|
Khoảnh khắc mở tấm vải khánh thành biển tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hà/TTXVN |
Sự kiện cũng là một trong những hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lên con tàu Pháp mang tên Amiral Latouche Tréville để ra nước ngoài tìm đường cứu nước.
Biển tưởng niệm được làm bằng đá granit đen, gắn lên tường mặt trước trụ sở tòa soạn báo La Marseillaise, khắc dòng chữ bằng tiếng Pháp với nội dung: "Tại Marseille, vào năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên gọi lúc đó là Văn Ba) lần đầu tiên đặt chân đến Pháp, khởi đầu cho hành trình gian nan tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam".
|
Đại sứ Đinh Toàn Thắng phát biểu tại buổi lễ khánh thành biển tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hà/TTXVN |
Phát biểu tại buổi lễ, đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao tấm lòng cũng như tình cảm của lãnh đạo thành phố và người dân Marseille, đã đón nhận và coi tấm bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một phần trong di sản văn hóa của thành phố.
Theo đại sứ, việc gắn biển tưởng niệm sẽ góp phần lưu lại một kỷ niệm vốn là một phần không thể thiếu trong ký ức chung, tạo nên những trang vàng mà hai bên đã, đang, và sẽ viết cho mối quan hệ lịch sử mẫu mực giữa hai nước và hai dân tộc Việt Nam và Pháp.
"Sự kiện hôm nay cũng phản ánh mối quan hệ đặc biệt mà Việt Nam đã duy trì với thành phố Marseille, mối quan hệ có nguồn gốc sâu xa từ cuộc đấu tranh của các thế hệ khác nhau của thành phố cùng với nhân dân Việt Nam vì độc lập và tự do", đại sứ nhấn mạnh.
|
Phó thị trưởng Marseille bà Audrey Garino phát biểu. Ảnh: Thu Hà/TTXVN |
Các lãnh đạo thành phố, đại diện Đảng Cộng sản Pháp và tòa soạn báo La Marseillaise, khi nhắc lại cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, đều bày tỏ sự kính trọng đối với vị lãnh tụ, người cha già của dân tộc Việt Nam, đánh giá cao mục đích cũng như lý tưởng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và coi việc gắn biển tưởng niệm như một dấu ấn lưu lại lịch sử không chỉ của Việt Nam mà cả nước Pháp, thể hiện tình cảm, tình hữu nghị, đoàn kết của người dân thành phố Marseille nói riêng và nhân dân Pháp nói chung đối với nhân dân Việt Nam. Như bà Phó Thị trưởng Marseille Audrey Garino đã khẳng định: "Tấm biển không chỉ là minh chứng cho lịch sử, mà còn thể hiện tình hữu nghị chân thành giữa hai dân tộc chúng ta".
Hành trình gắn biển, từ ý tưởng đến hành động
|
Biển tưởng niệm Chủ tịch HCM gắn trên tường trụ sở báo La Marseillaise. Ảnh: Thu Hà/TTXVN |
Từ lâu chính phủ Việt Nam có nguyện vọng tìm một địa điểm xây dựng một công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố cảng Marseille, địa phương đầu tiên mà người đặt chân đến trong hành trình tìm đường cứu nước, đồng thời cũng để tưởng nhớ và ghi nhận những đóng góp của cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh và cộng đồng người Việt Nam nói chung tại thành phố Marseille, cửa ngõ đầu tiên tới Pháp và châu Âu của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Sau khi biết nguyện vọng này, ông Jean-Charles Nègre, cố Ủy viên Ban Thường vụ Đảng cộng sản Pháp, người mới được Chủ tịch nước Việt Nam truy tặng Huân chương Hữu nghị, đã gợi ý đến trụ sở của tờ báo La Marseillaise. Tháng 06/2019, sau nhiều buổi làm việc, đặt vấn đề và vận động, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã nhận được sự đồng ý của chính quyền thành phố Marseille và tòa soạn báo La Marseillaise chấp thuận việc đặt biển tưởng niệm Bác Hồ tại mặt tiền của tòa nhà trụ sở.
|
Mặt tiền báo La Marseillaise. Ảnh: Thu Hà/TTXVN |
Tòa soạn báo La Marseillaise nằm trong khu vực bến cảng cũ (Vieux-Port), thuộc trung tâm thành phố với nét kiến trúc đặc sắc và là niềm tự hào của thành phố cảng. Tòa nhà cũng có ý nghĩa lịch sử đặc biệt vì đây đã từng là nơi hội tụ của các phong trào công nhân, bình dân Pháp trong những năm đầu thế kỷ 20. La Marseillaise là tờ báo ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp trong thời kỳ kháng chiến, biểu tượng của sự tiến bộ và tinh thần đấu tranh vì một xã hội tự do, bình đẳng, bác ái.
Đến nay, nhiều tư liệu được thu thập đã chỉ ra những mối liên hệ, gắn kết giữa Bác Hồ và địa danh cảng Marseille, nơi Bác đặc chân lần đầu tiên đến Pháp trên con đường tìm đường cứu nước năm 1911. Năm 1921, Đảng Cộng sản Pháp tổ chức Đại hội đầu tiên tại Marseille và Nguyễn Ái Quốc lúc đó đã tham dự với tư cách là đại biểu duy nhất của một nước thuộc địa. Đây cũng là nơi tiễn chân Bác trong chuyến thăm chính thức Pháp đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Tại thành phố này, trước khi lên tàu về nước, tháng 9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến đặt vòng hoa tại mộ chiến sĩ vô danh, tiếp xúc, nói chuyện với cộng đồng kiều bào, tiếp các quan chức địa phương và trả lời phỏng vấn của phóng viên báo La Marseillaise và báo chí địa phương.
|
Tổng biên tập báo La Marseillaise tặng Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp bản maquette trang 1 ngày 2/5/1975 về ngày thống nhất đất nước Việt Nam. Ảnh: Thu Hà/TTXVN |
Marseille là thành phố cảng lâu đời nhất của Pháp, là nơi giao thương sầm uất từ thế kỷ 19 và nay là thành phố đông dân thứ hai của Pháp. Là cửa ngõ đón binh lính và người lao động ở các nước thuộc địa bị trưng dụng sang Pháp nhằm phục vụ cho nước Pháp thời kỳ chiến tranh đầu thế kỷ 20, Marseille là nơi đón nhiều thế hệ người Việt Nam đến Pháp.
Vốn có khí hậu ấm áp, thành phố này và một số vùng lân cận đã trở thành nơi cư ngụ của nhiều người Việt. Đến nay, các hội đoàn người Việt tại Marseille luôn là cộng đồng lớn mạnh, yêu nước, tiên phong tham gia và đóng góp vào các phong trào hướng về quê hương, đất nước.
Năm 2019, Lãnh sự quán danh dự Việt Nam đã được thành lập tại Marseille để giúp đỡ và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại thành phố này và vùng lân cận. Lãnh sự danh dự tại đây là ông Nguyễn Công Tốt.
Theo Thu Hà - Nguyễn Tuyên (TTXVN)