|
Ninh Thuận tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư (Ảnh minh họa – nguồn báo Dân tộc và Phát triển) |
Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận triển khai Nghị quyết số 48/NQ-HĐND về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được sự quan tâm của các cấp chính quyền việc triển khai thực hiện nhiệm vụ “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, giúp cho bà con sớm có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Trong công tác giao kế hoạch vốn, phân bổ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN từ năm 2022-2023 đã được tỉnh thực hiện theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Trong 2 năm (2022 và 2023) tỉnh đã giao 86,942 tỷ đồng cho nhiệm vụ “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư” tỉnh. Trong đó giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được giao tổng số vốn là 58,968 tỷ đồng.
Theo kết quả giám sát chuyên đề của Ban Dân tộc HĐND tỉnh năm 2023 huyện Ninh Sơn đã hỗ trợ xây dựng hoàn thành nhà ở cho 87 hộ và đang tiếp tục xây mới nhà ở cho 89 hộ nghèo; tại huyện Bác Ái đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ vốn xây dựng làm nhà ở cho 128 hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định.
Do các địa phương trong tỉnh không còn quỹ đất để giao đất cho các hộ sản xuất nông nghiệp, các địa phương đã chuyển sang hình thức chuyển đổi nghề; kết quả hỗ trợ chuyển đổi nghề như: Hỗ trợ giống bò, dê, cừu, heo đen cho 446 hộ; hỗ trợ mua sắm máy móc nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 25 hộ và hỗ trợ học nghề cho 315 học viên/9 lớp; về hỗ trợ nước sinh hoạt, các địa phương đã triển khai thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 212 hộ; xây dựng 7 công trình nước sinh hoạt tập trung (Ninh Phước 1 công trình; Bác Ái 6 công trình).
Ngoài ra tỉnh còn quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết trên địa bàn, các địa phương đã triển khai thực hiện 4 dự án ổn định dân cư tập trung và dự án xen ghép, như: Dự án đầu tư hạ tầng cấp đất ở và xây dựng nhà ở cho 100 hộ thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) với diện tích khu quy hoạch 7,9ha; Dự án tạo mặt bằng hạ tầng kỹ thuật để cấp đất ở cho 50 hộ xã Phước Hà (Thuận Nam) 3,5ha; Dự án quy hoạch khu dãn dân thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), với diện tích thu hồi 0,59ha; Dự án cơ sở hạ tầng Khu dân cư thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải (Thuận Bắc)...
Trong năm 2024, các cấp chính quyền của tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biếtnăm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 359 tỷ đồng. Triển khai Dự án 1- Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2022 - 2024, vùng DTTS của tỉnh Ninh Thuận được ngân sách Trung ương và của tỉnh đầu tư 79.967 triệu đồng. Toàn tỉnh có 5.001 hộ đồng bào DTTS nghèo có nhu cầu hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Bao gồm nhu cầu đất ở 739 hộ, nhà ở 1.290 hộ, đất sản xuất 1.330 hộ, chuyển đồi nghề 956 hộ, nước sinh hoạt phân tân 686 hộ và 5 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Tính đến cuối tháng 8/2024, toàn tỉnh giải ngân 72.276 triệu đồng, đạt 90,30% nguồn vốn đầu tư thực hiện Dự án 1 Chương trình MTQG 1719. Trong đó, các địa phương hoàn thành cải tạo mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật 173 lô đất ở bao gồm xã Phước Hà (huyện Thuận Nam) 50 lô; xã Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc) 106 lô; xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) 17 lô. Hỗ trợ xây dựng hoàn thành 317 căn nhà ở cho hộ nghèo ở 2 huyện Ninh Sơn (189 căn) và Bác Ái (128 căn). Có 1.936 hộ nghèo được hỗ trợ giống vật nuôi, mua sắm nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ lắp đặt nước sinh hoạt phân tán cho 539 hộ; xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung ở huyện Bác Ái và Ninh Phước.
Tại huyện Bác Ái là một trong 74 huyện nghèo theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022 – 2025. Đây cũng là huyện nghèo khó khăn nhất của tỉnh Ninh Thuận với dân số là 8.026 hộ/33.608 nhân khẩu, nơi đây có 7 DTTS sinh sống. Trước đây, đồng bào DTTS ở huyện Bác Ái phải sử dụng nước từ sông, suối, kênh, mương để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Mỗi mùa khô đến, lượng nước cạn kiệt, bà con luôn phải sống trong cảnh thiếu nước. Hơn nữa, việc sử dụng nguồn nước từ sông, suối, kênh, mương… để nấu ăn, dùng làm nước uống không đảm bảo vệ sinh khiến bà con hay bị nhiễm bệnh. Nhiều người dân tự đào giếng hoặc đi lấy nước từ các khe suối về dùng cũng không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và việc nhà máy nước Phước Hòa được đưa vào sử dụng, đời sống của bà con dân tộc ở Bác Ái đã thay đổi rõ rệt. Có hệ thống ống nước sạch về tận buôn làng, khu vực công trình phụ như bếp ăn, nhà vệ sinh, tắm, giặt của các gia đình đều được sửa sang sạch đẹp hơn rất nhiều
Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, trước mắt, UBND tỉnh tập trung khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, đảm bảo đủ điều kiện, sớm được phân bổ kế hoạch vốn chi tiết nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án được đầu tư.
Ngoài nguồn vốn được giao, UBND tỉnh sẽ huy động, quản lý, lồng ghép và sử dụng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả và minh bạch.
Hoàng Nhung