Nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975-30/04/2023), các phóng viên TTXVN tại Lào đã có cuộc trao đổi với nhiều bà con kiều bào đang làm ăn, sinh sống tại Lào về những thành tựu trong công cuộc tái thiết, xây dựng và phát triển đất nước, những thành tựu trong quan hệ đối ngoại giữa hai nước Việt Nam-Lào cũng như những chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam tại Lào.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam tại Lào, cho biết từ một đất nước bị tàn phá nặng nề sau nhiều thập kỷ chiến tranh, 48 năm sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã có những bước tiến chưa từng thấy trên con đường xây dựng, phát triển đất nước.
Sự nghiệp Đổi mới của Việt Nam đang đi vào chiều sâu và ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn và được cả cộng đồng thế giới công nhận.
Ông Phạm Văn Hùng khẳng định: “Việt Nam có được sự phát triển như ngày nay là do kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Những thành tựu đó khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Nó cũng cho thấy đường lối Đổi mới, sự lãnh đạo của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo và là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.”
Theo Chủ tịch Tổng hội
Người Việt Nam tại Lào, những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua cũng chính là cơ sở niềm tin để khơi dậy khát vọng của nhân dân Việt Nam về một xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đề cập tới những thành tựu trong quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam-Lào anh em, ông Phạm Văn Hùng cho biết sau khi hai nước giành độc lập và thống nhất đất nước vào năm 1975, quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước Lào-Việt Nam tiếp tục được gìn giữ, vun đắp và không ngừng phát triển.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường như hiện nay, quan hệ giữa hai nước tiếp tục được dành sự ưu tiên đặc biệt, là nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của mỗi nước.
Chính nhờ vậy, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước tiếp tục gắn bó mật thiết, ngày càng sâu sắc và hiệu quả trên mọi lĩnh vực; đóng góp quan trọng và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước nhằm đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh và phồn vinh.
Chia sẻ về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng người Việt tại Lào, Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam tại Lào nhấn mạnh Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Lào, luôn coi người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài nói chung và tại Lào nói riêng là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc.
Điều này được thể hiện rõ nét qua việc cứ mỗi lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam sang thăm và làm việc tại Lào đều đề cập, kiến nghị với lãnh đạo các cấp của Lào các nội dung nhằm củng cố địa vị pháp lý, tháo gỡ khó khăn trong đời sống của bà con kiều bào, cũng như của doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh, đầu tư tại Lào.
Bên cạnh đó, hằng năm, Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng thường xuyên có các hoạt động cộng đồng cho đại biểu ưu tú của Lào tham dự, để hiểu thêm về truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của người Việt ta như trại hè, về thăm biển đảo Trường Sa thân yêu và cấp học bổng cho con cháu người Việt về quê hương học.
Đề cập tới quan hệ Việt-Lào và chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với kiều bào ở nước ngoài, bà Trần Thị Huệ, một Việt kiều trên 70 tuổi sinh sống từ nhỏ tại Lào, cho biết bà luôn tuyệt đối tin tưởng và yên tâm vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
Trong suốt những năm tháng qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Lào. Bên cạnh việc Việt Nam và Lào có mối quan hệ đặc biệt gắn bó, có một không hai trên thế giới, điều giúp tạo nhiều thuận lợi cho cộng đồng người Việt đang làm ăn sinh sống tại Lào là Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm hỗ trợ cộng đồng, trong đó nổi bật là sự giúp đỡ về giáo dục đào tạo. Điển hình là việc Đảng, Chính phủ Việt Nam cấp kinh phí hỗ trợ xây dựng Trường Song ngữ Việt Nam-Lào Nguyễn Du vào năm 2005.
Đây là ngôi trường không chỉ dành cho con em Việt kiều tại thủ đô Vientiane mà còn dành cho cả con em của người Lào cùng học tập, là nơi để các thế hệ tương lai của hai nước có thể vừa học chương trình phổ thông của Lào, vừa học tiếng Việt.
Bên cạnh đó, hằng năm, Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vẫn đều đặn cấp các suất học bổng cho con em kiều bào tại Lào về Việt Nam học. Theo bà Trần Thị Huệ, những sự giúp đỡ nói trên là vô giá, bởi đó chính là giúp cho tương lai và là mãi mãi về sau.
Chia sẻ với các phóng viên, ông Lê Anh Đức, Phó Chủ tịch Thành hội Người Việt thủ đô Vientiane, nhấn mạnh chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước nước ta theo tinh thần Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới và Kết luận 12 của Bộ Chính trị luôn dành sự quan tâm đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt ở Lào nói riêng; khẳng định các chính sách này đã góp phần quan trọng giúp cộng đồng kiều bào tăng cường gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, nâng cao tình đoàn kết và vai trò của cộng đồng ở sở tại.
Theo ông Lê Anh Đức, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng luôn quan tâm sát sao, kịp thời hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Lào không chỉ trong sinh sống, học tập, lao động thuận lợi, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư, hợp tác để đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước nói riêng và quan hệ đặc biệt giữa hai nước nói chung.