Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, UBND các huyện quan tâm chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình đến cán bộ, đảng viên, công chức, các ban, ngành, hội đoàn thể, các đơn vị và Nhân dân trên địa bàn về mục đích, ý nghĩa của Chương trình, nội dung các Dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình thông qua các hình thức: thông tin, quán triệt qua các hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội các cấp; hội nghị tập huấn cán bộ cơ sở, người có uy tín; qua hội thi tìm hiểu chính sách, pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc; qua hoạt động tiếp xúc cử tri; hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và quán triệt, triển khai các chính sách dân tộc hàng năm; đồng
thời thường xuyên đưa tin tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện và loa phát thanh ở các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Phú Yên đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: baodantoc.vn
Cùng với đó, cấp ủy, UBND các huyện thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chương trình, ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình. Tập trung phân bổ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí để thực hiện Chương trình cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các địa phương. Các danh mục dự án, các đối tượng thụ hưởng từ các chương trình trên địa bàn xã được rà soát, xem xét trên cơ sở lấy ý kiến của Nhân dân, thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong Nhân dân.
Qua 3 năm thực hiện Chương trình, tình hình đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có những chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước sinh hoạt,... được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS. Lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt nhiều kết quả khả quan; mặt bằng dân trí được nâng lên; văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, giữ gìn và tiếp tục phát huy; công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, người DTTS ở vùng sâu vùng xa được quan tâm thường xuyên hơn.
Thực hiện Chương trình, huyện Sơn Hòa được phân bổ tổng kế hoạch vốn đầu phát triển năm 2023 là: 46.552,24 triệu đồng; năm 2024 là 49.541,80 triệu đồng; tổng kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2023: 58.220,1 triệu đồng, năm 2024 là 39.848,68 triệu đồng; vốn đối ứng ngân sách địa phương: 9.493,78 triệu đồng. Từ nguồn vốn, huyện Sơn Hòa Hỗ trợ xây dựng 286 nhà (năm 2022: 122 nhà; năm 2023: 81 nhà; năm 2024; 83 nhà), hiện nay đã xây dựng xong 231 nhà tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng. Cải tạo đất sản xuất cho 06 hộ; sửa chữa 05 công trình nước sinh hoạt tập trung; đã giải ngân được 10.175 triệu đồng.
Tại huyện Đồng Xuân, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 là: 15.905,98 triệu đồng; năm 2024 là 42.791 triệu đồng; tổng kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2023: là 29.216 triệu đồng; năm 2024: là 23.303 triệu đồng; nguồn ngân sách huyện đối ứng năm 2023 là: 300,45 triệu đồng. Từ nguồn vốn, huyện đã hỗ trợ xây dựng nhà ở: 129 nhà (năm 2023: 70 nhà, năm 2024: 59 nhà), hiện nay đã giải ngân xong 129 nhà. Hỗ trợ nước sinh hoạt (cả tập trung và phân tán) đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 03 công trình nước tập trung xã Xuân Quang 1 và xã Phú Mỡ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán tại xã Phú Mỡ và xã Xuân Lãnh cho 43 hộ dân (xã Phú Mỡ đã nghiệm thu đưa vào sử dụng; xã Xuân Lãnh đang triển khai); hỗ trợ chuyển đổi nghề cho là 119 hộ (mua nông cụ sản xuất, mua Bò sinh sản…). Thời gian quan, vốn đầu tư phát triển của huyện đã giải ngân đạt gần 94,20%; vốn sự nghiệp đạt trên 17,40% trong năm 2023. Năm 2024, tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt gần 23,07%; vốn sự nghiệp đạt trên 5%.
Đối với huyện Sông Hinh, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2022: 18.869 triệu đồng; năm 2023: 24.601 triệu đồng, năm 2024:26.105 triệu đồng. Tổng kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2022 là 12.184 triệu đồng; năm 2023 là 35.650 triệu đồng, năm 2024 là 29.070 triệu đồng. Vốn đối ứng ngân sách địa phương (tỉnh, huyện): 4.204 triệu đồng.
Từ vốn đầu tư phát triển trong giai đoạn 2022 - 2024, huyện đã hỗ trợ xây dựng 108 hộ (tổng vốn 4.752 triệu đồng (ngân sách Trung ương 4.320 triệu đồng, ngân sách tỉnh và ngân sách huyện 432 triệu đồng), đã giải ngân 4.752 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch giao. Đồng thời, từ vốn sự nghiệp: giai đoạn 2022 - 2024, huyện hỗ trợ chuyển đổi nghề giai 88 hộ (ngân sách Trung ương 1.185,5 triệu đồng, ngân sách huyện 67 triệu đồng); hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 447 hộ Tổng vốn 1.341 triệu đồng (ngân sách Trung ương 1.341 triệu đồng), đã giải ngân 1.341 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch giao.
Chương trình giúp ổn định đời sống của đồng bào DTTS. Ảnh: baodantoc.vn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh còn có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện: Công tác tuyên truyền về Chương trình, chưa thường xuyên, sâu rộng trong Nhân dân. Công tác chỉ đạo triển khai, hướng dẫn thực hiện Chương trình có địa phương chưa chặt chẽ, sâu sát. Việc triển khai giải ngân vốn sự nghiệp thuộc Chương trình gặp nhiều khó khăn, vì dự toán kinh phí năm 2024 bao gồm cả dự toán kinh phí năm 2022 - 2023 chuyển sang của các dự án, tiểu dự án không còn đối tượng thụ hưởng và không thực hiện được. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương năm 2024 chưa phân bổ về cho địa phương để thực hiện vay tín dụng hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ sản xuất… Trình độ cán bộ ở một số địa phương còn hạn chế về năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án được giao. Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở triển khai thực hiện Chương trình chưa được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về triển khai Chương trình theo khung chương trình do Ủy ban Dân tộc ban hành vì chưa có bộ tài liệu. Chưa phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trong thực hiện phản biện xã hội đối với các dự án; nhiều địa phương cấp xã không thành lập các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng dự án của Chương trình, do đó chưa phát huy được vai trò của Nhân dân trong hoạt động giám sát.
Để đẩy mạnh tiến độ thực hiện Chương trình, thời gian tới, UBND tỉnh cần xem xét điều chỉnh bổ sung tăng tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách tỉnh cho Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 đối với các huyện miền núi có khó khăn về thu ngân sách và khả năng huy động để đảm bảo tỷ lệ vốn đối ứng theo quy định. Đồng thời, sớm có thông báo mức vốn còn lại của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đối ứng Chương trình của năm 2025, để huyện có cơ sở rà soát, điều chỉnh kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 làm cơ sở trước khi giao kế hoạch năm 2025.
Kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương sớm phân bổ vốn chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình. Đặc biệt vốn năm 2024, đến thời điểm hiện nay chưa phân bổ cho địa phương để thực hiện vay tín dụng hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ sản xuất…
Ngoài ra, UBND cấp huyện chỉ đạo chính quyền cấp xã phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện để Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tổ chức các hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo quy định. Trong đó, tập trung phản biện xã hội đối với các dự án, công trình công cộng có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và yêu cầu hồ sơ thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phải có ý kiến phản biện xã hội theo quy định của Luật Đầu tư công 2019.
UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp tốt với Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng cấp tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn để các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện tốt chức năng giám sát đối với các dự án, chương trình đang được triển khai thực hiện tại địa phương. Cùng với đó, UBND huyện cấp huyện cần rà soát nắm bắt nhu cầu của địa phương, của người dân để có kế hoạch phân bổ nguồn vốn đảm bảo, chặt chẽ, sát thực tế nhu cầu của người dân; hướng dẫn thực hiện công tác lựa chọn, phân bổ nguồn hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng đảm bảo công bằng, minh bạch.
Minh Anh