Một góc bản làng của đồng bào Cống ở bản Púng Pon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, trong giai đoạn 2021-2025, triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, Điện Biên được phân bổ 1.657.869 triệu. Riêng trong năm 2024 được phân bổ 1.196.795 triệu đồng, vốn điều chuyển năm 2023 sang là 461.074 triệu đồng.
Với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã quyết liệt triển khai đồng bộ thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG 1719 đã góp phần vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi tại tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện cả về lượng và chất, môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể. Đến 31/5/2024 đã thực hiện giải ngân 302.065 triệu đồng đạt 17,2% kế hoạch năm.
Năm 2023, tại huyện Điện Biên, nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi chỉ giải ngân được 18%. Trong 3 tháng đầu năm 2024 nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình chưa thể thực hiện giải ngân.
Huyện Tủa Chùa, DTTS chiếm trên 95%, quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 huyện đã nỗ lực thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp. Nhiều năm qua, là một trong những huyện thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, hiện nay còn khoảng 17.000 người dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung các xã vùng cao; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 82,32% (không thường xuyên). Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn toàn huyện chỉ đạt 2,4%. Một trong những nguyên nhân do thiếu công trình nước sinh hoạt, hoặc đã được đầu tư nhưng xuống cấp, hư hỏng, không phát huy hiệu quả. Hiện nay toàn huyện có 113 công trình nước sinh hoạt (111 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 2 công trình nước sạch). Tuy nhiên nguồn nước không ổn định, chỉ giải quyết được một khoảng thời gian trong mùa khô.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, huyện Tủa Chùa đã cấp phát 1.694 téc nhựa chứa nước (dung tích 1.000 lít/téc) cho hộ nghèo, khó khăn về nước sinh hoạt trong toàn huyện. Hiện nay, tổng số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 10.358/12.243 hộ (chiếm 84,6%). Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung chiếm 63,6%. Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước quy mô nhỏ lẻ 21%.
Trong 2 năm 2022 và 2023, tổng các nguồn vốn được giao thực hiện chương trình tại huyện là gần 154 tỷ đồng, nhiều dự án và tiểu dự án giải ngân đạt từ 70% đến 90% kế hoạch. Đối với nguồn vốn đầu tư, trong 3 tháng đầu năm nay, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi địa bàn huyện giải ngân 4,5%.
Ngày 6/9/2024 UBND huyện Tủa Chùa ban hành báo cáo 81/BC-PDT về tình hình thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024. Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt với tổng vốn ngân sách Trung ương giao: 7.510,915 triệu đồng (hiện vẫn chưa giải ngân); hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề tổng số vốn 117 triệu đồng (đang rà soát đối tượng thụ hưởng); hỗ trợ nước sinh hoạt, tổng vốn giao 7.393,915 triệu đồng (UBND huyện đã ban hành Quyết định phê duyệt danh sách 1.992 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán năm 2024 của 12 xã thị trấn đến nay đang thực hiện lựa chọn nhà thầu. Dự kiến các đơn vị chủ đầu tư thực hiện hoàn thành trước tháng 10 năm 2024); Vốn còn dư (1.420 triệu đồng) dự kiến chuyển sang thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Không riêng huyện Điện Biên hay Tủa Chùa, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh còn vướng mắc trong quá trình thực hiện các Dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, nhất là đối với nguồn vốn sự nghiệp.
Còn tại Thành phố Điện Biên Phủ, thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021 – 2024 tổng nguồn vốn được phân bổ là 57.351,6 triệu đồng. Từ nguồn lực của Chương trình nhiều dự án đã được đầu tư xây dựng, đã hoàn thành đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả tích cực.
Cụ thể, đối với nội dung “Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung” thuộc Dự án 1, TP. Điện Biên Phủ đã hoàn thành 05 công trình, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2023. Các công trình nước sinh hoạt tập trung được xây dựng ở bản Vang, bản Kéo xã Pá Khoang; công trình ở bản Phiêng Lơi, Nà Nghè và bản Tân Quang, xã Thanh Minh hoàn thành đã giúp hằng trăm hộ dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Chương trình MTQG 1719 là động lực quan trọng thúc đẩy vùng DTTS và miền núi của Thành phố tiếp tục phát triển. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào ngày càng tốt hơn. Hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất ngày càng hoàn chỉnh; bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy…
Người dân được hỗ trợ téc nước sinh hoạt (Ảnh: Báo Tài nguyên môi trường)
Qua đó, Điện Biên sẽ tiếp tục lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, Dự án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư. Đồng thời từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các Dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 như: Kịp thời sửa đổi bổ sung các văn bản quy định, hướng dẫn thuộc thẩm quyền của tỉnh để phù hợp, đồng bộ với các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương. Đặc biệt, ngày 11 tháng 7 năm 2024 tại Kỳ họp thứ XV, HĐND tỉnh Điện Biên đã thông qua Nghị quyết số 193/NQ-HĐND lựa chọn huyện Tuần Giáo thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719.
Thời gian qua tỉnh đã rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban quản lý thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở thuộc cấp quản lý để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo tại địa phương; Chỉ đạo công bố công khai các tiêu chuẩn, đối tượng và chỉ đạo bình xét, lập danh sách các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở trên địa bàn; phân loại ưu tiên thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định. Chỉ đạo công tác lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó còn một số khó khăn, một số hạng mục chi hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG 1719 chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Đối tượng hỗ trợ của các dự án là hộ nghèo, cận nghèo, hộ sinh sống tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhưng các đối tượng này ở rải rác tại mỗi thôn, bản một vài hộ, diện tích đất sản xuất không tập trung nên khó bố trí thực hiện các dự án liên kết. Đặc biệt các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đủ điều kiện tham gia liên kết còn hạn chế, thiếu vốn, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, phát triển sản phẩm.
Trong thời gian tới tỉnh Điện Biên cần phải nỗ lực hơn nữa để các Dự án, tiểu dự án triển khai hiệu quả hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Triển khai thí điểm cơ chế phân cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG sẽ tạo điều kiện cho địa phương được chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Các cấp, ban, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục chú trọng tới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ Đảng viên và người dân về tầm quan trọng của Chương trình MTQG 1719 để phát huy được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Tuyết Mai