|
Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo
|
Tiềm năng du lịch huyện Kon Plong
Huyện Kon Plông có diện tích tự nhiên 137.124,58ha; nằm trên độ cao trung bình 1.200 - 1.500m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ (nhiệt độ trung bình trong năm từ 18 - 24 độ C) có nguồn tài nguyên rừng với hệ sinh thái phong phú và có nhiều nhiều sông, suối, hồ, thác, danh lam thắng cảnh. Đồng thời, huyện có nhiều di tích lịch sử, các giá trị văn hóa truyền thống còn nguyên vẹn và hệ động, thực vật quý hiếm sinh sống...
Huyện có dân số trên 27.000 người và 98% là đồng bào DTTS (chủ yếu là dân tộc Hrê và Xơ Đăng) với 6.586 hộ đồng bào DTTS (chiếm trên 85% tổng số hộ của huyện). Trong đó có 2.744 hộ nghèo (chiếm 36% tổng số hộ của huyện và 852 hộ cận nghèo (chiếm 11,18% tổng số hộ của huyện).
Đây là 1 trong 2 vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum. Toàn huyện có 70 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, khoảng 800 phòng với nhiều loại hình khác nhau (Resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ…) đảm bảo phục vụ cho khoảng 5.000 lượt khách lưu trú/ ngày đêm. Vào các kỳ nghỉ lễ, công suất sử dụng phòng thường ở mức 100%. Nhiều cơ sở đạt chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch (Golden Boutique, hotel Măng Đen, resort Đăk Ke, khách sạn T&T, Khách sạn Bạch Dương, Hoa Sim, Đam Bri...).
Số lượng người biết làm nghề truyền thống trên địa bàn huyện Kon Plông tương đối nhiều: có 2.450 người biết làm rượu ghè, 321 người biết nghề đan lát, 88 người biết chế tác nỏ, 49 người biết làm nghề dệt thổ cẩm, 47 người biết làm nghề rèn, 27 người biết chế tác các loại nhạc cụ truyền thống, 8 người biết kỹ thuật tạc tượng gỗ, 495 bộ cồng chiêng (72/76 thôn có đội cồng chiêng, có 4 đội cồng chiêng bán chuyên nghiệp phục vụ các hoạt động du lịch), 12 nghệ nhân dân gian được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực truyền dạy và bảo tồn văn hóa cồng chiêng.
Các dân tộc trên địa bàn huyện có nhiều nét văn hóa độc đáo khác nhau, nhiều lễ hội được người dân địa phương tổ chức hằng năm đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa - lịch sử của vùng đất này, nguồn lao động dồi dào, người dân thân thiện, hiếu khách, có thể huy động để tham gia vào các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, nhất là dịch vụ du lịch.
Ngoài ra, huyện Kon Plông có 34 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (đạt 3 sao và 4 sao) cấp tỉnh. Trong đó, có một số sản phẩm OCOP nổi bật như cao đương quy, cao hồng đảng sâm, rượu vang sim rừng Măng Ðen, nước ép sim rừng, cam sành Măng Đen, tinh dầu tiêu rừng… Đây là những tiềm năng, lợi thế vô cùng lớn để huyện Kon Plông xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Một số mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu
Làng Văn hóa - Du lịch Kon Pring (nằm cách trung tâm thị trấn Măng Đen khoảng 5km) được tỉnh Kon Tum công nhận là điểm du lịch vào ngày 06/02/2020 và là một trong bốn ngôi làng du lịch lớn ở huyện Kon Plông (diện tích tự nhiên 700 ha) có 67 hộ dân với 250 nhân khẩu, gần 100% dân số là đồng bào dân tộc M’Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng). Làng Kon Pring luôn giữ nét hoang sơ, mộc mạc, cảnh quan thiên nhiên nhiên thơ mộng, thân thiện, hiền hòa, với nhiều nét đặc trưng như với mái nhà cao chót vót nhà sàn, những điệu múa cồng chiêng, múa xoang theo giai điệu truyền thống - nét văn hóa đẹp lâu đời không chỉ của cộng đồng người M’Nâm nói riêng mà còn của cả cộng đồng đồng bào dân tộc ít người ở Tây Nguyên nói chung , các nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, nét ẩm thực mang đậm chất dân gian như lẩu gà sâm dây, cá suối, tiêu rừng, rượu nghè..., đặc biệt là món gà nướng cơm lam trứ danh với hương vị thơm lừng và nhiều lễ hội truyền thống khác vẫn được duy trì thường xuyên.
Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo (nằm cách thị trấn Măng Đen khoảng 40km) có 63 hộ dân đồng bào DTTS với khoảng 300 khẩu, 100% là đồng bào DTTS Xơ đăng. Do nằm tách biệt giữa núi rừng, người dân có ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc và bảo vệ môi trường tự nhiên rất cao nên từng ngôi nhà còn lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn những nếp nhà sàn cổ từ xa xưa, không có sự pha trộn của bê tông, cốt thép; con suối, khu rừng già ven làng được người dân gìn giữ, bảo vệ và trồng hoa khắp đường làng, ngõ xóm nhằm tô thêm nét đẹp trong kiến trúc, sinh hoạt của người Xê đăng. Đặc biệt, trâu bò được nuôi nhốt riêng biệt trên nương rẫy, không mang về làng nuôi để giữ vệ sinh. Phát huy thế mạnh sẵn có từ rừng, dân làng sưu tầm, nhân giống trồng được trên 1.000 chậu địa lan và phong lan; tổ chức khoanh nuôi, bảo tồn 5 đồi hoa phong lan và sim, mua quanh làng. Cùng với đó, dân làng cũng chuẩn bị nhiều sản phẩm như cồng chiêng - xoang và các món ăn của người Xơ Đăng phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, hệ thống lễ hội của người dân tộc Xơ Đăng diễn ra quanh năm như lễ gieo mạ, lễ hội máng nước, lễ ăn lúa mới, lễ tạm dừng hoạt động kho lúa, lễ hội mừng nhà rông..., những nghi lễ vòng đời như hỏi cưới, sinh đẻ, trưởng thành và tang lễ, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, lò rèn, đan lát...
Làng Vi Rơ Ngheo vừa được tỉnh Kon Tum công nhận là điểm du lịch vào ngày 07/4/2023. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương bằng việc đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm cho du khách, tạo không gian kết nối giữa các làng du lịch cộng đồng và kể từ khi được công nhận làng du lịch cộng đồng thì nhận thức của bà con có sự chuyển biến, biết khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, từ đó bà con giảm bớt các hoạt động làm nông nghiệp để chuyển sang làm thương mại, dịch vụ.
Những tiềm năng lợi thế độc đáo về điều kiện khí hậu, cảnh quan tự nhiên, sản vật và nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của Làng Văn hóa - Du lịch Kon Pring và Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo gắn với tiềm năng, lợi thế của huyện, nhất là hệ sinh thái rừng, mặt nước, đặc trưng khí hậu, cảnh quan, địa hình và bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS đã thu hút du khách trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch thể thao và dã ngoại, du lịch văn hóa - tâm linh, các loại hình du lịch thương mại, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm dược liệu, sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của huyện là một trong các sản phẩm được du khách rất ưa thích. Từ đó đã hình thành lên các khu dịch vụ nhà hàng, khách sạn và dịch vụ homestay, dịch vụ ăn uống, các điểm vui chơi giải trí được nâng cấp đồng bộ. Mô hình liên kết giữa cộng đồng và các nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong đó người dân, cộng đồng địa phương tham gia tích cực từ các khâu quản lý, làm việc, ra quyết định và bảo vệ các hoạt động du lịch, góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, mang lại những giá trị phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS và miền núi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương, nhất là tại huyện Kon Plông và vùng lân cận ngày càng phát triển.
Diễm Hồng