Tận dụng nguồn dược liệu quý tại địa phương
Tây Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, có hơn 90% người đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống rất bấp bênh. Với điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, mô hình trồng cây dược liệu đã giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo và đang được huyện nhân rộng trên địa bàn.
Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn thuộc Chương trình giảm nghèo, Chương trình nông thôn mới, nguồn khuyến khích từ Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND ngày 26/4/2016 của và Quyết định 2950/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Tây Giang đã hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu trên tổng diện tích gần 1.475 ha. Ngoài ra, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQCP (triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH 14 của Quốc hội), phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, huyện Tây Giang đã phát triển mô hình trồng cây dược liệu với 2 loại cây chủ lực là đảng sâm và ba kích. Đây là 2 loại cây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương giúp đồng bào DTTS không những có thu nhập ổn định, mà còn làm giàu từ loại dược liệu quý này. Vì vậy, huyện Tây Giang triển khai “Mô hình cây dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’Ơm. Đẳng sâm là loài cây dược liệu quen thuộc với đồng bào DTTS góp phần tạo sinh kế, ổn định cuộc sống hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện. Đẳng sâm là cây dễ trồng, được chăm sóc, bón phân, làm cỏ... sau khoảng 2 năm bắt đầu cho thu hoạch. Riêng ở xã Ch’Ơm có 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó thôn Achoong chiếm gần một nửa. Dự án liên kết để phát triển các vùng trồng cây dược liệu giúp cho DTTS có nguồn thu nhập, nâng cao đời sống nên nhiều hộ dân phấn khởi tham gia. Cùng với đó, HTX Nông nghiệp dịch vụ xã Ch’Ơm hỗ trợ bao tiêu sản phẩm giúp hàng trăm hộ gia đình có thu nhập ổn định từ cây đẳng sâm khoảng 150 - 200 triệu đồng.
|
Cây ba kích tạo đà phát triển vùng dược liệu. Ảnh minh hoạ |
Bên cạnh đó, huyện miền núi Đông Giang cũng có rất nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, trong đó, ba kích là một trong những loài dược liệu quý được địa phương đưa vào trồng thử nghiệm trên diện tích 4ha. Ba kích tím (dây ruột già) là cây dây leo bằng thân quấn, sống nhiều năm. Cây ba kích tím không chỉ có bổ thận, tráng dương cường gân cốt, khử phong thấp mà còn có tác dụng tăng lực rõ rệt với bệnh nhân tuổi già, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, ăn ngủ kém, yếu sinh lí, gân cốt yếu. Từ cuối năm 2018, mô hình trồng cây ba kích đã được UBND huyện Đông Giang giao cho Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện triển khai. Đến nay, đã có hơn 26.000 cây giống ba kích được trồng dưới tán rừng, tỷ lệ sống đạt từ 85 – 90%. Khi thực hiện mô hình này, Nhà nước đầu tư 100% cây giống ba kích, phân bón hữu cơ vi sinh, hỗ trợ công chăm sóc, kỹ thuật trồng; Hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác sản xuất để nhóm hộ tham gia bảo tồn, phát triển cây ba kích, tạo đà phát triển vùng dược liệu. Hơn thế nữa, các nhóm hộ đồng bào DTTS được tập huấn kỹ thuật liên quan đến trồng cây dược liệu dưới tán rừng như: kỹ thuật xây dựng vườn ươm, chăm sóc cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế ba kích.
Với tiềm năng lớn về phát triển cây ba kích tím của huyện Đông Giang là rất lớn cùng những cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, kỹ thuật của huyện và thực tế đã khẳng định, cây ba kích tím là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sự chủ động trong trồng cây ba kích của người dân là một trong những yếu tố quan trọng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững loại dược liệu quý này. Đồng thời, đem lại thu nhập cho gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Phát triển bền vững cây dược liệu quý
Nhằm khuyến khích bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn, tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách: Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND ngày 26/4/2016 của HĐND tỉnh Quảng Nam về cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2950/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND ngày 26/4/2016 của HĐND tỉnh,… Cùng với đó, Quảng Nam phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng diện tích khoảng 64.000ha; trong đó diện tích đã trồng hiện có gần 2.500ha; diện tích quy hoạch trồng mới hơn 61.000ha.
Quảng Nam đã và đang có nhiều giải pháp bảo tồn và hướng đến phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân, trong đó, du lịch vùng dược liệu đang được chính quyền địa phương quan tâm và thúc đẩy phát triển. Hiện nay, mô hình trồng các vùng chuyên canh (rau, hoa, cây dược liệu quý, cây công nghiệp ngắn ngày…) nhằm cung cấp các sản phẩm sạch cho thị trường, gắn phát triển kinh tế với phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch các cây dược liệu quý trên địa bàn đã được ban hành. Đây là những cơ sở quan trọng để giúp người dân chủ động về kỹ thuật trong việc trồng các loại cây dược liệu. Mặt khác, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu để tăng cường nhận thức cho người dân về trồng bảo tồn, phát triển cây dược liệu, hạn chế tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn dược liệu trong tự nhiên. Song song với đó, nâng cao được kiến thức khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất cây dược liệu nói riêng, vừa gắn việc sản xuất với bảo vệ môi trường rừng, môi trường sinh thái.
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng và thu hoạch các cây dược liệu quý. Ảnh: Đăng Nguyên
Tỉnh cũng đang tập trung tăng cường xúc tiến, kêu gọi và thu hút doanh nghiệp, hỗ trợ hợp tác xã trong việc xây dựng các cơ sở sản xuất giống, gắn với việc sản xuất, cung ứng giống với tiêu thụ; trồng và chế biến sản phẩm dược liệu. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định 331/QĐ-UBND ngày 30/1/2019 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm... Hiện đã thu hút một số doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia vào chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ cây dược liệu với nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao: cao đẳng sâm, mứt đẳng sâm, đẳng sâm ngâm mật ong, trà túi lọc đẳng sâm… Từ đó, tạo tiền đề giúp nhiều địa phương xác định việc phát triển cây dược liệu là hướng đi chính để nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Hà My