|
Hỗ trợ nhà ở cho hộ dân tộc Khmer theo Dự án 1, tại xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng
|
Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở lưu vực sông Hậu. Diện tích tự nhiên là 3.311,8 km2. Dân số là 1.195.741 người; trong đó, dân tộc thiểu số là 423.830 người, chiếm 35,44%. Toàn tỉnh có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số gồm có 17 xã khu vực III và 46 xã khu vực I được phê duyệt tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; có 128 ấp đặc biệt khó khăn được phê duyệt tại Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Thời gian qua, tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo ổn định, công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; các Chương trình MTQG và các chương trình, dự án, chính sách dân tộc khác có liên quan tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực.
Công tác tuyên truyền về Dự án 1 và tổng thể Chương trình
Công tác thông tin, tuyên truyền Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và Dự án 1 nói riêng được UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các sở, ban ngành có liên quan tập trung thực hiện hiệu quả bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo tập trung vào một số hoạt động cụ thể như: Phối hợp với các cơ quan báo chí, hệ thống cổng thông tin điện tử của tỉnh tổ chức tuyên truyền về những mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, giải pháp trọng tâm của Chương trình. Tổ chức nhiều hội nghị quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh về Chương trình; các hội nghị triển khai thông tin đến các chức sắc, tôn giáo, Ban quản trị các chùa, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh về nội dung của Chương trình; tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến trong thực hiện Chương trình.
Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tổ chức thực hiện Dự án 1
UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá, đào tạo tập huấn tổ chức thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025, chỉ đạo các sở, ban ngành thực tốt công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình tại cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm kiểm tra, đôn đốc, theo dõi kịp thời phát hiện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, đồng thời báo cáo, đề xuất với Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện theo thẩm quyền.
Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh đã tổ chức 222 cuộc kiểm tra, giám sát (cấp tỉnh: 101 cuộc, cấp huyện: 121 cuộc). Qua công tác kiểm tra, nhìn chung các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện khá hiệu quả; quan tâm thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các nội dung, văn bản thực hiện Chương trình đến cộng đồng dân cư để nắm bắt cùng chung tay thực hiện. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện tại cơ sở vẫn tồn tại một số hạn chế, do đây là Chương trình lớn và mới triển khai thực hiện lần đầu; cán bộ làm công tác dân tộc tại cơ sở chưa được tham gia tập huấn đầy đủ nên chưa mạnh dạn triển khai; đồng thời, qua công tác kiểm tra cũng đã kịp thời phát hiện và hướng dẫn địa phương chấn chỉnh, khắc phục một số nội dung chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định.
Một số kết quả thực hiện Dự án 1
Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt hướng tới mục tiêu hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động trong công tác rà soát đối tượng thụ hưởng, tổng hợp nhu cầu đầu tư và hỗ trợ các hộ gia đình. Việc rà soát, lựa chọn đối tượng thụ hưởng được thực hiện đúng theo đúng quy trình được quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-UBDT, ngày 30/6/2022; Thông tư số 02/2023/TT-UBDT, ngày 21/8/2023 của Ủy ban Dân tộc, công khai, dân chủ từ cơ sở; đúng đối tượng, đúng định mức, không chồng chéo, có sự tham gia, ý kiến thống nhất của nhân dân tại thôn, bản nơi bình xét.
Tổng vốn năm 2022 được phân bổ là 86.020,557 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương là 64.298 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 50.920 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 13.378 triệu đồng); Ngân sách địa phương là 2.104,557 triệu đồng. Vốn tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội là: 19.618 triệu đồng.
Tổng vốn năm 2023 là 140.974,289 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương là 94.636 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 57.466 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 37.170 triệu đồng); Ngân sách địa phương: 8.278,289 triệu đồng. Vốn tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội là 38.060 triệu đồng.
Tính đến thời điểm 31/3/2024, tổng khối lượng thực hiện là 226.994,846 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch, giải ngân 214.942,598 triệu đồng, đạt 94,69% kế hoạch.
Về hỗ trợ đất ở: Hỗ trợ 318 hộ với tổng vốn 13.970,675 triệu đồng (ngân sách Trung ương: 12.811,981 triệu đồng, ngân sách địa phương: 1.158,694 triệu đồng). Đã giải ngân 10.912 triệu đồng.
Về hỗ trợ nhà ở: Hỗ trợ 1.951 hộ với tổng vốn 85.863,353 triệu đồng (ngân sách Trung ương: 78.295,525 triệu đồng, ngân sách địa phương: 7.567,828 triệu đồng). Đã giải ngân 84.388,212 triệu đồng.
Về hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề: Hỗ trợ đất sản xuất cho 230 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.705 hộ với tổng vốn 52.353,942 triệu đồng (ngân sách Trung ương: 51.978,732 triệu đồng, ngân sách địa phương: 375,21 triệu đồng). Đã giải ngân 46.045,491 triệu đồng.
Về hỗ trợ nước sinh hoạt: Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.283 hộ; xây dựng 04 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng vốn 17.128,876 triệu đồng (ngân sách Trung ương: 15.847,762 triệu đồng, ngân sách địa phương: 1.281,114 triệu đồng). Đã giải ngân 15.918,895 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cụ thể như tiến độ triển khai thực hiện Dự án 1 cũng như tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn là khá chậm, chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp; việc tìm kiếm quỹ đất để chuyển nhượng cho các đối tượng thụ hưởng, định mức hỗ trợ thấp phần lớn hộ nghèo không có khả năng đối ứng để mua đất ở và giá đất hiện nay tăng rất cao so với mức hỗ trợ; các hộ không đủ điều kiện tiếp cận để được nguồn vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP; việc lập thủ tục sang nhượng giữa hai bên liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng thụ hưởng chính sách (bên chuyển nhượng đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc đang thế chấp tại ngân hàng, việc giao đất có thu tiền thuế sử dụng đất), do đó ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian thực hiện và tiến độ giải ngân.
Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 1 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình thường xuyên, liên tục, chú trọng tuyên truyền về chiều sâu, mục đích, lợi ích thực sự của chính sách đối với người dân vùng dân tộc thiểu số nhằm khuyến khích tinh thần của người dân trong việc tham gia thực hiện Chương trình một cách có hiệu quả, đảm bảo mục tiêu đề ra. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cần chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung thuộc Dự án 1, đặc biệt là trong công tác phối hợp báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn định kỳ theo yêu cầu. Trăng cường đào tạo năng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.
Bảo Anh