhằm trục lợi khi đứng lên kêu gọi người dân gửi tiền vào tài khoản của mình, nhưng lại dùng số tiền nhận được vào mục đích riêng mà không gửi đến người dân vùng lũ. Nghiêm trọng hơn, đã có kẻ xấu mạo danh những người nổi tiếng, có uy tín để vận động từ thiện nhằm chiếm đoạt tiền của người gửi. Vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao khi ca sĩ Thủy Tiên phải lên tiếng cảnh báo công chúng về việc có những tài khoản Facebook mạo danh cô để kêu gọi quyên góp tiền ủng hộ đồng bào miền Trung, khiến nhiều người bị lừa, mất tiền oan. Điều đáng nói là những trang Facebook giả này còn chạy cả quảng cáo để thu hút một lượng chia sẻ rất cao từ cộng đồng mạng.
Hoạt động từ thiện là tự nguyện, vô tư, không toan tính. Tuy nhiên, người làm từ thiện cần tỉnh táo, đặt niềm tin "đúng nơi, đúng chỗ", không để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm trục lợi.
Trước hết, cần tìm hiểu, xác minh rõ thông tin về người kêu gọi từ thiện và người cần được giúp đỡ, bởi không phải mọi thông tin, hình ảnh được cung cấp đều phản ánh đúng thực tế cũng như nhu cầu được trợ giúp. Chỉ khi lòng tốt được sử dụng đúng chỗ, đúng cách mới giúp cái đẹp được lan tỏa, nhân lên trong cuộc sống.
Bởi vậy, khi làm từ thiện, người dân nên đến những địa chỉ uy tín, những kênh chính thống như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, Công đoàn... để số tiền của mình được phân bổ một cách hợp lý, đến đúng địa chỉ, đúng người, đúng cách, dựa trên những kế hoạch cụ thể, phù hợp.
|
Hàng ngàn chiếc bánh Tét được làm tại Gia Lai để gửi về hỗ trợ người dân miền Trung. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN |
Nhằm đảm bảo hoạt động từ thiện đem lại hiệu quả cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng vừa ban hành hướng dẫn vận động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung, Tây Nguyên khắc phục thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra. Một trong những nội dung hướng dẫn nêu rõ: Số tiền vận động quyên góp được chuyển về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ban Cứu trợ Trung ương) để cân đối phân bổ cho các địa phương bị thiệt hại.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh khẳng định, sự chung tay của người dân cả nước là hiện hữu của những nghĩa cử cao đẹp, là trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam khi đất nước gặp thiên tai, lũ lụt. Với trọng trách là cơ quan tiếp nhận, phân bổ và kết nối những tấm lòng hảo tâm đến đúng địa chỉ người nhận, những ngày qua, đội ngũ cán bộ Mặt trận ở nơi tâm lũ đã ngày đêm túc trực, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đi về từng địa bàn bị ngập sâu để đưa bà con đến nơi an toàn, phân bổ hàng cứu trợ tới tận tay những hộ dân đang bị ngập trong vùng nước lũ.
Ông Hầu A Lềnh cam kết, Ban Cứu trợ Trung ương sẽ kịp thời phân bổ kinh phí nhận được tới người dân các tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, nhằm hỗ trợ các trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của bà con. Đặc biệt, khi cơn lũ đi qua, nguồn lực ủng hộ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ về nhà ở, tạo sinh kế giúp bà con sớm tái thiết cuộc sống.
Liên quan đến hoạt động từ thiện, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai. Để công tác vận động quyên góp, hỗ trợ đúng quy định và thiết thực, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tổ chức, giám sát việc vận động quyên góp hỗ trợ, bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo, giám sát việc quyên góp, vận động hỗ trợ theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi trong vận động, quyên góp hỗ trợ...
Mỗi hoạt động từ thiện đều đáng được trân trọng và khuyến khích. Việc dành thời gian, công sức đến tận nơi người dân bị ảnh hưởng do thiên tai để trao quà thể hiện tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia giữa con người với con người, là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chúng ta dành sự sẻ chia của mình đúng cách, đúng chỗ và có kế hoạch hợp lý thì hoạt động từ thiện sẽ càng có hiệu quả và ý nghĩa hơn...
Theo Đỗ Bình (TTXVN)