Đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hình thành và phát triển trong lịch sử đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước. Đoàn kết, yêu nước nồng nàn, cần cù, vượt khó, sáng tạo trong lao động và sống thích ứng là những giá trị văn hóa truyền thống bền vững của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước từ xưa cho đến nay đã hình thành một cộng đồng dân tộc Việt Nam gắn bó keo sơn. Từ lòng yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết muôn người như một đã tạo nên sức mạnh vô địch, giúp dân tộc ta đánh thắng các cuộc xâm lược của những đội quân hùng mạnh nhất, giữ gìn độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Lịch sử dân tộc Việt Nam từ khi ra đời tới nay là lịch sử dựng nước và giữ nước. Dựng nước và giữ nước luôn luôn gắn chặt với nhau. Phải xây dựng được đất nước hùng mạnh về mọi mặt mới có điều kiện, khả năng giữ nước, đồng thời phải giữ được nước mới có điều kiện để xây dựng đất nước. Trong quá trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc đã hình thành và phát triển giá trị văn hóa đoàn kết. Đó là thành quả văn hóa của dân tộc ta trong lịch sử mấy ngàn năm tồn tại và phát triển. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh rằng, đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống tạo nên sức mạnh vô địch, đưa nước ta, dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang.
Đoàn kết - một giá trị văn hóa truyền thống trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta
Trở về thời đại các vua Hùng dựng nước, qua kết quả của các nghiên cứu cho thấy sự phát triển của đồ đồng đã chấm dứt thời kỳ tồn tại hàng vạn năm của công xã nguyên thủy trước đó, thời kỳ mà người Việt cổ sống còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên để đi vào thời kỳ mới - thời kỳ người Việt cổ bắt đầu có ý thức với cuộc sống, với cộng đồng, với sản xuất. Việc người Việt cổ biết trồng trọt, chăn nuôi, biết dùng súc vật để kéo cày, biết làm lúa nước, làm thủy lợi, cùng với việc xuất hiện một số ngành nghề mới (thủ công, trồng dâu nuôi tằm, luyện đồng, rèn sắt...) đã tạo ra tiền đề ổn định, gia tăng sự gắn kết cộng đồng, nhờ đó cũng kéo theo cả sự phát triển của văn hóa. Văn hóa phát triển sẽ hình thành những giá trị văn hóa mới, trong đó đoàn kết là một giá trị văn hóa được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Thời kỳ An Dương Vương dựng nước Âu Lạc và lập đô tại Cổ Loa, miền đồng bằng của đất nước thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và văn hóa, cho thấy cư dân Âu Lạc tỏ rõ ý chí mạnh mẽ, tự tin vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Kế tục sự phát triển của nước Văn Lang, cư dân Âu Lạc đã cố kết xây dựng đất nước với nền văn hóa Đông Sơn phát triển rực rỡ. Thời gian này có bước tiến mới của Âu Lạc trong kỹ thuật quốc phòng, người Âu Lạc đã chế tạo được loại nỏ bắn nhiều phát một lần, với mũi tên bằng đồng có ba cạnh sắc. Thành Cổ Loa được xây dựng mà đến nay được coi là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ”. Đây là công trình thể hiện sự sáng tạo độc đáo của cư dân Âu Lạc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Nhà Tần và sau đó Triệu Đà đã nhiều lần đưa quân đánh phá Âu Lạc nhưng đều thất bại. Điều đó chứng tỏ tinh thần đoàn kết, ý thức tự chủ của cư dân Âu Lạc đã phát triển trên cơ sở nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ.
Có thể nói, sức mạnh của nền văn minh Văn Lang - Âu Lạc với cơ sở đoàn kết đã tạo cho cộng đồng người Việt có sức mạnh để chiến thắng giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên suốt quá trình dựng nước và giữ nước trong buổi bình minh lịch sử.
Thời kỳ Bắc thuộc trên một ngàn năm, dù bị áp đặt ách thống trị và bóc lột tàn bạo, nhưng nhân dân ta đã đoàn kết, kiên cường đấu tranh với kẻ thống trị để giữ vững bản sắc văn hóa, để giữ gìn tiếng nói, phong tục tập quán của mình, đồng thời hoàn thiện và nâng cao nền văn hóa, văn minh của người Việt, củng cố tinh thần tự lực tự cường, tăng thêm ý chí đấu tranh giành độc lập tự chủ. Đây là giá trị to lớn nhất để chuẩn bị cho công cuộc giành quyền tự chủ. Chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền đã đánh bại ý chí xâm lược của nhà Nam Hán, kết thúc hoàn toàn thời kỳ bị phong kiến phương Bắc đô hộ, kéo dài trên một ngàn năm.
Dù bị phong kiến phương Bắc thống trị và âm mưu đồng hóa trên một ngàn năm, nhưng nhân dân ta đã vùng lên và giành lại được quyền độc lập, tự chủ. Đó chính là nhờ có ý chí độc lập tự do, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết của cư dân người Việt sớm được khẳng định trên cơ sở những thành tựu vật chất và tinh thần ngày càng phát triển trong quá trình dựng nước và giữ nước trước đó. Truyền thống đó lại được nuôi dưỡng bởi nền văn hóa, văn minh của người Việt định hình và phát triển trong thời kỳ Văn Lang - Âu lạc. Mặc dù âm mưu đồng hóa thâm độc, nhưng nền văn hóa của cư dân người Việt chẳng những không bị mai một, mà còn được bổ sung, làm phong phú thêm, làm tăng sức mạnh, hun đúc sức sống mãnh liệt của cộng đồng người Việt. Đây cũng là điều kiện hết sức quan trọng để đất nước vươn lên giữ vững nền tự chủ, dựng nước thịnh trị trong thời kỳ văn hóa - văn minh Đại Việt về sau này. Sau khi giành được độc lập, tự chủ, truyền thống đoàn kết trong công cuộc dựng nước và giữ nước tiếp tục được phát huy cao độ. Sử sách cho thấy, sau mỗi thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập chủ quyền của các triều đại phong kiến Việt Nam, vị thế của dân tộc ta ngày càng được củng cố và phát triển.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy cao độ với quyết tâm “dù có hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập”, hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã nhất tề đứng dậy giành chính quyền làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, đem lại nền độc lập cho dân tộc và quyền tự do cho nhân dân.
Trong kháng chiến chống Pháp, với ý chí quyết tâm sắt đá và sự đồng lòng của toàn dân tộc: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc…” đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong suốt 9 năm chống thực dân Pháp lâu dài, gian khổ, để cuối cùng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đặc biệt trong công cuộc chống Mỹ cứu nước trường kỳ, gian khổ, với khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” đã được phát huy, lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất. Nhờ đó, dân tộc Việt Nam đã huy động cao độ sức mạnh chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực để “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, và cuối cùng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 thắng lợi, đã kết thúc vẻ vang sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là từ khi đổi mới đến nay, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta tiếp tục được phát huy với nhiều hình thức tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đoàn kết cùng nhau giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam. Đảng ta đã lãnh đạo cả hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội; triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng và tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, sạt lở, giông lốc, dịch bệnh diễn ra ở nhiều nơi. Trong bối cảnh hết sức khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các nghị quyết, kết luận, chỉ thị với phương châm “chống dịch như chống giặc”; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả; Vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội... Có thể thấy, về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực thi đúng hướng và phù hợp, được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ, cộng đồng thế giới đánh giá cao.
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, quyết liệt, kịp thời của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, góp phần cho cả giai đoạn 2016 - 2020 đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Kết quả đó còn cho thấy chúng ta đã phát huy giá trị văn hoá dân tộc, nhất là giá trị văn hóa truyền thống đoàn kết, tập hợp được sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, làm cho đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín lớn như ngày nay. Đó là cơ sở quan trọng cho đất nước ta có thể lập nên những kỳ tích phát triển mới.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Các cấp ủy Đảng đã quan tâm đến sự nghiệp đại đoàn kết. Chính quyền các cấp đã thật sự có chuyển biến trong nhận thức và hành động về quan hệ với nhân dân. Nhiều dự án về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Nhà nước được ban hành nhằm chăm lo đời sống cho nhân dân đã thực hiện có kết quả. Quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội được thể chế hóa, đã từng bước được phát huy. Sự đổi mới hệ thống chính trị, việc tăng cường dân chủ hóa đời sống xã hội đã góp phần quan trọng vào việc động viên nhân dân hăng hái tham gia các sinh hoạt chính trị của đất nước, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Đó là những nhân tố rất quan trọng, góp phần tích cực bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Lịch sử đã chứng minh, đoàn kết là một giá trị văn hóa truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Tinh thần đoàn kết toàn dân đã tạo thành sức mạnh vật chất vô cùng to lớn và mạnh mẽ, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của dân tộc. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh vô địch để nhân dân tiến hành cách mạng thắng lợi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là công cuộc cải biến xã hội sâu sắc tạo điều kiện giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đảng ta đã chỉ đạo tiếp tục thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thành những chính sách, quy chế, quy định cụ thể ở từng loại hình cơ sở để nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, quyền làm chủ trên thực tế, thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước và cộng đồng xã hội. Đồng thời, chú trọng xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các hình thức tổ chức cho phù hợp với những diễn biến mới của tình hình để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, để nhân dân được phát huy đầy đủ quyền làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, có điều kiện phát triển tài năng, sức sáng tạo, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng, mang lại lợi ích cho bản thân và cho đất nước.
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống đoàn kết toàn dân tộc để có được sức mạnh vô địch đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn, là phương thức và cũng là điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bài học kinh nghiệm này còn nguyên giá trị và cần tiếp tục phát huy nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển tạo sức mạnh to lớn của toàn dân tộc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để phát huy giá trị văn hóa truyền thống đoàn kết toàn dân tộc phải thường xuyên tăng cường củng cố, thắt chặt mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Quyền dân chủ của người dân phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Phải làm cho nhân dân hiểu, thấm nhuần mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, biến thành ý chí và hành động của toàn dân và đi vào cuộc sống. Đảng phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tập hợp các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh to lớn vững chắc trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trần Quốc Dân
Nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014.
4. Nguyễn Trọng Chuẩn - Phan Văn Đức - Hồ Sĩ Quý: Tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
5. Hoàng Vinh: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta, Viện Văn hóa, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1999.
6. Dương Xuân Đồng: Văn hóa quân sự Việt Nam - Văn hóa giữ nước, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.