|
Đồng bào dân tộc Ơ Đu, bản Vang Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, giới thiệu Lễ mừng tiếng sấm, một đặc trưng văn hoá của dân tộc mình. (Ảnh minh họa) |
Người Ơ Đu sinh sống chủ yếu tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An). Dân tộc Ơ Đu có tổng dân số: 428 người (theo điều tra dân số 2019). Trước đây, người Ơ Đu sinh sống ở hai bản Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa (huyện Tương Dương) và một số hộ rải rác ở hai bản của xã Kim Tiến và xã Xá Lượng (huyện Tương Dương). Năm 2006, người Ơ Đu di chuyển về sinh sống tại bản tái định cư Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương để nhường đất xây dựng Thủy điện Bản Vẽ. Một số hộ ít hộ dân tộc Ơ Đu chuyển về sống xen kẽ với người dân tộc Thái, Khơ Mú ở 4 xã: Tam Đình, Thạch Giám, Xá Lượng, Lượng Minh, huyện Tương Dương. Họ sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước, canh tác theo cách phát, đốt, gieo hạt. Mùa lúa gieo hạt từ tháng 4-5 âm lịch, thu hoạch vào tháng 9-10. Công cụ gồm dao, rìu, gậy, chọc lỗ. Ngoài lúa là cây trồng chính, còn trồng ngô, đỗ, sắn, bầu, bí. Hái lượm và săn bắn có ý nghĩa thiết thực với đời sống đồng bào.
Đồng bào Ơ Đu có chữ viết và ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ người Ơ Đu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me (ngữ hệ Nam Á) và hệ thống lễ hội như Tết Nguyên đán, Tết cơm mới. Ngày hội lớn nhất là lễ đón tiếng sấm trong năm. Trong tín ngưỡng, người Ơ Ðu tin rằng khi chết đi linh hồn ngụ tại bãi tha ma, hồn gốc ở chỏm tóc ở lại làm ma nhà. Ma nhà chỉ ở với con cháu một đời theo thứ tự từ con trai cả đến con trai thứ. Khi các con trai đã chết hết, người ta làm lễ tiễn ma nhà về với tổ tiên…
Người Ơ Đu sống ở nhà sàn với kiến trúc nhà sàn thường có 4 mái, lớp bằng nứa hoặc tranh, đầu nhà quay vào núi, cột chôn, một ngôi nhà thường có 4-8 cột, tương ứng với nhà 1 hay 3 gian. Khi dựng, bao giờ người Ơ Đu cũng dựng cột chính (cột góc ma nhà ở) trước, sau đó mới đến các cột khác theo thứ tự từ trái sang phải và từ trên xuống dưới.
Sau 17 năm về sinh cơ, người Ơ Đu ở bản Văng Môn hiện có 102 hộ, 345 nhân khẩu lập nghiệp ở bản tái định cư, đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Sự đổi thay theo chiều hướng tích cực của người dân Ơ Đu nhờ các chương trình, dự án mà Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, năm 20217 tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025 với kinh phí 120 tỷ đồng, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của đồng bào.
Theo đó, bản Văng Môn đã được đầu tư 15 giếng khoan; 20 khung cửi phát triển nghề dệt may truyền thống; 77 chuồng bò xây mới kiên cố và 304 con bò giống; 77 máy cắt cỏ, cải tạo 8,5 ha đất trồng cỏ và cung cấp cỏ giống.
Chăn nuôi bò là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của đồng bào Ơ Đu ơ Văng Môn (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, các phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Ơ Đu từng bước được khôi phục, gìn giữ. Bản Văng Môn hiện đã thành lập được một đội văn nghệ, một câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững; nghề dệt thổ cẩm trong bản được duy trì; các nghi thức, lễ hội như lễ hội Tiếng sấm đầu năm, các trò chơi nhảy sạp, thổi sáo, sản phẩm mây tre đan…được phục dựng, phát triển.
Tỉnh Nghệ An cũng tích cực khôi phục tiếng nói và chữ viết cho dân tộc Ơ Đu, người dân ngoài bày dạy cho con trẻ, những người lớn tuổi ở Văng Môn đã thực hiện các nghi lễ cổ truyền bằng tiếng Ơ Đu như lễ đón tiếng sấm đầu năm mới; tỉnh còn đưa một số người Ơ Đu ở Văng Môn sang nước bạn Lào để giao lưu; rồi mời một số người Ơ Đu từ Lào về Văng Môn dạy tiếng. Nhưng việc khôi phục ngôn ngữ Ơ Đu còn hạn chế, do đồng bào vẫn dùng tiếng Thái, Khơ Mú hoặc tiếng Kinh để giao tiếp hằng ngày.
Hiện nay, 100% gia đình người dân tộc Ơ Đu được sử dụng điện lưới thắp sáng, nước hợp vệ sinh, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế. Các chế độ, chính sách như hỗ trợ tiền điện, vay vốn phát triển kinh tế đến người dân Ơ Đu được các cấp chính quyền thực hiện đầy đủ.
Điều dễ nhận thấy nhất ở bản Văng Môn là hệ thống đường giao thông nội bản đã được bê tông sạch sẽ. Nhà ở của người dân là hàng chục ngôi nhà sàn xây dựng theo mẫu chung nằm xen kẽ với những ngôi nhà sàn của người Thái, Khơ Mú. Quốc lộ 48C chạy qua bản đã tạo nên một lợi thế để người dân trong bản Văng Môn mở cửa hàng kinh doanh buôn bán, thông thương hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Để tạo sinh kế cho đồng bào Ơ Đu, thực hiện Đề án 2086, trong 2 năm (2019, 2020), tỉnh đã hỗ trợ bò giống và xây chuồng trại cho 78/103 hộ dân tộc Ơ Đu ở Văng Môn; Còn 25 hộ chưa được hỗ trợ theo Đề án 2086, từ năm 2021 chuyển sang thực hiện theo Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Theo đó, người Ơ Đu được hưởng dự án hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Dự án 1; hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân theo tiểu dự án 1 của Dự án 3; hỗ trợ đối với bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi theo tiểu dự án 1 của Dự án 9; hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây đu đủ đực…
Cùng với phát triển kinh tế, khôi phục, gìn giữ bản sắc văn hóa, các cấp chính quyền cũng đặc biệt quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ở bản Văng Môn. Các chính sách hỗ trợ học tập được thực hiện kịp thời đã giúp tỷ lệ học sinh dân tộc Ơ Đu đến trường/ra lớp đúng độ tuổi đạt 100%. Năm học 2023 – 2024, bản Văng Môn có 27 con em dân tộc Ơ Đu đang học tại Trường Tiểu học Nga My.
Đến nay, giáo dục cho con em đồng bào dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An đã có phát triển vượt bậc, với hơn 20 em thi đỗ các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp trên cả nước. Trong những sinh viên dân tộc Ơ Đu đã tốt nghiệp, có 13 em đã được bố trí vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Người Ơ Đu đang đổi mới và phát triển từng ngày. Bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm lớn của cộng đồng người dân; có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị. Do đó, sự hỗ trợ, đầu tư theo Chương trình sẽ là “trợ lực” quan trọng để đồng bào tiếp tục vươn lên phát triển bền vững.
Hoàng Nhung