|
Xây dựng trạm chứa nước ngọt tập trung cho đồng bào dân tộc (Nguồn: moitruong.net) |
Những năm qua, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ cho hộ đồng bào DTTS được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả; đời sống đồng bào DTTS được cải thiện đáng kể. Qua đó, tạo sự đồng thuận xã hội, thu hút đông đảo đồng bào các DTTS tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong giai đoạn 2021 - 2024, các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS được tỉnh thực hiện kịp thời. Từ các nguồn vốn tỉnh đã đầu tư xây dựng 01 khu dân cư tập trung và 39 điểm xen ghép để hỗ trợ ổn định dân cư cho 582 hộ đồng bào dân tộc thụ hưởng. Tỉnh cũng đã hỗ trợ đất sản xuất cho 46 hộ, với diện tích đất hỗ trợ 18,5ha; Hỗ trợ chuyển đổi nghề thay cho đất sản xuất cho 1.551 hộ; Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 789 hộ. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ cho 97 hộ nghèo DTTS tại địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với số vốn là 2.292 triệu đồng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025, tỉnh Cà Mau được phân bổ 260.737 triệu đồng, trong đó, giai đoạn 2022 - 2024 được phân bổ 181.660 triệu đồng. Tính đến ngày 10/7/2024, tỉnh Cà Mau đã giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình được 119.086 triệu đồng.
Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, các nội dung của Chương trình đã tác động tích cực đến đời sống của đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Theo Báo cáo số 241/BC-BDT ngày 13/9/2024 của Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau về công tác tổ chức triển khai thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, tổng vốn năm 2022 và năm 2023 để thực hiện Dự án 1 là 16.241 triệu đồng, đã thực hiện hỗ trợ và giải ngân đạt trên 99% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, hỗ trợ đất ở cho 11 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 283 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 201 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 406 hộ.
Cũng từ Dự án 1, số hộ gia đình được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tự ổn định chỗ ở; xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở; tạo quỹ đất sản xuất, học nghề và chuyển đổi nghề là 176 hộ, đã giải ngân 6.545 triệu đồng.
Năm 2024 các địa phương đang tiếp tục triển khai hỗ trợ đất ở cho 28 hộ, nhà ở cho 180 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề thay cho đất sản xuất 264 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 272 hộ thụ hưởng; đã phê duyệt phương án để triển khai thêm 22 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng tại địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn.
Về việc hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc. Theo báo cáo, năm 2022, tỉnh Cà Mau có khoảng 11.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sử dụng nước sạch; trong đó, khoảng 9.000 hộ là đồng bào dân tộc Khmer. Tuy nhiên, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa được hưởng lợi từ các công trình cung cấp nước sạch tập trung. Vì, đa phần đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán, tập trung ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Một số nơi sử dụng nước giếng, nhưng qua nhiều năm nguồn nước không còn đảm bảo, dù giếng khoan ở độ sâu từ 300 - 400m nhưng vẫn không có nước ngọt để sử dụng. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra hầu hết ở các ấp trên địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh.
Hay như ở xã Biển Bạch – nơi có đông đồng bào Khmer. Qua rà soát, tổng số hộ thiếu nước sinh hoạt là 482 hộ (chủ yếu ở những nơi chưa có đường ống dẫn nước đi qua, đê Tây Sông Trẹm). Trong đó, ấp Thanh Tùng và một phần của ấp 18, 11, Hà Phúc Ứng thuộc đê Tây Sông Trẹm là trầm trọng nhất, do điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của ấp là phèn mặn, không có mạch nước ngầm hoặc có mạch nước nhưng không có nước ngọt.
Hiện ở các vùng khó khăn về nước sạch, tỉnh Cà Mau hỗ trợ cho các địa phương với hình thức là khoan giếng nước sinh hoạt theo nhóm hộ và hỗ trợ mua bồn chứa nước. Đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, trong khi nhu cầu sử dụng nguồn nước ngọt ở vùng đồng bào dân số thiểu số ngày càng tăng cao. Do vậy, về lâu dài tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sạch tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.
Về giải pháp căn cơ lâu dài, tỉnh kiến nghị Trung ương sớm ban hành cơ chế và hỗ trợ nguồn lực để các tỉnh trong khu vực đầu tư xây dựng thêm các cụm công trình nước sinh hoạt tập trung tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giải quyết những khó khăn về nước sinh hoạt, ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên hàng năm. Đồng thời, có cơ chế ưu tiên hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương với định mức cao hơn khoảng 1,5 đến 2 lần so với định mức quy định để tỉnh chủ động triển khai các nội dung chính sách thuộc chương trình và hỗ trợ về nước sinh hoạt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; thường xuyên cập nhật, thông báo diễn biến tình hình hạn hán, thiếu nước đến các ngành, địa phương, đơn vị có liên quan và người dân; hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê, phân loại cụ thể các đối tượng khó khăn trong tiếp cận nguồn nước sinh hoạt; trong đó, lưu ý các hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo thiếu nước sinh hoạt.
Đồng bào các DTTS là bộ phận không thể tách rời của sự phát triển chung của tỉnh Cà Mau, vì vậy, tỉnh luôn chú trọng quan tâm nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh. MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tổ chức phát động, đổi mới, nâng cao chất lượng và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và nguồn lực trong xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Đỗ Thụy