|
Cây cà phê đem lại lợi ích kinh tế cao |
Hiện nay, đời sống nhân dân tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực DTTS và miền núi vùng Tây Nguyên còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo bình quân của vùng là hơn 8,6% (cao hơn tỉ lệ bình quân của cả nước là 5,2%); tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới bình quân của vùng đạt khoảng 52% (thấp hơn bình quân chung của cả nước khoảng 72%); thu ngân sách còn hạn chế. Vì vậy, Tây Nguyên rất cần sự hỗ trợ nhiều từ ngân sách Trung ương.
Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra trong Dự án 3 về “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình), các tỉnh vùng Tây Nguyên tập trung triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách tôn giáo, dân tộc, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS phù hợp với đặc điểm tình hình ở địa bàn, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị tại địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi vùng Tây Nguyên. Vì vậy, việc triển khai thực hiện tốt, hiệu quả Chương trình là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân các tỉnh Tây Nguyên. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho khu vực này. Trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển cho 5 tỉnh Tây Nguyên là 11.731,505 tỷ đồng, chiếm 11,73% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.
Địa hình của Tây Nguyên đa phần là đồi núi, cao nguyên có độ cao từ 500-1.500m so với mực nước biển, lợi thế đất đỏ ba-zan trù phú (khoảng 1 triệu ha), đất đỏ vàng với độ tơi, xốp cao (khoảng 1,8 triệu ha), hơn 3 triệu ha rừng (chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước), cùng với đó là khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và nước rất tốt, là vùng đất rất thích hợp để phát triển trồng cây cà phê, cho năng suất và chất lượng rất tốt, đem lại nguồn sinh kế cao cho người dân Tây Nguyên.
Vùng Tây Nguyên phát triển cà phê theo hướng bền vững ở cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, cà phê chất lượng cao được xem là trụ cột dẫn dắt, định hướng thị trường, nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của vùng trong những giai đoạn tiếp theo.
Để làm được điều này, các tỉnh Tây Nguyên đang dần thay đổi cách thức sản xuất cà phê theo phương pháp truyền thống sang sản xuất cà phê theo phương pháp hữu cơ (sản xuất sạch) giúp nâng cao chất lượng, giảm phân hóa học, thuốc trừ sâu, nâng cao tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ và tiết kiệm nước tưới, tăng thảm phủ theo hướng bền vững bảo vệ tài nguyên đất và nước, giảm phát thải đáp ứng tiêu chí tăng trưởng xanh và bền vững. Việc thực hành lối canh tác sản xuất sạch theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc liên kết theo chuỗi giá trị, trên cơ sở hình thành các hợp tác xã (HTX) trong chuỗi ngành hàng cà phê gắn với các chương trình dự án, như chương trình cà phê cảnh quan; đề án cà phê chất lượng cao; đề án cà phê đặc sản... đã và đang mang lại nhiều giá trị vượt trội của sản phẩm cà phê. Đó là, đạt chuẩn chứng nhận toàn cầu, phục vụ xuất khẩu, bảo vệ sức khoẻ và thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của các tỉnh trong vùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, HTX và doanh nghiệp trong những giai đoạn tiếp theo.
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2022, diện tích cà phê của cả nước lên đến 710.590 ha, riêng khu vực Tây Nguyên đã có 639.000 ha (chiếm 89,90% diện tích cà phê cả nước), cung cấp 1,77 triệu tấn cà phê (xếp hạng thứ 2 sau Brazil) và đạt năng suất bình quân 2.493 kg/ha (vẫn đạt thứ nhất trên thế giới), tổng kim ngạch mang về cho đất nước là 4 tỷ USD. Trong 5 tỉnh Tây Nguyên trồng cà phê, Đắk Lắk và Lâm Đồng có diện tích trồng cà phê lớn nhất và cho sản lượng lớn nhất.
Đắk Lắk được coi là “thủ phủ của Tây Nguyên”. Tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất nước, với diện tích 213.000 ha cà phê (chiếm trên 30% diện tích cả nước), sản lượng đạt khoảng 558.000 tấn, năng suất bình quân đạt 28 tạ/ha. Năm 2022, tổng diện tích cà phê áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận là 45.674 ha, chiếm khoảng 22,12% diện tích cà phê toàn tỉnh. Trong đó, chứng nhận UTZ với tổng số nông hộ tham gia là 11.296 nông hộ, diện tích là 13.713 ha và sản lượng 49.979 tấn; chứng nhận 4C với tổng diện tích là 26.091 ha, sản lượng 94.357 tấn với 18.450 nông hộ tham gia; chứng nhận RFA với diện tích 5.123 ha và 2.771 nông hộ tham gia với tổng sản lượng đăng ký 12.719 tấn; chứng nhận Fairtrade có tổng diện tích 747,2 ha, 447 nông hộ tham gia với tổng sản lượng đăng ký 3.255,9 tấn. Đến nay, cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 80 thị trường trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 900 triệu USD, chiếm trên 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Ngành sản xuất cà phê tại Đắk Lắk đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây cà phê. Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn là nông hộ với 85%, số còn lại do công ty và HTX quản lý đã hình thành vùng chuyên canh. Có khoảng 20% hộ dân sản xuất cà phê có chứng nhận UTZ, RA, FLO và cà phê đặc sản, với quy mô diện tích khoảng 66.000 ha chiếm trên 30% diện tích và 223.000 tấn, chiếm 40% về sản lượng.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Lâm Đồng trở thành “điểm sáng” về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, là khu vực năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn. Lâm Đồng là tỉnh sản xuất cà phê cho năng suất 33,1 tạ/ha, cao hơn 17,1% so với tổng trung bình năng suất của 5 tỉnh Tây Nguyên, cũng như cả nước. Năm 2022, tỉnh tiếp tục có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 14,18%, đứng thứ 7 cả nước, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
Ở xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) có một xã thuần nông (vùng cao nguyên), đồng bào dân tộc bản địa chiếm trên 50% dân số, sống bằng nghề canh tác cà phê là chủ lực. Trước đây, hầu hết người dân ở Đinh Trang Hoà thường phát triển cây cà phê theo phương pháp truyền thống (lạm dụng phân hóa học, sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật để cây cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao). Điều này gây nên hệ lụy mất cân bằng hệ sinh thái cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cà phê. Sớm nhận ra đây không phải là phương pháp canh tác bền vững, một nhóm với tên gọi “Oh mi KoHo coffee” (gồm 7 thành viên là chị em người dân tộc K’Ho), 5 năm trước đã lập ra mô hình liên kết sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ với diện tích vùng nguyên liệu trên 5,5 ha và hiện tại đã phát triển lên mô hình tổ hợp tác. Tôn chỉ, định hướng sản xuất cà phê của tổ hợp tác là phải mang 3 giá trị cốt lõi (giá trị chân thành, nguyên bản và tự nhiên) để giữ được hương vị đậm đà của dòng sản phẩm cà phê trên cao nguyên Di Linh. Đến nay sản phẩm cà phê hữu cơ, cà phê sạch của nhóm đã chính thức đưa ra thị trường và được đón nhận rộng rãi.
Các tỉnh vùng Tây Nguyên có được những kết quả trên là do có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương vào cuộc triển khai đồng bộ để tuyên truyền Chương trình, vận động Nhân dân thay đổi thói quen, cách làm; ban hành các quy trình kỹ thuật về canh tác, tái canh, chế biến, đồng thời hướng dẫn các địa phương áp dụng theo các tiêu chuẩn chứng nhận (Tùy theo điều kiện thực tiễn, mỗi địa phương sẽ chọn những quy trình phù hợp để áp dụng); tập trung cải tạo những vườn cây cà phê già cỗi; tập trung nhiều giải pháp chỉ đạo, thực hiện các nhóm dự án quan trọng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng; sự hỗ trợ của HTX, doanh nghiệp và sự cố gắng trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản cà phê của người dân Tây Nguyên ngày một nâng cao.
Diễm Hồng