Quảng Bình là tỉnh nằm giữa Duyên hải Bắc Trung Bộ, có đường biên giới phía Tây giáp nước bạn Lào với tổng chiều dài 222,118 km, diện tích tự nhiên là 8.065 km2, với dân số toàn tỉnh khoảng 913.860 người, trong đó có 2 dân tộc thiểu số chính gồm Bru - Vân Kiều và Chứt. Dân tộc - Vân Kiều gồm các tộc người (Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì); dân tộc Chứt gồm các tộc người (Sách, Rục, A Rem, Mã Liềng, Mày), còn lại là các dân tộc khác với dân số không nhiều như: Tày, Mường, Thổ, Pa Cô, Ca Rai…
Những năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng vào tình hình thực tiễn cụ thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, tập trung khai thác có hiệu quả, tạo bước đột phá, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đồng bào các dân tộc.
Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, chọn lựa những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, có các biện pháp, giải pháp mang tính đột phá để thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, các chương trình, chính sách, đề án, dự án của từng năm, từng giai đoạn… Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để huy động các nguồn lực đầu tư cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh nói riêng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cả nước nói chung.
Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước (từ năm 1986 đến nay), đặc biệt là sau khi có Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội của miền núi; Quyết định số 72-HĐBT ngày 13/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (này là Chính phủ) về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi, được Chính phủ đầu tư Chương trình phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn I, giai đoạn II và giai đoạn III; vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có sự thay đổi hết sức to lớn.
Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư khá đồng bộ từ đường giao thông, thủy lợi tưới tiêu, điện lưới, trạm y tế, trường học và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác; cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi có sự chuyển dịch nhanh, đúng hướng; đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện. Chỉ tính riêng trong 10 năm thực hiện Chương trình 135 (1999 - 2009), các xã đặc biệt khó khăn trong địa bàn tỉnh được Nhà nước đầu tư 302.739 triệu đồng. Thực hiện Quyết định số 134 của Thủ tướng Chính phủ, đã hỗ trợ cho 3.334 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 2.668 nhà ở, 468,5 ha đất sản xuất. 65,7 ha đất ở, 31 công trình cấp nước tập trung, 1.552 dụng cụ chứa nước với tổng kinh phí 58.741 triệu đồng; có 12/17 trung tâm cụm xã được ngân sách Trung ương đầu tư trên 45 tỷ đồng.
Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006 - 2010 cùng với nhiều chương trình, đề án, dự án khác đã phát huy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc… Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 4-5%. Nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số là điển hình tiên tiến trong sản xuất, phát triển kinh tế. Giai đoạn 2011 - 2015, với tổng nguồn vốn trên 309 tỷ đồng từ Chương trình 135, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất... cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trong tỉnh.
Cùng với việc thực hiện tốt Chương trình 135 và các chính sách lồng ghép khác, bộ mặt nông thôn vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chương trình đã hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, thông tin liên lạc… ở các xã đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2011 - 2015, 100% số xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã và các nguồn điện khác chiếm 94,3%, tỷ lệ hộ dùng điện sinh hoạt đạt 84%; tỷ lệ hộ nghèo từ 61,57% năm 2011 giảm còn 21,2% năm 2015...
|
Đời sống của đồng bào Khùa ở bản Ra Mai, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. ẢNH: PV |
Từ năm 2016 - 2020, chương trình đã đầu tư xây dựng 316 công trình (giao thông: 206 công trình; thủy lợi: 19 công trình; nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa: 34 công trình; y tế: 11 công trình; giáo dục: 37 công trình; nước sinh hoạt: 4 công trình; chợ: 5 công trình). Duy tu bảo dưỡng 10,702 tỷ đồng cho 183 công trình… Thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đồng bào được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị máy móc, công cụ sản xuất... từ đó góp phần nâng cao năng suất và sản lượng, đời sống của đồng bào đã được cải thiện đáng kể.
Để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cả nước nói chung, ngày 18/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và các địa phương chủ động rà soát, tổng hợp và báo cáo Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình 1719). Khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời thành lập, kiện toàn bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành có liên quan…
Theo đó, căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 10/6/2022 về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản có liên quan. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 1722/KH-UBND ngày 20/9/2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, để chủ động, đảm bảo các cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 21 Nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 16 Quyết định, 9 Kế hoạch và 6 văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Ngoài ra, các sở, ngành có liên quan ban hành nhiều văn bản liên quan để triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Chương trình với 10 dự án và 14 tiểu dự án thành phần được triển khai toàn diện trên các mặt kinh tế, văn hóa xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025 là 1.757,5 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương gần 1.598 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh gần 160 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh đã phân bổ cho 10 dự án đảm bảo đúng tỷ lệ quy định. Năm 2023, nguồn vốn phân bổ thực hiện Chương trình hơn 433 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch, y tế, văn hóa, giáo dục… nhằm mục đích nâng cao nhận thức, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, Quảng Bình đã đạt được một số kết quả tích cực, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước được khởi sắc, đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện, nâng cao. Khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh được thu hẹp. Một số chỉ tiêu cụ thể đạt được như sau:
Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 8,05%/năm (chỉ tiêu kế hoạch giảm trên 4,5%/năm); tỷ lệ xã có đường ô tô về đến trung tâm rải nhựa hoặc bê tông 100%; đầu tư xây dựng 12,6 km đường giao thông liên xã; đầu tư xây dựng mới 1 chợ biên giới; cứng hóa 15 km đường giao thông nông thôn; số trạm y tế được xây dựng kiên cố 100%; được phủ sóng phát thanh, truyền hình, sóng điện thoại di động; có điện lưới quốc gia; tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 100%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế 100% (chỉ tiêu kế hoạch 100%);... Đặc biệt, Chương trình đã hỗ trợ nhà ở cho 206 hộ; hỗ trợ đất ở cho 2 hộ; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 16 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 348 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 858 hộ; hỗ trợ cho vay làm nhà ở 88 hộ; vay chuyển đổi nghề 122 hộ...
Ngoài ra, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng với nguồn từ Mặt trận các cấp đã hỗ trợ làm mới 965 nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng huyện Hướng Hóa, trong 2 năm (2022 - 2023) được tỉnh giao với tổng nguồn vốn hơn 248 tỷ, huyện đã thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia 1719. Trong đó, đặc biệt là việc hỗ trợ sinh kế, hoàn thiện hạ tầng và hỗ trợ nhà ở... cho đồng bào dân tộc thiểu số. Căn cứ kết quả rà soát nhu cầu hỗ trợ từ các địa phương, Ủy ban nhân dân huyện Minh Hóa đã ra quyết định phê duyệt danh sách 430 hộ gia đình đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở trong Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Dự án hướng tới mục tiêu: Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương).
Trong tổng số 430 hộ gia đình đã được phê duyệt, hiện trên địa bàn huyện đã có 175 hộ gia đình đang đồng loạt triển khai các bước để tiến tới xây dựng nhà mới. Tại xã Hóa Sơn, hiện đã có 2 hộ gia đình đã khởi công làm nhà mới. Nhờ có nơi ở mới, người dân phấn khởi bởi không phải chịu cảnh mưa, bão, nước dột. Với ngôi nhà kiên cố, người dân thêm yên tâm ổn định để làm ăn, nuôi dạy con cái. Ngoài xã Hóa Sơn, một số xã khác của huyện Minh Hóa cũng hỗ trợ cho người dân vay vốn để làm nhà ở: xã Dân Hóa, xã Hóa Tiến, xã Trọng Hóa, xã Thượng Hóa…
Ngoài ra, huyện Minh Hóa cũng đã cơ bản thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra về giao thông, trường học, nhà văn hóa theo kế hoạch. Hiện 100% số xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều có đường giao thông kiên cố nối với trung tâm xã; khoảng 80% thôn, bản có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có đường giao thông được kiên cố hóa bằng bê tông hoặc rải cấp phối, góp phần đáp ứng tốt cho nhu cầu đi lại, giao thương giữa các vùng miền. Hệ thống trường lớp cơ bản được xây dựng kiên cố, khang trang, đáp ứng 80% nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 100% các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều có trạm y tế và 3 trạm quân dân y kết hợp (tại các xã Thượng Hóa, Dân Hóa, Trọng Hóa) để tăng cường nhiệm vụ chăm sóc y tế cho bà con dân tộc thiểu số; 90% bà con được dùng điện thắp sáng; 60% thôn, bản có nhà văn hóa để sinh hoạt... Những kết quả đạt được sẽ là động lực quan trọng để tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia 1719 trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như:
(1) Hầu hết, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh là các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao so với mặt bằng chung của cả nước. (2) Dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số phân bố phân tán, tình trạng du canh dẫn tới du cư vẫn còn tồn tại. (3) Kinh tế hàng hóa vẫn chậm phát triển, kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc chiếm vai trò rất lớn trong đời sống; trình độ dân trí hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp; một số phong tục, tập quán còn lạc hậu; giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. (4) Cơ sở hạ tầng ở các lĩnh vực như: Giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, nước sạch, trường học đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai. (5) Hệ thống chính trị cơ sở ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn yếu. (6) Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống các dịch bệnh và thực hiện các chương trình quốc gia về y tế. Các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, dịch tả… cần được khống chế; quan tâm tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ em hàng năm; đồng bào được khám, chữa bệnh miễn phí, được hỗ trợ trong quá trình điều trị tại bệnh viện.
Để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn.
Thứ nhất, vẫn còn một số khó khăn khi công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn chậm, nhất là vốn sự nghiệp nên gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện của địa phương. Một số quy định còn trùng lặp về nhu cầu, đối tượng; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa thật sự chặt chẽ, vai trò của cơ quan chủ dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần chưa được phát huy.
Thứ hai, tỉnh cần tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy sức mạnh nội lực trong đồng bào, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút, vận động đồng bào các dân tộc tham gia vào các quá trình triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719.
Thứ ba, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh hiện còn rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, tỉnh cần triển khai quyết liệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm nguồn vốn phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Thứ tư, tỉnh Quảng Bình cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu 1719, nhất là đối với những nội dung còn vướng mắc, cần tháo gỡ. Cùng với đó, tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phát huy sức mạnh nội lực trong đồng bào, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình.
Thứ năm, Quảng Bình cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất. Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ sáu, các cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cán bộ, đảng viên trong tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc. Tỉnh cũng cần tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc, nhất là khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
Thứ bảy, tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025) tại tỉnh Quảng Bình sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả sẽ được nhân rộng; hạ tầng kinh tế - xã hội được tiếp tục cải tạo, đầu tư nâng cấp… Môi trường nông thôn trở nên xanh, sạch, đẹp, trật tự an toàn ổn định.
Thứ tám, đồng bào dân tộc thiểu số cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ cột mốc, đường biên, cung cấp cho các cơ quan chức năng nhiều nguồn tin quan trọng trong việc đấu tranh, ngăn chặn vận chuyển ma túy, vật liệu nổ qua đường biên giới, vượt biên trái phép góp phần bảo vệ an ninh biên giới, chủ quyền lãnh thổ.
LÊ PHÚ THẮNG - Tiến sĩ, Hiệu trưởng Trường Hữu Nghị T78