|
Ninh Bình quan tâm đời sống đồng bào DTTS và miền núi (Ảnh:Báo Đại đoàn kết) |
Để triển khai Chương trình theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 15/11/2022. Chương trình được áp dụng tại 07 xã thuộc huyện Nho Quan (Thạch Bình, Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Yên Quang, Văn Phương) và 04 thôn thuộc vùng đồng bào DTTS (gồm thôn Đức Thành, thôn Hồng Quang thuộc xã Xích Thổ, thôn 4 và thôn 5 thuộc xã Phú Sơn).
Chương trình hướng đến nhiều đối tượng, bao gồm các xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hộ gia đình và cá nhân người DTTS; cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế hoạt động tại địa bàn. Tỉnh Ninh Bình triển khai 08 dự án thành phần thuộc Chương trình, trong đó Dự án 1 tập trung giải quyết các vấn đề về thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho cộng đồng DTTS, góp phần cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực.
Theo Báo cáo của tỉnh Ninh Bình về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình đã được bố trí kinh phí 199,65 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn ngân sách tỉnh. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là 85 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 114,65 tỷ đồng.
Về tình hình thực hiện trong năm 2024, kinh phí phân bổ và giao chi tiết cho các đơn vị thực hiện Chương trình đã được triển khai kịp thời và đảm bảo theo đúng quy định. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình trong năm là 42,785 tỷ đồng, gồm 16 tỷ đồng vốn đầu tư và 26,785 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Tính đến tháng 11/2024, tổng số vốn giải ngân đạt 27,264 tỷ đồng, tương ứng với 63,7% kế hoạch năm. Trong đó, vốn sự nghiệp giải ngân đạt 20,264 tỷ đồng (75,7% kế hoạch) và vốn đầu tư đạt 7,0 tỷ đồng (43,8% kế hoạch).
Về tiến độ các mục tiêu và chỉ tiêu chính, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra trong Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 15/11/2022 của tỉnh. Cụ thể, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Tất cả trường, lớp học được xây dựng kiên cố, 100% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, và toàn bộ đồng bào DTTS được tiếp cận truyền hình, phát thanh. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi tới trường đạt 99,8%, học sinh tiểu học và trung học cơ sở đạt 100%. Đặc biệt, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, viết tiếng phổ thông đạt 100%, vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Về y tế, 100% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ và sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế, trong khi tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm xuống 15%, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo đạt 60%, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người DTTS. Về văn hóa, 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên; trong đó, 80% hoạt động có chất lượng cao, đạt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu cần tập trung hoàn thành trước năm 2025, như thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/năm (phấn đấu tăng gấp đôi so với năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2%, tỷ lệ đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97%, tỷ lệ học sinh trung học phổ thông tới trường đạt 94,9%, và tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của đồng bào DTTS đạt 98,5%.
Trong giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh Ninh Bình đã phân bổ tổng cộng 134,665 tỷ đồng để triển khai 08 dự án thành phần của Chương trình. Trong đó, Dự án 1 được bố trí kinh phí 6,531 triệu đồng (vốn đầu tư 1,0 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 5,531 triệu đồng). Dự án 1 tập trung hỗ trợ các hộ DTTS nghèo chưa có đất ở, nhà ở hoặc nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng, cũng như các hộ làm nghề nông, lâm nghiệp nhưng thiếu đất sản xuất hoặc gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Các đối tượng ưu tiên bao gồm hộ nghèo thuộc các dân tộc gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo có phụ nữ làm chủ hộ và là lao động chính, trực tiếp nuôi dưỡng người thân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động. Đến thời điểm hiện tại, Dự án 1 đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:
Thứ nhất, về hỗ trợ đất ở, đã có 18 hộ gia đình được hỗ trợ với tổng kinh phí 390 triệu đồng, giúp các hộ ổn định cuộc sống. Thứ hai, về hỗ trợ nhà ở, Dự án đã xây dựng mới 14 căn nhà và sửa chữa 2 căn, nâng tổng số hộ được hỗ trợ nhà ở lên 16 hộ với tổng kinh phí 1.500 triệu đồng. Những căn nhà mới và được sửa chữa này không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống mà còn mang lại sự an tâm cho các gia đình trong mùa mưa bão.
Bên cạnh đó, Dự án 1 cũng tập trung vào việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, giúp 59 hộ gia đình thay đổi sinh kế với tổng kinh phí 600 triệu đồng. Những hỗ trợ này nhằm tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận những nghề nghiệp ổn định, nâng cao thu nhập, và thoát nghèo bền vững. Về nước sinh hoạt, với tổng kinh phí 260 triệu đồng, Dự án đã hỗ trợ 87 hộ gia đình bằng cách cung cấp téc nước, giúp giải quyết phần nào vấn đề thiếu nước sinh hoạt tại vùng sâu, vùng xa.
Theo phân bổ nguồn ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình giai đoạn 2021- 2025, huyện Nho Quan được phê duyệt 28 công trình với nguồn vốn đầu tư là 70 tỷ đồng. Cùng với lồng ghép các nguồn vốn đầu tư khác trong các chính sách dân tộc; đến nay, huyện đã và đang đầu tư xây dựng, cải tạo được 24 công trình (gồm: 7 công trình đường giao thông nông thôn, 5 công trình trường học, 4 công trình thủy lợi, 1 công trình điện nông thôn, 1 công trình nhà văn hóa thôn, 2 công trình trạm y tế, 2 công trình hạ tầng khác, sửa chữa 2 chợ); trong đó 18 công trình đã hoàn thành.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện Chương trình đúng tiến độ, quy định và tăng cường tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ chính sách hỗ trợ. Đồng thời, tỉnh tập trung kiểm tra, giám sát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn phát sinh. Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, tỉnh chú trọng đào tạo cán bộ, đặc biệt tại cơ sở, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các dự án hỗ trợ nước sạch, nhà ở kiên cố và giáo dục nghề cũng sẽ được đẩy mạnh, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Hồng Phương