|
Ảnh minh họa (Nguồn: Báo dân tộc & phát triển) |
Triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ 2021-2025 tổng vốn phân bổ thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là hơn 560 tỷ đồng. Đến cuối tháng 3/2024, có 12/21 chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể thực hiện đạt và vượt kế hoạch và 9 chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể chưa đạt. Ngoài ra, các hộ nghèo DTTS được tiếp cận các nguồn vốn chính sách ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP (về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình). Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tổ chức cho vay về nhà ở, đất ở và chuyển đổi ngành nghề cho 61 đối tượng là hộ nghèo, với kinh phí trên 3,4 tỷ đồng.
Sau hơn 3 năm (2022 - 2023) và đến quý I năm 2024, tỉnh hoàn thành hỗ trợ đất ở cho 31 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 383 hộ, chuyển đổi nghề cho 400 hộ, hỗ trợ nước phân tán cho 500 hộ, đầu tư cho 14 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Nhờ công tác triển khai hiệu quả Dự án 1 bước đầu đã mang lại kết quả thiết thực, tạo điều kiện cho người dân vùng DTTS phát triển sản xuất, đời sống và rút khoảng cách với các vùng khác.
Riêng năm 2024, từ nguồn vốn của Chương trình các địa phương, sở, ban, ngành tỉnh đang triển khai hỗ trợ nhà ở cho 220 hộ, hỗ trợ đất ở cho 7 hộ, nâng cấp, mở rộng 9 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Vĩnh Thuận là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng thuộc vùng U Minh Thượng (Kiên Giang). Đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 8% dân số, sống đan xen với người Kinh, tập trung đông nhất xã Vĩnh Bình Bắc, Phong Đông và Tân Thuận. Kinh tế của đồng bào Khmer chủ yếu sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản.
Năm 2023, Chương trình phân bổ và chuyển gần 3 tỷ đồng, giải ngân hơn 1,6 tỷ đồng (đạt 71,16%). Huyện Vĩnh Thuận đã ưu tiên cho những hạng mục cấp thiết trong vùng đồng bào DTTS, như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 20 hộ, với kinh phí 200 triệu đồng, qua đó giúp các hộ có thêm việc làm, thu nhập; Hỗ trợ dụng cụ chứa nước sinh hoạt phân tán cho 35 hộ với số tiền 105 triệu đồng. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, chính quyền địa phương giúp các hộ nghèo đồng bào DTTS nâng cao chất lượng cuộc sống có nhà ở ổn định không còn nhà tạm nhà dột nát, tạo kế sinh nhai cho các hộ nghèo phát triển kinh tế - xã hội, yên tâm thoát nghèo bền vững.
Huyện Gò Quao là huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống (chiếm 33,57%). Thực hiện Chương trình, huyện triển khai thực hiện 6 dự án, trong đó có 4 tiểu dự án. Trong 2 năm (2022 và 2023), Gò Quao được phân bổ 11,5 tỷ đồng, đến nay Chương trình đã hỗ trợ xây mới 131 căn nhà, 184 hộ chuyển đổi nghề, cấp 127 bồn nước cho hộ nghèo là người DTTS.. Việc triển khai kịp thời các dự án, tiểu dự án đã góp phần làm cải thiện rõ rệt đời sống vùng đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách mức sống giữa các dân tộc.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho 27 hộ có nhu cầu vay vốn, giải quyết chuyển đổi nghề 209 hộ, hỗ trợ nước phân tán 105 hộ. Ngoài ra, huyện còn triển khai các dự án, mô hình trong vùng đồng bào dân tộc như dự án nuôi dê, nuôi heo, tôm lúa, 55 hộ được tiếp cận nguồn vốn. Hiện nay, các dự án đã và đang triển khai thực hiện và đạt kết quả bước đầu, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội giúp cho người dân có nhà ở, có vốn chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Những kết quả đạt được trong 3 năm triển khai Chương trình tại tỉnh Kiên Giang là hết sức tích cực thấy được sự hiệu quả của các cấp, ban, ngành nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, còn tồn tại một số vướng mắc nằm ở việc tỷ lệ giải ngân các dự án, tiểu dự án tương đối thấp. Cụ thể Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đã giải ngân là 12.979,4/74.453 triệu đồng, đạt 17,4% (trong đó 9.393 triệu đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 20,02%; 3.586,4 triệu đồng vốn sự nghiệp, đạt 13,02%). Đặc biệt, do tỉnh không còn Phòng Dân tộc cấp huyện từ năm 2018, việc thiếu cơ quan trung gian từ tỉnh xuống cơ sở nên việc triển khai thực hiện Chương trình còn lúng túng. Khâu lập dự án lúc đầu thực hiện còn vướng mắc. Bên cạnh đó, quỹ đất của các địa phương hầu như không còn, nên việc hỗ trợ đất ở gặp nhiều khó khăn, mặt khác giá đất ở hiện nay khá cao so với mức được Nhà nước hỗ trợ, nên khó khăn trong quá trình thực hiện.
Thời gian tới, tỉnh cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và Nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng triển khai thực hiện tốt Chương trình là góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, của tỉnh, của đất nước. Hằng năm, có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; thường xuyên chỉ đạo theo dõi, nắm tình hình việc triển khai Chương trình để có biện pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế thiếu sót. Đảm bảo quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả, chất lượng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Tuyết Mai