|
Sơn La sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ DTTS (Nguồn: baodantoc.vn)
|
Trong những năm qua, các chính sách dân tộc được triển khai, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời, đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả nguồn vốn được giao theo quy định, với sự lãnh đạo, chỉ đạo hết sức tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La, vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Sơn La có sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và góp phần nâng cao đời sống của người dân ở địa phương nói riêng. Đồng thời, phát huy vai trò, tính chủ động, tham gia thực hiện của chính quyền địa phương, sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng và Nhân dân.
Từ nguồn vốn của Chương trình, tỉnh Sơn La kịp thời tháo gỡ khó khăn những yêu cầu cấp thiết về điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng... vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt 21,68 triệu đồng/người. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, hiện còn 14,17%; có 3 huyện được công nhận thoát nghèo; 10/12 huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xoá nhà tạm, nhà dột nát; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư (vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới), hộ DTTS còn du canh, du cư tại 17 điểm, với 956 hộ đồng bào DTTS của 8 huyện; xây dựng 5 công trình giao thông liên xã chưa được cứng hóa, 8 công trình chợ; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS sống ở vùng khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế; 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 97,5% số xã và 78,4% số bản có đường ô tô đến trung tâm; 97,5% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 179 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho 20.722 lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho 3.107 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho 30 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Đối với việc triển khai thực hiện Dự án 1 (giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt), tỉnh đã hỗ trợ giải quyết: đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào DTTS, nước sinh hoạt phân tán cho 6.162 hộ; xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung.
Theo báo cáo ngày 16/9/2024 của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023, tổng kế hoạch vốn: 2.813.057 triệu đồng (ngân sách Trung ương: 2.522.476 triệu đồng; ngân sách địa phương: 51.840 triệu đồng; Vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH): 238.741 triệu đồng).Tỉnh đã giải ngân đến hết ngày 31/01/2024: 1.568.484 triệu đồng (ngân sách Trung ương: 1.525.881 triệu đồng triệu đồng; ngân sách địa phương 17.574 triệu đồng; vốn vay NHCSXH: 25.029 triệu đồng), đạt 55,76% kế hoạch.
Vốn chuyển nguồn sang năm 2024, với tổng kế hoạch vốn là 890.928 triệu đồng (ngân sách Trung ương 871.878 triệu đồng; ngân sách địa phương 19.050 triệu đồng). Tỉnh đã giải ngân đến hết ngày 31/8/2024: 49.263 triệu đồng, đạt 5,55% kế hoạch (ngân sách Trung ương 49.263 triệu đồng, đạt 5,65% kế hoạch; ngân sách địa phương 213 triệu đồng, đạt 1,12% kế hoạch).
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn là 2.169.360 triệu đồng (vốn đầu tư 872.299 triệu đồng; vốn sự nghiệp 613.430 triệu đồng; vốn vay 571.697 triệu đồng; vốn khác 78.851 triệu đồng; vốn địa phương 59.055 triệu đồng). Trong đó, vốn đã phân bổ: 1.477.598 triệu đồng (vốn đầu tư 872.299 triệu đồng; vốn sự nghiệp 578.692 triệu đồng; vốn địa phương 26.607 triệu đồng).
Trong 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã giải ngân: 530.373 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 512.243 triệu đồng, đạt 35,30% gồm vốn đầu tư 483.367 triệu đồng, vốn sự nghiệp 28.876 triệu đồng; ngân sách địa phương là 18.130 triệu đồng, đạt 68,14%), đạt 35,89% kế hoạch.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Sơn La vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc như:Đối với nội dung hỗ trợ đất ở các huyện khó thực hiện được do các xã không có quỹ đất ở để cấp cho các hộ; các đối tượng đều là hộ nghèo điều kiện kinh tế khó khăn không có tiền để làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Một số hộ đang ở trên đất nương, đất vườn không thuộc quy hoạch đất thổ cư, nên không thể thực hiện chính sách hỗ trợ về đất ở. Hiện nay, các huyện đang tiếp tục rà soát quỹ đất để thực hiện hỗ trợ.
Đối với nội dung hỗ trợ đất sản xuất: đến nay các huyện không thực hiện được, do hiện nay các xã không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ cho các hộ nghèo nên không thực hiện được giải ngân vốn đã giao, nếu có quỹ đất sản xuất nhưng phải khai hoang, phục hoá, cải tạo để giao đất hỗ trợ cho các hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất theo quy định của pháp luật về Luật Đất đai...
Tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình còn chậm; tỷ lệ giải ngân ở mức thấp (nhất là nguồn vốn sự nghiệp); nhiều dự án đầu tư không được thực hiện hoặc chậm tiến độ. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nhất là kịp thời điều chỉnh nguồn vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung thông tin dự án và điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 4 và Tiểu Dự án 2, Dự án 10 trên địa bàn theo Nghị quyết số 325/NQ-HĐND ngày 16/5/2024 của HĐND tỉnh Sơn La, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư thuộc Chương trình của tỉnh Sơn La từ tháng 5/2024 đến nay.
Quyết tâm hoàn thành giải ngân vốn Chương trình, ngày 02/10/2024 HĐND tỉnh Sơn La ban hành Nghị quyết số 379/NQ-HĐND để điều chỉnh, thu hồi 91,578 tỷ đồng thuộc Chương trình đã giao cho các địa phương. Trong đó, điều chỉnh, thu hồi 4,819 tỷ đồng đã giao cho các dự án thuộc Tiểu Dự án 1, Dự án 4 do giảm quy mô, không sử dụng hết vốn Trung ương hỗ trợ; điều chỉnh, giảm 20,640 tỷ đồng đã giao cho huyện Thuận Châu thực hiện 2 dự án thuộc Tiểu Dự án 1, Dự án 4. Cùng với đó, điều chỉnh vốn đầu tư công Chương trình được chuyển nguồn từ năm 2022, 2023 sang thực hiện năm 2024. Theo đó, tỉnh điều chỉnh giảm 5.047,290 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện Dự án 1 đã giao cho các huyện: Mai Sơn, Mộc Châu, Vân Hồ và Dự án 2 đã giao cho các huyện: Vân Hồ, Quỳnh Nhai; Tiểu Dự án 1, Dự án 5 đã giao cho huyện Thuận Châu; Tiểu Dự án 1, Dự án 9 đã giao cho huyện Quỳnh Nhai. Số vốn thu hồi phân bổ thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 4 cho các huyện: Mai Sơn, Mộc Châu, Thuận Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai và Dự án 6 (huyện Quỳnh Nhai).
Nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngày 04/3/2024, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024, nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được giao cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh; từng bước giảm số xã, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tiếp tục giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (trong đó, năm 2024 thực hiện hỗ nhà ở 150 hộ; trợ đất ở 372 hộ; hỗ trợ đất sản xuất 36 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề 2.660 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 4.964 hộ, nước sinh hoạt); giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh 3%... Phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo từ 4-5%; có ít nhất 01 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4 - 5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn và giảm 52 bản đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào dân tộc đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong thời gian tới, tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Chương trình trên địa bàn; tập trung ưu tiên và lồng ghép các nguồn vốn khác để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong thực hiện các chương trình; sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát; thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra, giám sát trong thực hiện Chương trình tại cơ sở...
Diễm Hồng