Đội văn nghệ đồng bào dân tộc La Ha ở bản Huổi Lọng, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
Tri thức dân gian và thực tiễn ứng dụng trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Tri thức dân gian (hay tri thức bản địa) là tri thức được hình thành trong qua trình lịch sử lâu dài của các dân tộc thiểu số, được lưu truyền từ đời này qua đời khác qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội; qua kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường và xã hội. Tri thức dân gian chứa đựng nhiều lĩnh vực của cuộc sống xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số, được phân thành hai nhóm, một nhóm là các tri thức dưới dạng "kỹ thuật" gồm các hoạt động trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; nhóm khác là các tri thức dưới dạng văn hoá, tín ngưỡng, luật tục... Tri thức dân gian là một trong những thành tố quan trọng của văn hoá, là tài sản, nguồn tài nguyên của các dân tộc thiểu số góp phần làm nên bản sắc tộc người trong quá trình phát triển.
Nội hàm của các tri thức dân gian trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là hệ thống các tri thức trong phân loại và bảo vệ đất trồng trọt; trong lựa chọn giống lúa và kỹ thuật canh tác; trong đoán định thời tiết; tri thức về lịch và nông lịch; trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; trong khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng... Nội hàm của các tri thức dân gian trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng gồm các quan niệm về ốm đau, bệnh tật; về nghề thuốc và truyền nghề; về thuốc nam chữa bệnh; về ăn uống đảm bảo đủ dinh dưỡng và phòng, chữa bệnh bằng nghi lễ. Nội hàm của các tri thức dân gian trong tổ chức và quản lý xã hội gồm các quy định về chế độ sở hữu ruộng đất; thiết chế bản - mường và bộ máy hành chính; tri thức về luật tục và trong thông tin cộng đồng...
Kinh nghiệm phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới trong những thập kỷ qua cho thấy tri thức khoa học không đủ đáp ứng những quan niệm phức tạp và đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như các thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường... mà vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang phải đương đầu. Trong thực tế nhiều tri thức dân gian, kỹ thuật truyền thống đã đưa lại hiệu quả cao, được thử thách và chọn lọc trong thời gian dài tại các địa phương, phù hợp với văn hoá và phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số. Tri thức dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang đóng góp một phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề của địa phương. Những tri thức, kinh nghiệm trong các lĩnh vực về nông nghiệp (kỹ thuật xen canh, chăn nuôi, đa dạng cây trồng, chăm sóc sức khoẻ vật nuôi, chọn giống cây trồng...); chăm sóc sức khoẻ con người bằng các bài thuốc truyền thống; về sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên (bảo vệ đất, thuỷ lợi và các hình thức quản lý nước...); giáo dục (kiến thức truyền miệng, các ngôn ngữ địa phương); đã có những tác dụng nhất định trong xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Vì vậy, phát huy tri thức dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số, kết hợp với lựa chọn, áp dụng tri thức khoa học có ý nghĩa và giá trị thiết thực trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước nói chung, sự nghiệp phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.
Trong thời gian qua, khi triển khai, thực hiện các chương trình, dự án về kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, sinh thái ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, một số địa phương đã bước đầu kết hợp hai nguồn tri thức khoa học và dân gian, đã lồng ghép và chuyển tải những kinh nghiệm trong bảo vệ đất, tính lịch sản xuất, trong xen canh, luân canh, trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên... vào việc trồng, bảo vệ rừng, xây dựng mô hình VAC, VACR; xây dựng các mô hình vườn nhà, vườn rừng... Từ đó, góp phần vào việc thay đổi nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số, chuyển từ tập quán khai thác thiên nhiên một chiều sang hình thức đầu tư và tái tạo thiên nhiên. Đồng thời kết hợp các tri thức khoa học trong việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, quản lý làng, bản, xã hội với việc phát huy vai trò các tri thức dân gian như phát triển vùng trồng cây dược liệu, các bài thuốc gia truyển, đề cao vai trò của người uy tín, tính cộng đồng, tính nhân văn, những quan hệ bền chặt trong các gia đình, dòng họ của đồng bào các dân tộc thiểu số; gắn kết bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số với phát triển du lịch... đã góp phần vào kết quả xây dựng nông thôn mới có tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo được công bằng xã hội và bảo vệ môi trường tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, do tri thức dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số tồn tại dưới dạng thông tin được lưu truyền qua các thế hệ, hoặc được trao đổi giữa các cộng đồng nên nhiều kinh nghiệm, tri thức dân gian có nguy cơ bị mai một, thất truyền theo thời gian. Sự giao thoa, đồng hoá về văn hoá đang diễn ra ngày càng sâu sắc trên các phương diện văn hóa vật thể (nhà ở, ăn uống…) và phi vật thể (ngôn ngữ, trang phục, lễ hội…). Việc sử dụng, vay mượn ngôn ngữ của dân tộc khác đang diễn ra ở hầu hết cộng đồng các dân tộc rất ít người. Một bộ phận lớn người dân, đặc biệt là lớp trẻ có xu hướng ngày càng ít sử dụng tiếng mẹ đẻ, thay vào đó là sử dụng ngôn ngữ của dân tộc Kinh hay các dân tộc khác trên địa bàn (tiếng Mông, tiếng Tày, Nùng, Thái…). Nhà ở nhiều nơi không còn giữ được kiến trúc kiểu dáng truyền thống mà làm nhà theo kiến trúc của người Kinh hoặc các dân tộc khác. Nhất là sau khi triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở đã xuất hiện hàng loạt các thôn, bản với nhà mái tôn hoặc lợp bằng mái đúc xi măng.
Nhiều giá trị của tri thức dân gian, văn hoá, văn nghệ, làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của từng dân tộc theo thời gian bị mai một, bị xâm thực bởi văn hóa của các dân tộc khác. Trong khi đó, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí của người dân thấp, tập quán sản xuất, đời sống và các hủ tục (trong ma chay, cưới xin, chữa bệnh...) cùng với những định kiến về dân tộc trong quan hệ cộng đồng dân tộc, tâm lý tự ti, khép kín làm cho lớp trẻ không còn hào hứng với các tri thức dân gian, văn hoá truyền thống của chính dân tộc mình... Bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thể hiện qua tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, dân ca, dân vũ, các tri thức bản địa… ngày càng bị mai một do sự giao thoa, xâm thực bởi văn hóa của cộng đồng các dân tộc khác có số dân đông hơn. Sự tiếp thu văn hóa, tri thức mới của lớp trẻ do thiếu định hướng, thiếu các điều kiện cần thiết để thực hành văn hóa đã làm cho tri thức dân gian, văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng mai một, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào ngày càng nghèo nàn đi, xu hướng lãng quên và xa rời bản sắc văn hóa ngày càng trở nên sâu sắc, nhất là ở các cộng đồng có số dân rất ít như Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu, Sila...
Phát huy vai trò tri thức dân gian trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị (khoá XII) "Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới"; nhằm tiếp tục thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân tộc; Chính phủ đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 và đã được kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 18/11/2019 phê duyệt với thời gian thực hiện Chương trình là 10 năm, chia làm 2 giai đoạn: từ năm 2021 đến năm 2025 và từ năm 2026 đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Chương trình là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 137.664 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 104.954 tỷ đồng; Ngân sách địa phương: 10.016 tỷ đồng; Vốn tín dụng chính sách: 19.727 tỷ đồng; Vốn huy động hợp pháp khác: 2.967 tỷ đồng. Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Nội dung trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 gồm 10 dự án là: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện Chương trình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.
Những giải pháp kết hợp tri thức khoa học và tri thức dân gian trong đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Một là, đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền về bảo tồn, giữ gìn và phát triển tri thức dân gian của các dân tộc thiểu số, kết hợp các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình, internet với việc trang bị tài liệu, tờ rơi, đội thông tin lưu động, các hoạt động văn hóa, thể thao, các hội thi, đối thoại tiếp xúc của cán bộ Mặt trận với đồng bào… Đặc biệt coi trọng hình thức phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc, công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ người tiêu biểu có uy tín, già làng, trưởng bản và các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận các cấp ở vùng dân tộc thiểu số, thông qua “Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư “ dịp 18/11 hàng năm và các lễ, hội của đồng bào các dân tộc thiểu số để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc phát huy vai trò của tri thức dân gian trong triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hai là, nghiên cứu, rà soát thống kê vốn tri thức dân gian của từng dân tộc, từng địa phương; xác định tri thức dân gian nào còn phù hợp, đánh giá hiệu quả và tính bền vững; kết hợp sử dụng tri thức dân gian và tri thức khoa học một cách hợp lý trong triển khai thực hiện 10 dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương và văn hoá truyền thống của tộc người.
Ba là, các dân tộc thiểu số gắn bó với rừng, đời sống chủ yếu dựa vào rừng, có một hệ thống kiến thức dân gian và kinh nghiệm rất phong phú liên quan đến rừng, đến phát triển kinh tế trang trại, vùng nguyên liệu cây nông sản, ruộng bậc thang... vì vậy khi triển khai, thực hiện dự án "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị" và chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ dân cần đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm, tri thức dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc bảo vệ, phát triển và sử dụng hợp lý tài nguyên rừng.
Bốn là, tăng cường, đẩy mạnh sự tham gia của người dân và các tổ chức Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh vào các hoạt động bảo tồn và phát huy vai trò của tri thức dân gian trong việc tổ chức, thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xoá đói, giảm nghèo tại các địa phương.
Năm là, kịp thời tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng, phổ biến kinh nghiệm của các tập thể, cá nhân có những đóng góp đối với công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển các tri thức dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số; có chính sách động viên, khen thưởng, công nhận các danh hiệu thầy thuốc dân gian, thầy thuốc cộng đồng, nghệ nhân dân gian... đối với những người có nhiều công lao trong việc khám, chữa bệnh, lưu giữ nhiều giá trị tri thức dân gian, văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Vũ Dương Châu
Nguyên Trưởng ban Dân tộc, UBTW MTTQ Việt Nam