Phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước của đồng bào các dân tộc trong công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng trong thời kỳ mới

(Mặt trận) - Với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tăng cường công tác tham mưu giúp cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo vệ an ninh xã hội ở vùng biên giới. Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, sự hưởng ứng tích cực của đồng bào các dân tộc đã tạo bước chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

1. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Cộng đồng 54 dân tộc anh em cùng sinh sống gắn kết với nhau bởi nghĩa “đồng bào”, cùng ý thức rằng mình sinh ra trong cùng một bọc, có chung một cội nguồn, chung một ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm 86,2%; còn 53 dân tộc anh em với khoảng hơn 14 triệu người, chiếm 13,8% dân số cả nước. Các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn rộng, chiếm 3/4 diện tích cả nước, thuộc 51 tỉnh, 463 huyện, 5.453 xã và gần 50 ngàn khu dân cư (chủ yếu ở miền núi phía Bắc với gần 7 triệu người, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên khoảng 3 triệu người, Tây Nam Bộ khoảng gần 1,5 triệu người); nơi có khoảng gần 5.000 km đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia, được coi là “phên dậu” của quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh, quốc phòng của đất nước.

Địa bàn biên giới hiện tại có 981 xã, phường, 184 huyện, thị xã, thuộc 43/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với hơn 5 triệu dân sinh sống, trong đó có 40/54 thành phần dân tộc anh em sinh sống nên vùng biên giới trở thành địa chỉ hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống đa dạng của các cộng đồng các dân tộc. Trải qua suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm và xây dựng đất nước ta đã chứng minh sự đoàn kết thống nhất các dân tộc là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta cũng cho thấy ở thời kỳ nào mà Nhân dân đoàn kết "trên dưới một lòng" thì đất nước hưng thịnh, thời kỳ nào mà "lòng người ly tán, chia rẽ và loạn ly" là lúc mà dân tộc suy vong, thù trong giặc ngoài.

 Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đến nay, Đảng ta luôn luôn kế thừa và phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc và xác định đoàn kết dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đảng đã sớm xác định được đường lối chính sách dân tộc đúng đắn trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đặc điểm các dân tộc Việt Nam. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 đã ghi: “Đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ để tranh thủ độc lập, tự do và hạnh phúc chung”. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế, Đảng tiếp tục đã khẳng định: “Đoàn kết là truyền thống quý báu và bài học lớn của cách mạng nước ta, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có nguyên nhân bắt nguồn từ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc”.

Trên cơ sở những quan điểm cơ bản về đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã cụ thể hóa tinh thần đó trong Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”.

Để bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các dân tộc, Đảng và Nhà nước đã ra nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm đổi mới nội dung, phương pháp, biện pháp tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Đặc biệt gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng trọng điểm như: Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…

Chính phủ đã ban hành các nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện; phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm rõ ràng, tập trung, dân chủ, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ gắn với trách nhiệm của từng bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong vùng theo tinh thần đồng hành cùng các địa phương trong các vùng xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá; hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc thù về phát triển vùng; huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng đảm bảo xây dựng và phát triển vùng hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại… bằng các chỉ tiêu cụ thể của từng vùng.

Ngay sau khi có nghị quyết, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở đã phối hợp, tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình hành động, phân công cấp ủy viên phụ trách, tổ chức thực hiện nhằm nâng cao một bước nhận thức về công tác dân tộc. Do vậy, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp các ngành, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác dân tộc có bước chuyển biến tích cực; xác định đúng đắn hơn vị trí, tầm quan trọng của công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân. Những chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước cùng với sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, công tác phối hợp tuyên truyền, vận động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, sự hưởng ứng tích cực của đồng bào các dân tộc nên đã tạo bước chuyển biến khá căn bản trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Là một bộ phận trong hệ thống chính trị, với vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tăng cường công tác tham mưu giúp cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo vệ an ninh xã hội ở vùng biên giới. Trong công tác tuyên truyền, vận động cùng với việc tiến hành tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước, Mặt trận các cấp đã vận dụng vào tình hình cụ thể ở địa phương để có những hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc với các hình thức như: Tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số qua lực lượng người có uy tín, tiêu biểu, các vị ủy viên ủy ban; tuyên truyền, vận động thông qua các ngày lễ hội của các dân tộc như: Tết Katê của đồng bào Chăm, Chol Chnam Thmay, Đôlta của đồng bào Khmer và các lễ hội của đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao...

Tuyên truyền thông qua “Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư” được tổ chức vào ngày 18/11 hàng năm với các nội dung tuyên truyền, vận động như: công tác xoá đói, giảm nghèo, công tác phổ cập giáo dục tiểu học, đưa trẻ đúng độ tuổi đến trường; thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, ốm đau đến khám tại trạm y tế xã; vận động đồng bào chọn lọc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của từng dân tộc; vận động đồng bào thực hiện phòng chống, tố giác tội phạm, ma tuý, buôn bán người qua biên giới, thực hiện bảo vệ môi trường sinh thái; tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh, quốc phòng.

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận đã tạo mối quan hệ tốt giữa cán bộ Mặt trận với đồng bào các dân tộc thiểu số ở các địa phương, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Mặt trận các cấp ở các tỉnh vùng dân tộc đã tăng cường công tác phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc ở các khu dân cư để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, không tham gia các tổ chức bất hợp pháp như “Tin lành Vàng Chứ” ở địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc; tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình ở Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên; “Tin lành Đề Ga” “Hà Mòn” ở các tỉnh vùng Tây Nguyên; tuyên truyền lịch sử vùng đất Tây Nam bộ để chống lại những âm mưu phản động của tổ chức Khmer Krôm…

Trong công cuộc đổi mới đất nước hội nhập khu vực và thế giới, Đảng, Nhà nước tăng cường việc mở rộng, hợp tác, giao lưu, hội nhập với các quốc gia, dân tộc trên thế giới để cùng phát triển. Biên giới quốc gia là nơi gặp gỡ, giao lưu tạo ra những tình cảm tốt đẹp giữa Việt Nam và bè bạn quốc tế. Nhằm tăng cường phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng ở vùng biên giới, Mặt trận các cấp ở vùng biên giới đã tăng cường công tác phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng Công an, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn tuyến biên giới tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia thực hiện nội dung Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015, của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên cơ sở lồng ghép thực hiện nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng kể như:

Thực hiện Chương trình số 09/Ctr-BCA-MTTW của Bộ Công an và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” và thực hiện Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Mặt trận các cấp ở các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập danh sách được hơn 34 nghìn người có uy tín trong các dân tộc thiểu số; tích cực, chủ động phối hợp với Công an cùng cấp thực hiện công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy làm nòng cốt trong công tác vận động cộng đồng thực hiện “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với các phong trào, các cuộc vận động khác ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

 Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Cụm thi đua Mặt trận Tổ quốc các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc năm 2024. ẢNH: TIẾN ĐẠT

Thông qua công tác phối hợp, Mặt trận và công an các cấp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với nhiều đối tượng phạm tội, nhiều vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Điển hình như: Mặt trận các cấp tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với công an các cấp xây dựng được 637 người có uy tín, trong đó có 460 người do lực lượng Công an trực tiếp vận động, giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động ở 920 Tổ nhân dân tự quản an ninh trật tự. Thông qua nguồn tin của người có uy tín, lực lượng Công an đã thu trên 700 kg pháo nổ, 33 khẩu súng săn tự chế, tham gia vận động 25 trường hợp người dân tộc thiểu số đi cai nghiện bắt buộc, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, ngăn chặn hàng trăm người có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, làm thuê, cung cấp trên 300 tin liên quan đến an ninh trật tự, trong đó có nhiều tin có giá trị liên quan đến tình hình khu vực biên giới, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, hoạt động tôn giáo trái pháp luật trong vùng dân tộc…

Mặt trận các cấp tỉnh Hà Giang đã phối hợp với công an các cấp xây dựng được 1.327 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, có 580 người tham gia các Tổ tự quản về an ninh, trật tự. Thông qua công tác vận động của người có uy tín đã giải quyết 98 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, người uy tín đã cung cấp 76 nguồn tin có giá trị cho lực lượng Công an.

Mặt trận tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với Công an xây dựng được 2.473 người uy tín trong 27 dân tộc thiểu số, người uy tín đã phát hiện 33 nghìn lượt người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, phát hiện 113 vụ nhập cảnh trái phép với 817 người1.

Thực hiện công tác phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, Mặt trận 25 tỉnh có đường biên giới trên đất liền đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng vận động đồng bào các dân tộc quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia thông qua các mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như:

“Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản”; “Tổ đoàn kết đảm bảo an ninh trật tự”; “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”... đã nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và quần chúng nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới; ý thức quốc gia, quốc giới, ý thức chấp hành luật pháp và các quy chế, quy định về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của cán bộ và Nhân dân khu vực biên giới được nâng lên rõ rệt; góp phần huy động được sức mạnh tổng hợp, tạo chuyển biến toàn diện về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới, củng cố, giữ vững lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân.

Hiện trên toàn tuyến biên giới đã thành lập 14.822 tổ/2.327.737 thành viên tự quản an ninh trật tự; đã xây dựng được 3.519 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, tự quản 3.262 km đường biên giới, 2.345 mốc quốc giới… Mặt trận các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên và Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa thiết thực cho đồng bào vùng biên giới như: Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”… Qua chương trình đã trao tặng 7.000 căn nhà cho người nghèo ở biên giới, hải đảo; 300 công trình dân sinh ở địa bàn biên giới; trao 24.876 con bò giống cho người nghèo biên giới. Bộ đội Biên phòng nhận đỡ đầu 87 xã biên giới; các cơ quan, ban, ngành, địa phương nhận đỡ đầu 278 xã biên giới xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, mục tiêu mà các thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại là âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc, chia rẽ dân tộc, nhất là chia rẽ đồng bào các dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh, kích động ly khai, tự trị dân tộc, làm suy yếu, đi đến thôn tính nền độc lập của Nhân dân ta; chia rẽ các dân tộc với Đảng, Nhà nước và chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Để thực hiện âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đã và đang tiến hành bằng nhiều phương thức, thủ đoạn. Lợi dụng những khó khăn về đời sống và khuyết điểm, thiếu sót trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc để tuyên truyền, kích động chống đối, khơi lại các mâu thuẫn, xung đột xảy ra giữa các dân tộc trong quá khứ nhằm kích động sự chống đối trong người dân tộc thiểu số, lợi dụng chính sách đổi mới và chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng, Nhà nước để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền như: thông qua các hoạt động từ thiện, du lịch, hợp tác... để chuyển tiền, kinh sách vào hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với các hình thức như dùng băng video, cassette, youtube, fecbook… để phát tán tuyên truyền đạo vào các vùng dân tộc thiểu số; kết hợp với các thủ đoạn giúp đỡ vật chất, thăm hỏi động viên tinh thần, tài trợ cho con em những người theo đạo để lôi kéo phát triển đạo và kích động để chia rẽ dân tộc, xuyên tạc, vu cáo, đả kích chế độ ta... hòng phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc.

Vấn đề dân tộc và giải quyết vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc là một hiện tượng lịch sử lâu dài dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta không thể nhanh chóng giải quyết một thời gian ngắn do một số nguyên nhân bên trong như vấn đề lịch sử, sự khác nhau giữa các dân tộc được hình thành trong lịch sử, trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, bản sắc văn hoá…

Đồng thời, vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc còn bị tác động, ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ bên ngoài của nhân tố dân tộc, nhân tố tôn giáo trong môi trường quốc tế ngày càng tăng lên với trào lưu tư tưởng “đấu tranh vì nhân quyền” “quyền tự quyết của các dân tộc” và hoạt động chủ nghĩa ly khai dân tộc, hẹp hòi dân tộc…

Để tiếp tục thắt chặt khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, hệ thống Mặt trận các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các ngành Công an, Bộ đội Biên phòng và các tổ chức thành viên thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ cụ thể sau:

Thứ nhất, tăng cường, kiên trì làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng cơ sở của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể làm nòng cốt, tranh thủ những người có uy tín, trưởng dòng họ, chức sắc, tín đồ tiêu biểu để tạo sự ủng hộ rộng rãi đối với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện công tác phối hợp đồng bộ trong cả hệ thống chính trị các cấp để vận động, thuyết phục đồng bào hiểu và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phát động; không dùng các biện pháp cứng nhắc, cưỡng bức thô bạo, theo cách hành chính tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng.

Tạo điều kiện để đồng bào xây dựng mối quan hệ gắn bó với cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống ở khu dân cư, tham gia ngày càng tốt hơn các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đổi mới công tác vận động quần chúng theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với việc phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện phong trào xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào; xây dựng môi trường văn hoá - xã hội ở khu dân cư; đồng thời làm tốt công tác quản lý nhà nước và xử lý nghiêm theo pháp luật đối với mọi hoạt động vi phạm pháp luật. Việc đổi mới phương thức công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số, cần quán triệt tốt phương châm: Chân thành, tôn trọng, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc; sử dụng nhiều phương thức phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương.

Thứ hai, thực hiện tốt hơn nữa chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc với những chương trình, dự án cụ thể, phù hợp với từng vùng, từng tiểu vùng.

 Thực tế trong những năm qua, các đối tượng tuyên truyền phát triển đạo trái phép ở vùng dân tộc thiểu số đã lợi dụng tình trạng nghèo đói, dân trí thấp của đồng bào để tuyên truyền, lôi kéo. Bởi vậy, cần tăng cường hơn nữa đầu tư phát triển kinh tế - xã hội từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần cho đồng bào, làm mất cơ sở nền tảng cho các thế lực thù địch thâm nhập và kích động phá hoại khối đại đoàn kết.

Do đó, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào thiểu số là cơ sở quan trọng nhằm nâng cao nhận thức chính trị, văn hoá, xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời xoá bỏ được tư tưởng kỳ thị dân tộc, dân tộc hẹp hòi mà các thế lực thù địch lợi dụng kích động chống phá. Việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, xoá đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục… phải đi cùng với việc quy hoạch, sắp xếp lại các khu dân cư, từng bước tổ chức hợp lý cuộc sống của đồng bào ở các bản làng, nhất là ở các địa bàn biên giới.

Thứ ba, chống âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động chủ nghĩa ly khai, tư tưởng dân tộc cực đoan, chia rẽ dân tộc, tôn giáo.

Xây dựng chiến lược bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh chống âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động tư tưởng ly khai, lôi kéo đồng bào, chia rẽ dân tộc, chống phá cách mạng. Biện pháp đấu tranh chủ yếu là phải dựa vào quần chúng có đạo và chức sắc tôn giáo, kết hợp vận dụng pháp luật và giáo luật để ngăn ngừa và xử lý các trường hợp sai trái. Thực sự coi công tác vận động quần chúng là cốt lõi giải quyết vấn đề, là nền tảng, điều kiện đảm bảo cho việc củng cố vai trò lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền các cấp. Cần khắc phục tình trạng dùng biện pháp hành chính đơn thuần.

Thứ tư, tập trung xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh về mọi mặt, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh, ngăn chặn hoạt động truyền đạo vi phạm pháp luật.

Đảng và Nhà nước cần có chiến lược đào tạo dài hạn đội ngũ cán bộ cho cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với tổ chức cơ sở đảng: phải xoá thôn, bản, buôn "trắng" không có đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về vấn đề dân tộc và tôn giáo. Kiên quyết khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân của một số cán bộ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, và luân chuyển cán bộ. Quan tâm chỉ đạo để có cơ cấu hợp lý cán bộ các dân tộc, các bản trong bộ máy của xã. Phấn đấu các bản, trường học có chi bộ, xã có đảng bộ, khắc phục tình trạng cơ sở không có tổ chức đảng và đảng viên.

Năm là, tăng cường phối hợp thực hiện công tác lựa chọn, xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc sinh sống ở các khu dân cư hiểu rõ sự quan tâm và chăm lo của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, vạch trần những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo gây kích động, chia rẽ giữa các dân tộc, các tôn giáo; chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan, tự ti, mặc cảm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các vùng dân tộc, tôn giáo, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Xây dựng tình đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa nhân dân trong vùng với nhân dân vùng biên giới các nước bạn láng giềng.

Chú thích:

 1.  Báo cáo tổng kết kết quả phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023 tại các tỉnh.

NGUYỄN MẠNH QUANG - Thạc sĩ, Phó Trưởng Ban Dân tộc,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều