Những mô hình khởi nghiệp thành công vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Khởi nghiệp là công việc đầy khó khăn thử thách, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, nơi điều kiện không mấy thuận lợi để thực hiện. Nhưng với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều mô hình khởi nghiệp của chính con em đồng bào dân tộc đã ra đời và hoạt động hiệu quả,  nâng cao đời sống cho bà con nơi đây.
Nhiều mô hình khởi nghiệp thành công 

Với mục tiêu khai thác tiềm năng thế mạnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tưu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ ở khu các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào dân tộc dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tri thức truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm tạo điều kiện giao đất, giao rừng, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của mỗi cá nhân đã thúc đẩy những mô hình khởi nghiệp thành công.

Tỉnh Hòa Bình có tổng số trên 160.000 đoàn viên thanh niên, trong đó số lượng đoàn viên là người đồng bào DTTS chiếm đến 70%. Với tư duy đổi mới, nghị lực, ý chí khát vọng vươn lên của tuổi trẻ, nhiều thanh niên là người DTTS đã quyết tâm bứt phá với các ý tưởng, dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp trên địa bàn.

Hiện trên địa bàn có nhiều mô hình khởi nghiệp kinh doanh hiệu quả, tiêu biểu là hai dự án “Chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng và sản xuất các sản phẩm của cây sachi theo tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện Đà Bắc” và “Sản xuất sợi tự nhiên từ cây gai lai” của chị Trịnh Thị Thanh Hòa - cô gái người Tày đã và đang góp phần từng bước giúp đồng bào dân tộc nơi đây cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại tỉnh Bắc Kạn, mô hình hoạt động của HTX Thanh niên Như Cố đã khởi nghiệp thành công với 11 thành viên ban đầu, HTX đã xây dựng mô hình sản xuất trong nhà lưới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác.HTX luôn chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, sản xuất các sản phẩm an toàn, toàn bộ quy trình sản xuất rau, quả của HTX được thành viên thực hiện nghiêm ngặt, việc sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ, các chế phẩm sinh học do các thành viên tự chế để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh bằng các biện pháp sinh học. Ngoài ra, HTX còn đầu tư con giống, chuồng trại để nuôi gà theo hướng bán công nghiệp và bồ câu Pháp nuôi nhốt đã đem lại thu nhập tốt cho các thành viên.

 

Trên địa bàn xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp (giáp với Campuchia) hàng năm chịu sự ảnh hưởng của lũ lụt, nhưng cũng đón nhận nguồn thuỷ sản dồi dào từ dòng Mekong. Nhiều loại như cá lóc, cá trê, cá chốt, lươn, chạch, cá cơm, rô phi… đổ về địa phương này mỗi khi con nước về. Dựa vào nguồn tài nguyên này, chị Dương Thị Hồng Chuyên cùng cộng sự đã khởi nghiệp với nghề sản xuất khô cá các loại. Mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, áp dụng kỹ thuật vào trong sản xuất, chị đã tạo ra những sản phẩm khô cá các loại nhằm gia tăng giá trị.

 

Với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp trong thanh niên dân tộc miền núi. Tuy nhiên, phần nhiều người vẫn còn khó khăn trong tiếp cận môi trường, hình thành, sàng lọc ý tưởng, định hướng kinh doanh; thiếu kỹ năng quản lý, lập kế hoạch kinh doanh, marketing và bán hàng...

 

Do vậy, để có được các mô hình khởi nghiệp hiệu quả, các tỉnh đã luôn đồng hành, tập trung hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp, đẩy mạnh kết nối các kênh tư vấn, hỗ trợ đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, kỹ năng về ứng dụng chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kỹ năng tiếp thị và bán sản phẩm.

 

Đồng thời, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận vốn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đầu tư, mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, chú trọng tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên. Chính những chính sách hỗ trợ này đã tạo động lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động và sử dụng lao động trên địa bàn, phong trào khởi nghiệp ngày càng diễn ra sôi nổi, lan tỏa và phát triển ở nhiều lĩnh vực. Nhiều thanh niên đã trở thành doanh nhân thành đạt, góp sức xây dựng kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong thời gian tới, các tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong đó, chú trọng khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng, mô hình, giải pháp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với công nghệ số, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào những mô hình khởi nghiệp đã được thực hiện và kể cả những mô hình mới triển khai. Tạo diễn đàn để các bạn trẻ được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia và những bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công. Từ đó, khơi dậy và thúc đẩy đam mê khởi nghiệp, đưa phong trào khởi nghiệp đến sâu, rộng trong giới trẻ./.

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều