Lễ hội Đền Hùng. (Ảnh minh họa)
SỨC MẠNH CỦA MỘT NỀN VĂN HÓA TỰ CHỦ, TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG
Ngay từ năm 1923, nhà báo, nhà thơ Xô viết Osip Mandelstam đã tiên đoán rất tài tình rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu Châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Năm 1990, vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã vinh danh Người là: “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Như vậy, Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất cho lịch sử và văn hóa Việt Nam ở thế kỷ XX, tầm vóc văn hóa Hồ Chí Minh đã mang lại giá trị đạo đức, văn minh cho Đảng Cộng sản Việt Nam, dẫn dắt và định vị tầm vóc lịch sử dân tộc ta trong cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trên nền tảng những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu, lĩnh hội được tinh hoa văn hóa nhân loại, có được ánh sáng theo con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc mình, cứu sống đồng bào mình. Có được tình cảm quốc tế vô sản chân chính để gắn kết dân tộc Việt Nam với phần còn lại của thế giới.
Sau khi tìm thấy lối thoát lịch sử, Nguyễn Ái Quốc đã khẩn trương chuẩn bị cho sự ra đời một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Tác phẩm Đường Kách mệnh (xuất bản năm 1927) là cuốn tổng luận về chủ nghĩa Mác - Lênin được Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo vào cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp ở Việt Nam. Trong đó ẩn chứa toàn bộ những giá trị cốt lõi của lý luận cách mạng và văn hóa chính trị: Con người, giai cấp, dân tộc, nhân loại là trung tâm của cách mạng, trung tâm của sáng tạo và phát triển.
Giá trị cốt lõi của lý luận cách mạng và văn hóa chính trị: Con người, giai cấp, dân tộc, nhân loại là trung tâm của cách mạng, trung tâm của sáng tạo và phát triển.
|
Các văn kiện đầu tiên của Đảng được Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đều toát lên tinh thần cách mạng triệt để: Cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào được đặt vào sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam. Muốn lãnh đạo cách mạng thành công, Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ Nam cho hoạch định chiến lược, sách lược cách mạng; phải giác ngộ, đoàn kết được quần chúng đi theo cách mạng, phải tạo ra được sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, đoàn kết với các lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới. Sau khi giành độc lập dân tộc thì phải đi lên chủ nghĩa xã hội, đó mới là cách mạng triệt để. Theo tinh thần đó, thân phận lịch sử của dân tộc ta, đồng bào ta sẽ có được sự thay đổi có tính thời đại. Văn hóa chính trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với các thành tố quan trọng, như: Con đường giải phóng dân tộc chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản, mục tiêu của cuộc cách mạng này là giành lại độc lập cho dân tộc, người cày có ruộng, thợ thuyền có quyền làm chủ nhà máy, hầm mỏ, đồn điền; thành lập nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân. Mộc mạc và dung dị, nhưng hàm chứa những giá trị vô cùng lớn lao, từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến khi đứng ra thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã kiên định lập trường tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng con người, kiến tạo thế giới đại đồng. Văn hóa chính trị ấy hết mực bao dung, nhân bản, nhân văn.
Năm 1943, trong bối cảnh thế giới và trong nước đang sục sôi cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Đề cương về Văn hóa Việt Nam, đó là tuyên ngôn đầu tiên của Đảng ta về văn hóa nước nhà, một sự định hướng đúng, trúng và đặt hòn đá tảng tầm nhìn chiến lược cho xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam từ đấy về sau.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, hồn cốt của bản tuyên ngôn này chính là giành và bảo vệ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. Thời đại mới đã mở ra với một dân tộc đã sử dụng sức mạnh văn hóa tự chủ để lật nhào văn hóa nô dịch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, cuộc chiến chống 3 thứ giặc trong năm đầu độc lập là cuộc chiến sinh tồn giữa sự hồi sinh văn hóa Việt Nam với sự giẫy chết của văn hóa thực dân phong kiến. Kết cục, giặc dốt, giặc đói bị đẩy lùi, còn giặc ngoại xâm thì ngoan cố, vì chúng muốn quyết cướp nước ta lần nữa. Đêm 19 tháng 12 năm 1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được Hồ Chí Minh truyền đi là lời hịch non sông, như sự cộng hưởng lời thơ Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Cáo Bình Ngô, Tuyên ngôn độc lập… thôi thúc tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Từ đó, Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến gần 10 ngàn ngày không nghỉ, để rồi làm nên một Điện Biên lừng lẫy năm chấu, chấn động địa cầu. Một lần nữa văn hóa chính trị của Việt Nam là văn hóa kết nối lòng yêu nước, sự đoàn kết dưới lá cờ của Đảng, của Bác Hồ đã làm nên giá trị sống của nhân loại. Trên nền tảng ấy, dân tộc ta đã anh dũng bước vào cuộc trường chinh 21 năm với tinh thần “Không có gì quí hơn độc lập tự do”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dạy tương lai”.
Tiếp tục làm sâu sắc hơn quan điểm của Đảng trong đổi mới, phát triển về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết 33-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội XII coi văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển; con người là trung tâm của phát triển; con người vừa là chủ thể của sáng tạo văn hóa vừa là đối tượng thụ hưởng giá trị văn hóa. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều chú trọng đến vấn đề văn hóa, lấy văn hóa làm sức mạnh nội sinh dân tộc. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần, trách nhiệm cao, tạo ra bước chuyển biến tích cực, thiết thực, hiệu quả, với nhiều cách làm sáng tạo, mang lại tác dụng sâu rộng, hình thành những tiền đề giá trị văn hóa chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh: làm cho Đảng ta thực sự là đạo đức, văn minh.
Luôn thể hiện sự quan tâm sâu sắc cho bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích sự đa dạng bản sắc văn hóa vùng, miền. Hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng và phát triển văn hóa được ban hành nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về văn hóa và con người Việt Nam từng bước được hoàn thiện, là cơ sở pháp lý phát huy vai trò là nền tảng của sự phát triển, tác động sâu rộng đến đời sống của nhân dân đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhân dân - những chủ thể của văn hóa tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đang từng bước được củng cố để phục vụ đời sống tinh thần của người dân tốt hơn. Hoạt động văn nghệ quần chúng, tuyên truyền cổ động, hoạt động quảng cáo, các loại hình dịch vụ văn hóa công cộng được nâng cao chất lượng, nội dung thiết thực phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của nhân dân. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội nhận được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương và các ngành; ý thức thực hiện nếp sống văn minh của người dân khi tham gia lễ hội được nâng lên; những hiện tượng tiêu cực, phản cảm, các tập tục mang yếu tố bạo lực đã giảm nhiều. Văn học, nghệ thuật đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, phản ánh chân thật, sinh động cuộc sống, thể hiện tinh thần và khát vọng dân tộc. Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện, bảo vệ và phát huy giá trị, trong đó đặc biệt là các di sản được UNESCO ghi danh, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào và nhận thức bảo vệ di sản trong nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương. Các nghệ nhân được tôn vinh, được hưởng các chính sách hỗ trợ, công tác xã hội hoá được tăng cường và thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, là nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch. Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển. Thành công rất đáng tự hào của thể thao Việt Nam tại các giải quốc tế là động lực nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, truyền cảm hứng xã hội.
Công cuộc đổi mới đất nước suốt 35 năm qua lại là một bản anh hùng ca thời đại, Việt Nam đã thành công “tự cứu mình trước khi trời cứu”. Phải chăng, đó là thứ sức mạnh vô hình của bề dày một nền văn hóa tự chủ, tự lực, tự cường. Cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 mới đây càng gây kinh ngạc cho thế giới. Một minh chứng nữa cho sức mạnh văn hóa chính trị vì con người mà Đảng, Bác Hồ tìm tòi, vận dụng từ kho báu truyền thống dân tộc, thẩm thấu từ chủ nghĩa Mác - Lênin: Sức mạnh con người là vô địch một khi biết kết nối nhân tâm.
|
XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU MỚI
Trải qua 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Ðảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã liên tục chú trọng tổng kết thực tiễn, tìm tòi, xây dựng và không ngừng bổ sung, hoàn thiện quan điểm, đường lối phát triển văn hóa Việt Nam phù hợp với yêu cầu cách mạng và tiến trình lịch sử của đất nước. Xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn sinh động luôn thay đổi không ngừng trong bối cảnh mới của thế giới, khu vực và đất nước, Đảng lãnh đạo đổi mới tư duy phát triển Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, phát triển bao trùm và bền vững... khai thác có hiệu quả những thành tựu phát triển của thế giới, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng lần thứ tư, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại về phát triển toàn diện con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, do con người và giải phóng con người... phù hợp với triết lý phát triển của dân tộc Việt Nam và với bản chất nhân văn cao đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang kiên định đi lên.
Để phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới vì một nước Việt Nam cường thịnh cần phải tiếp tục thực hiện những bước đi sau:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; mọi chủ trương, đường lối, chính sách phải thể hiện văn hóa không chỉ được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội mà còn phải coi văn hóa là hồn cốt trong từng lĩnh vực. Phát triển văn hoá, xây dựng con người phải được chú trọng tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải giữ vai trò điều tiết, định hướng sự phát triển đất nước trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế bằng mục tiêu nhân văn, hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa. Đổi mới tư duy lãnh đạo văn hóa văn nghệ, xây dựng con người của Đảng theo hướng dân chủ, cởi mở, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các chủ thể văn hóa. Nhà nước chú trọng quản lý ở tầm vĩ mô, quản lý bằng pháp luật trên cơ sở các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá trong quá trình thực hiện phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Hai là, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế. Lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta và kinh nghiệm thế giới đã chỉ ra rằng, nguồn lực con người chỉ phát huy đầy đủ khi tác động trúng lợi ích và khơi dậy được hoài bão, khát vọng dân tộc, tạo thành động lực thường trực để mỗi cá nhân nỗ lực phấn đấu vì sự thịnh vượng, phồn vinh của đất nước. Vì thế, các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học đều phải hướng vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, trí tuệ, sức khoẻ, có tinh thần nhân văn, nhân ái và ý thức lao động tự giác, sáng tạo; chú trọng giáo dục lòng tự hào về truyền thống văn hoá, nhằm củng cố “chất Việt Nam” trong nhân cách con người, chủ thể của nền văn hoá Việt Nam giàu bản sắc.
Đề cao vai trò giáo dục, cảm hóa của văn học nghệ thuật, hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Phát huy tài năng, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sỹ. Phổ cập rộng rãi các tác phẩm văn hoá nội địa; đẩy mạnh các chương trình giáo dục nghệ thuật truyền thống nhằm làm cho văn hoá Việt Nam thấm sâu vào tâm hồn và tình cảm mỗi người dân, tạo bản lĩnh văn hoá và sức đề kháng để chủ động hội nhập một cách có chọn lọc. Nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc giáo dục đạo đức, thúc đẩy con người hình thành và tự hoàn thiện nhân cách. Đề cao trách nhiệm của báo chí, truyền thông trong cuộc đấu tranh chống suy thoái đạo đức, lối sống; phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội; biểu dương những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; hạn chế những bất lợi của truyền thông, thế giới ảo tác động đến thế hệ trẻ.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống văn hóa phong phú đẩy lùi các tệ nạn xã hội và sự tha hóa về đạo đức, lối sống. Phát động các phong trào tập luyện thể thao, phát huy các thiết chế thể thao ở cơ sở nhằm nâng cao thể chất, tăng tuổi thọ người Việt Nam và lành mạnh hóa lối sống của nhân dân; gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống...
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp thực tiễn và yêu cầu phát triển đất nước. Đổi mới tổ chức, nội dung và cơ chế quản lý văn hóa; phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm và thẩm quyền của các cấp, cải cách hành chính trên lĩnh vực văn hóa.
(Ảnh minh họa)
Bốn là, xác lập quyền lực mềm quốc gia bằng văn hóa, với các chính sách phát triển hợp lý, trên cơ sở các giá trị đặc sắc, lợi thế cạnh tranh của văn hoá Việt Nam, tạo sức đề kháng trước sự gia tăng sức mạnh mềm của một số quốc gia. Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam, trong đó, sự phát triển của văn hóa đã trở thành nền tảng cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa của các địa phương cũng như đất nước Việt Nam đối với thế giới. Triển khai có hiệu quả Chiến lược văn hóa đối ngoại; mở rộng các hoạt động giao lưu đối ngoại và hợp tác quốc tế về văn hóa, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá sâu rộng về văn hóa Việt Nam.
Năm là, phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của nhân dân và thị trường ngoài nước. Phát triển thị trường văn hóa nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hóa vận hành theo nguyên tắc thị trường; định hướng cho người sản xuất văn hóa đáp ứng những nhu cầu đa dạng, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Đổi mới phương thức đầu tư cho văn hóa, có cơ chế đầu tư trước thuế để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ văn hóa. Thực hiện bình đẳng trong đầu tư của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia hoạt động văn hóa trên cơ sở năng lực và hiệu quả xã hội của mỗi tổ chức. Tạo môi trường pháp lý để các doanh nghiệp kinh tế bảo trợ, tài trợ cho văn hóa. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, có tính chuyên môn hóa cao nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng văn hóa Việt Nam, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị của đất nước, theo đúng quy luật phát triển của công nghiệp văn hóa thế giới.
Sáu là, giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hoá với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hoá tiêu biểu trở thành những di sản có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch, gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân. Thực hiện cơ chế, chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu, góp phần phổ biến văn hóa phi vật thể, truyền dạy nghề, nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ. Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu văn hóa dân tộc.
Việt Nam tuy là một quốc gia chưa phải là phát triển cao về kinh tế, song lại là đất nước có nhiều giá trị văn hóa đủ sức hút và lay động được bạn bè quốc tế. Văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là văn hóa có Đảng lãnh đạo, hội tụ tinh hoa hàng ngàn năm lịch sử, trở thành sức mạnh nội sinh dân tộc, là biểu tượng cho lương tri và phẩm giá con người. Đó là điểm tựa vững chắc để chúng ta có được diện mạo văn hóa Việt Nam đủ sức làm nên cơ đồ dân tộc trên đường phát triển và hội nhập hôm nay./.
Theo Lê Khánh Hải/Tạp chí Tuyên giáo