Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ đất, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt Ảnh: thainguyen.gov.vn
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định 26/2023/QĐ-UBND quy định định mức đất sản xuất làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất trên địa bàn nhằm xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất trên địa bàn tỉnh để thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình). Theo đó, Quyết định được áp dụng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp. Hiện nay, Ủy ban nhân dân các huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang thống kê, rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách các hộ được thụ hưởng chính sách, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất cho người dân.
Nguồn vốn cùa tỉnh đầu tư Chương trình trong giai đoạn 2021 – 2025 là gần 2.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã giải ngân khoảng 850 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 200 hộ làm nhà ở, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 500 hộ, xây dựng 12 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ phát triển nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế cho đồng bào. Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên đã và đang xây dựng mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước. Năm 2024, số vốn đầu tư lên đến trên 645 tỷ đồng, hỗ trợ đất ở cho 27 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 153 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho trên 1.200 hộ, đầu tư xây dựng 9 công trình nước sinh hoạt tập trung...
Tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba khu tái định cư tập trung cho đồng bào DTTS tại Liên Phương (đảm bảo chỗ ở cho 35 hộ dân) và Bản Tèn (đảm bảo chỗ ở cho 30 hộ dân), xã Văn Lăng, huyện Đồng Hy; xã Thần Sa, huyện Võ Nhai (đảm bảo chỗ ở cho 84 hộ dân) sau những thiệt hại bởi cơn bão số 3. Cả ba dự án đều nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây được xem là một trong những chính sách đất đai vô cùng thiết thực dành cho đồng bào DTTS ở các địa bàn còn nhiều khó khăn, đang sinh sống tại những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh.
Để đồng bào DTTS và miền núi được tiếp cận và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt và đời sống, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch, hỗ trợ téc chứa nước cho hộ nghèo là người DTTS. Trong đó, ở giai đoạn từ năm 2021 - 2023, tỉnh đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 600 hộ dân với kinh phí gần 1,8 tỷ đồng và xây dựng 20 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn của Chương trình sẽ đầu tư tại tỉnh trên 92 tỷ đồng để hỗ trợ 35 công trình nước sinh hoạt tập trung với kinh phí trên 75 tỷ đồng, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 6.000 hộ với kinh phí hỗ trợ gần 18 tỷ đồng. Ở các bản vùng cao, miền núi có đông đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… sinh sống như Lân Đăm, Quang Sơn (Đồng Hỷ); Tân Lập, Phú Xuyên (Đại Từ)… nhờ được đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nên nguồn nước sạch hợp vệ sinh đã được đưa về tận hộ dân.
Ngoài ra, tỉnh đã nỗ lực huy động vốn từ ngân sách, vốn vay tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội và nhiều nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ đất ở cho 27 hộ nghèo, nhà ở cho 153 hộ nghèo, chuyển đổi nghề cho 962 hộ DTTS và dân tộc Kinh nghèo, cũng như hỗ trợ hơn 1.000 hộ DTTS về nước sinh hoạt. Qua đó, hỗ trợ giảm 2% hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi mỗi năm; 96% cộng đồng DTTS có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh; giải quyết vấn đề thiếu đất ở và đất sản xuất cơ bản cho cộng đồng.
Đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung. Ảnh: vietnamhoinhap.vn
Để giải quyết tình trạng thiếu đất canh tác, tỉnh không chỉ chú trọng vào việc nâng cao sản xuất, mà còn tạo ra sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, tỉnh thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn từ Chương trình để hỗ trợ bà con thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Tỉnh tiến hành các bước nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho 13 chuỗi tại Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa. Đồng thời, tỉnh tổ chức 81 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 2.614 người lao động; giải ngân 16 tỷ đồng vốn vay để phát triển kinh tế hộ và hỗ trợ 3,8 tỷ đồng để chuyển đổi nghề nghiệp cho đồng bào DTTS, tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực. Hiện có hơn 80% số sản phẩm OCOP toàn tỉnh là sản phẩm thuộc vùng DTTS và miền núi.
Tuy nhiên, do diện tích đất ở, đất sản xuất còn hạn hẹp, không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống thường ngày cũng như sản xuất của người dân. Cùng đó, việc thiếu hụt phương tiện sản xuất, thiếu thốn vốn và hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, kiến thức khoa học trong sản xuất càng khiến cho người dân gặp khó khăn hơn. Ngoài ra, các công trình cung cấp nước sạch và vật tư vẫn chưa được khai thác tối đa hiệu quả do những khó khăn trong việc quản lý và năng lực còn hạn chế.
Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình. Đồng thời, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao thực hiện Chương trình, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn giao; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, kết hợp nắm tình hình; chủ động phát hiện những vi phạm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc.
Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác dân tộc từ tỉnh tới cơ sở tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khắc phục những bất hợp lý, bất cập trong quản lý nhà nước và đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh thực hiện công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành theo thẩm quyền, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc ở các sở, ngành, địa phương. Trong đó, chú trọng thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề liên quan đến đời sống, lợi ích hợp pháp của đồng bào DTTS.
Minh Anh