Giải quyết chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An

(Mặt trận) - Trước tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của tỉnh còn diễn ra khá nhiều nơi, chưa đáp ứng nhu cầu định cư, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, tỉnh Nghệ An đang nỗ lực, ưu tiên triển khai, giải quyết các chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo kinh tế, ổn định đời sống cho bà con nhân dân.
 Một góc bản Na Nhu, xã Tà Cạ với những nếp nhà mới được dựng xây từ nguồn vốn Chương trình (Nguồn Báo Dân tộc và Phát triển)

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm tới việc đề ra nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm cải thiện đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang song hành triển khai hai dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình), gồm Dự án 1 về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” và dự án 2 về “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết”. Đây cũng là cơ sở để giải quyết dần những bức xúc về thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất đang đặt ra trong thực tiễn của tỉnh.

Theo rà soát, thống kê đối tượng thụ hưởng Dự án của Chương trình tại các huyện, xã trong tỉnhgồm:  xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) hiện ở 5 bản dọc biên giới (gồm Huồi Mới, Nậm Tột, Huồi Xái, Mường Lống, Pà Khốm) có 53 hộ đồng bào Mông hồi cư từ Lào về năm 2009 đang thiếu đất sản xuất. Do thiếu sinh kế và thu nhập, nên hầu hết các hộ này đều rơi vào diện nghèo và cận nghèo.

Cùng ở huyện Quế Phong, tình trạng thiếu đất sản xuất cũng đang xảy ra tại xã Nậm Giải. Nơi đây trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, nên đất rẫy, đất ruộng quá ít, người dân chưa có các nguồn thu nhập khác từ ngành nghề, dịch vụ. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của người dân. Những hộ thiếu đất sản xuất lại rơi vào hộ nghèo, cận nghèo.

Ngoài các xã Tri Lễ và Nậm Giải, tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất đang diễn ra ở nhiều địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số. Như tại huyện Tương Dương, đến thời điểm tháng 8/2024, qua khảo sát sơ bộ, toàn huyện đang có khoảng 3.700 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo thiếu đất ở và khoảng 1.650 hộ không có đất ở. Về đất sản xuất, toàn huyện có khoảng 6.700 hộ còn thiếu đất và khoảng 3.200 hộ chưa có đất nông nghiệp.

Hay tại huyện Quỳ Hợp, số hộ thiếu đất ở là 736 và 24 hộ; 1.809 hộ thiếu đất sản xuất và 206 hộ chưa có đất sản xuất. Tại huyện Quỳ Châu có 1.711 hộ thiếu đất ở và 266 hộ không có đất sản xuất. Huyện Quế Phong có 255 hộ thiếu đất ở và 530 hộ thiếu đất sản xuất…

Theo tổng hợp từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tại 9 địa phương gồm Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thanh Chương và thị xã Thái Hòa, hiện có khoảng 2.427 hộ đồng bào chưa có đất ở hoặc thiếu đất ở và có khoảng 15.453 hộ thiếu đất sản xuất hoặc không có đất sản xuất. Vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất đã dẫn đến tình trạng du canh, du cư, kéo theo nghèo đói, lạc hậu, các vấn đề xã hội, an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong giai đoạn 2022 - 2024, tỉnh thực hiện Chương trình với tổng nguồn vốn đầu tư phát triển (nguồn ngân sách Trung ương giao) là hơn 1.923 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 1.148 tỷ đồng. Kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2023 kéo dài với Ngân sách Trung ương là 47.937,9 triệu đồng: vốn đầu tư phát triển 10.068,9 triệu đồng; vốn sự nghiệp 37.869 triệu đồng. Vốn sự nghiệp ngân sách địa phương đối ứng là 3.753 triệu đồng. Với vốn đầu tư phát triển: Có 02 đơn vị giải ngân đạt tỷ lệ trên 50% kế hoạch (huyện Tân Kỳ, huyện Quỳ Châu); 03 đơn vị giải ngân đạt tỷ lệ từ trên 20% đến 50% kế hoạch (huyện Con Cuông, huyện Anh Sơn, huyện Quế Phong); 03 đơn vị giải ngân đạt tỷ lệ dưới 20% kế hoạch (huyện Kỳ Sơn, huyện Tương Dương, huyện Quỳ Hợp). Vốn sự nghiệp: Có 01 đơn vị giải ngân đạt tỷ lệ trên 50% kế hoạch (huyện Thanh Chương); 02 đơn vị giải ngân đạt tỷ lệ từ trên 20% đến 50% kế hoạch (huyện Tương Dương, huyện Quỳ Hợp); 07 đơn vị giải ngân đạt tỷ lệ dưới 20% kế hoạch (huyện Kỳ Sơn, huyện Con Cuông, huyện Anh Sơn, huyện Tân Kỳ, huyện Quế Phong, huyện Quỳ Châu, huyện Nghĩa Đàn).

Riêng năm 2024, với Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh được phân bổ ngân sách Trung ương là 96.332,5 triệu đồng: vốn đầu tư phát triển 40.622,5 triệu đồng; vốn sự nghiệp 55.710 triệu đồng.

Với nguồn vốn được cấp, tỉnh hỗ trợ nhà ở, xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, định mức xây dựng 01 căn nhà cấp 4 đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Tỉnh thực hiện hỗ trợ cho 86 hộ. Đến nay các huyện đã rà soát, phê duyệt đối tượng các hộ gia đình thụ hưởng. Đã xây dựng hoàn thành 45 căn nhà, đang xây dựng 30 căn nhà, và 11 hộ chuẩn bị khởi công xây dựng. Hỗ trợ đất sản xuất định mức hỗ trợ 22,5 triệu đồng/hộ; kế hoạch năm 2024 hỗ trợ 725 hộ dân của 04 huyện (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong).

Khó khăn trong thực hiện Dự án 1: Đất ở, đất sản xuất đối với các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn chủ yếu đất chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất sản xuất cho hộ gia đình, dẫn đến các huyện khó triển khai thực hiện.

Đối với Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Dự án được phân bổ năm 2024 với Tổng Kế hoạch vốn ngân sách Trung ương bao gồm: Vốn đầu tư phát triển là 45.358 triệu đồng. Vốn sự nghiệp là 137 triệu đồng; Kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022 và năm 2023 kéo dài là 23.087,5 triệu đồng.

Theo đó tỉnh đầu tư xây dựng 04 dự án định canh định cư với quy mô bố trí tái định cư đối với 298 hộ dân tại các huyện Kỳ Sơn (02 dự án bố trí tái định cư đối với 106 hộ dân), Tương Dương (01 dự án bố trí tái định cư đối với 83 hộ dân), Quế Phong (01 dự án bố trí tái định cư đối với 109 hộ dân) để thực hiện các nội dung san lấp mặt bằng, đường nội vùng, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, ... Các dự án đang triển khai thực hiện, chưa hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng.

Dự án 2 hiện đang triển khai dự án khu tái định cư bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn khối lượng triển khai đạt khoảng 70%, giải ngân đạt 51% do địa hiện núi dốc, hiểm trở đào và san gạt xuống vực sâu nên đã có nhiều chỗ sạt lở, lún sụt... Nhằm tháo gỡ những khó khăn về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh giúp đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn cho Dự án. Hiện nay tỉnh Nghệ An giao các sở, ban, ngành chức năng xây dựng Nghị quyết và sẽ trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 25 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 12/2024. Vấn đề được Ban Dân tộc HĐND tỉnh quan tâm là trong điều kiện quỹ đất ở các huyện miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hạn hẹp, thì về nguyên tắc hỗ trợ cần xác định rõ thứ tự ưu tiên giải quyết giao đất lần đầu trước; đồng thời cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với đối tượng được giao đất ở, đất sản xuất, tránh chuyển nhượng sau khi được giao đất. Mặt khác cần đảm bảo chặt chẽ các nội dung quy định trong dự thảo Nghị quyết, đúng đối tượng, giải quyết những bức xúc, khó khăn về đất đai đang đặt ra tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xác định hạn mức hỗ trợ đất sinh hoạt cộng đồng, bên cạnh đáp ứng đủ nhu cầu thì cũng cần phù hợp với điều kiện cụ thể vùng miền núi khó khăn về diện tích đất bằng...

Hoàng Nhung

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều