|
Người dân bản Lao Chải 1 hiểu rõ việc phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với bản làng xanh, sạch, đẹp. (Ảnh ĐĂNG KHOA) |
Mảnh đất biên cương này không chỉ có lợi thế, tiềm năng về du lịch mạo hiểm, mà cách người dân làm du lịch cộng đồng cũng đáng học hỏi và ngưỡng mộ.
Chúng tôi đã di chuyển khoảng 21km từ thành phố Lai Châu đến bản Lao Chải 1, xã Khun Há, huyện Tam Đường, để cảm nhận rõ hơn không khí đất trời nơi đây khi hoa mận, hoa lê vẫn còn rực trắng ở độ cao 1.400m so với mực nước biển và cũng để tìm hiểu về một mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu ở Lai Châu.
Những sáng kiến vì người dân
May mắn là vào thời điểm chúng tôi đến, các học sinh lớp 1, lớp 2 của Trường phổ thông dân tộc bán trú Khun Há, điểm trường Lao Chải 1, đang giờ ra chơi. Nhìn các em nhảy dây, nô đùa náo nhiệt trên sân, trong khuôn viên của điểm trường có thể thấy một phần cuộc sống của người H’Mông hoa nơi đây.
Trường chỉ có hai lớp học sinh đi học đầy đủ mà không cần thầy, cô giáo đến nhà gọi. Các em không còn phải ở nhà hay lên nương rẫy, lên rừng để phụ giúp công việc cho bố mẹ, gia đình; thay vào đó là dành thời gian cho việc học.
Ngôi trường cũng gây ấn tượng bởi khuôn viên ngập tràn các loài hoa, những chậu cây được sắp xếp ngay ngắn thành hàng, lối đi rải sỏi, cỏ trồng hai bên đã tạo không gian mát mẻ, gần gũi của thầy, cô giáo và học trò vùng cao.
Việc thiết kế khuôn viên, trang trí cho điểm trường đều từ ý tưởng của đồng chí Bí thư Chi bộ bản Lao Chải 1, Cứ A Chu, và các lãnh đạo đoàn thể, chính quyền ở địa phương bởi trường đẹp sẽ giúp con em họ thích đến trường hơn; trường đẹp, khang trang sẽ giúp giữ chân những thầy giáo, cô giáo ở lại với Lao Chải 1 lâu hơn, cũng như giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà.
Sự quan tâm sâu sắc đó cũng cho thấy tư duy làm du lịch rất mới và gần gũi của lãnh đạo bản Lao Chải 1, đồng thời giải thích tại sao du lịch cộng đồng lại phát triển mạnh tại đây.
Bản có 43 hộ thì cả 43 hộ đều làm du lịch, nghĩa là tất cả người H’Mông hoa đều nhận thức được rằng, phát triển du lịch có thể mang lại cho họ thêm thu nhập bên cạnh việc trồng lúa, trồng thảo quả, chưa nói đến những lợi ích khác như bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa hay giữ gìn môi trường…
Thực tế thì đây là bài toán của lãnh đạo và người dân bản Lao Chải 1 trong một thời gian dài. Ban đầu, bản cũ ở trên núi cao, trước khi bản Lao Chải 1 chuyển xuống địa điểm hiện tại năm 2002.
Từ đó cho đến năm 2015, cuộc sống của người dân vẫn rất khó khăn bởi họ chưa biết làm gì để tăng thu nhập ngoài trồng lúa và trồng thảo quả. Mãi đến năm 2016, lãnh đạo bản mới suy nghĩ và quyết định chọn du lịch làm định hướng phát triển.
Thực ra, trong câu chuyện mà Bí thư Chi bộ Cứ A Chu kể cho chúng tôi, mọi việc đến cũng rất tình cờ. Đấy là ban đầu, tất cả bản thống nhất đưa gia súc, gia cầm ra nuôi ở bên ngoài bản, chấm dứt tình trạng gây mất vệ sinh và ô nhiễm trên các lối đi chung, quanh nhà ở.
Theo đồng chí Cứ A Chu, chưa biết có khách du lịch hay không, họ cứ xây dựng bản Lao Chải 1 cho đẹp, sạch sẽ cho chính cộng đồng mình hưởng thụ trước. Tất cả đều là vì sức khỏe của người dân, cảnh quan chung của bản, trước khi chính những điều này được khách du lịch chú ý, quan tâm đến.
Và thế là sau đó, mọi việc cứ đến tuần tự. Người dân tích cực sửa sang, trang trí nhà cửa, để tạo sự chú ý với khách du lịch, nhưng không hiện đại hóa, bê-tông hóa nhà, vật liệu sử dụng chỉ là cây, tre, quả trên rừng như hạt dẻ.
Nhờ đó, điều gây ấn tượng nhất cho bất cứ ai mỗi khi đặt chân vào bản là những chiếc cổng rất đẹp, rất ấn tượng của mỗi gia đình mà ở đó, chúng tôi có thể bắt gặp cá tính, phong cách của các chủ hộ.
Và trước mỗi cánh cổng đều có ghi tên chủ nhà cùng số điện thoại, không hẳn chỉ để khách du lịch ghi nhớ nếu họ có để quên vật dụng gì trong thời gian nghỉ ngơi và gọi lại như Cứ A Chu nói mà đúng hơn, đấy như tấm danh thiếp giới thiệu của mỗi chủ nhà nếu khách cần liên hệ đặt phòng hay ăn uống.
Chưa hết, một điều tạo nên khác biệt ở Lao Chải 1 là những chiếc thùng đựng rác có dòng chữ "Xin rác" rất dễ thương. Đó có thể là mô hình một chiếc túi thổ cẩm rất to treo bên đường, cũng có thể là mô hình một con ngựa thồ đeo hai thùng rác hai bên đứng trước cửa nhà...
Người dân bản Lao Chải 1 đã tự tạo ra một không gian sống lý tưởng cho cộng đồng dân cư của chính mình. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)
Thành công từ sự đồng thuận
Một cảm nhận chung ở Lao Chải 1 là không gian tại đây rất thoáng đãng, sạch sẽ, không có mùi gia súc, gia cầm, không có rác vứt bừa bãi. Chúng tôi đi trên những con đường bê-tông hay lát sỏi như thể đang đi bên trong một khu du lịch sinh thái nào đó chứ không phải là một bản của người H’Mông hoa.
Đây rõ ràng là kết quả của bảy năm thay đổi và cố gắng của Chi bộ bản Lao Chải 1 và 43 hộ với 247 nhân khẩu, chưa kể ba năm ngưng trệ các hoạt động du lịch vì đại dịch Covid-19.
Theo đồng chí Phong Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tam Đường, sở dĩ bản Lao Chải 1 phát triển mạnh về du lịch cộng đồng là nhờ sự đồng thuận rất cao trong người dân. Đã đành Chi bộ bản quyết liệt, đồng hành cùng người dân trong nhiều vấn đề, đơn giản như yêu cầu người dân quét dọn vệ sinh bản hằng tuần, nhưng nhiều bản tại Tam Đường hay các huyện khác cũng áp dụng mô hình tương tự đều không thành công.
Để có được sự đồng lòng làm du lịch ở Lao Chải 1, không thể không nhắc đến nỗ lực của Bí thư Cứ A Chu. Kinh nghiệm làm trưởng bản từ năm 2007 đến 2011 đã giúp anh gần người dân, hiểu được những vấn đề chung. Sau này, khi chuyển sang làm Bí thư Chi bộ bản từ năm 2011 đến nay và con cái cũng đã lớn, Cứ A Chu có nhiều thời gian hơn cho công việc của bản.
Đơn giản như việc giữ rừng. Diện tích rừng của bản Lao Chải 1 và Lao Chải 2 là 184ha, nhưng là Bí thư Chi bộ bản, Cứ A Chu phải giúp người dân hiểu rừng là gì, rừng có lợi gì cho họ.
Ở đây, do các hộ đều trồng thảo quả cho nên họ cần hiểu tầm quan trọng của giữ rừng bởi có giữ rừng thì cây tầng thấp như thảo quả mới có thể phát triển. Nếu được mùa, được giá, mỗi gia đình có thể có thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ trồng thảo quả mỗi năm.
Theo Cứ A Chu, để làm du lịch, Lao Chải 1 còn không ít khó khăn như: Bản chưa có các sản phẩm du lịch đặc trưng, nhân lực cho du lịch còn ít, vấn đề lớn nhất là tài chính nếu các hộ muốn mở homestay.
Bởi để mở homestay phải làm thêm phòng cho khách, lắp đặt trang thiết bị, thay đổi kết cấu nhà, trong khi muốn phát triển du lịch, gìn giữ bản sắc văn hóa của người H’Mông hoa, họ cũng cần giữ nguyên những nét nguyên bản của ngôi nhà mà cha ông để lại.
Và không phải hộ nào cũng có một địa thế đẹp như hộ ông Cứ A Lồng, với tầm nhìn núi, bản, có thể săn mây từ trên cao, để làm homestay. Thậm chí, đây là hộ duy nhất trong bản Lao Chải 1 có bể bơi, với thiết kế rất độc đáo, rất riêng của người H’Mông hoa.
Ít nhất thì có một thứ họ hoàn toàn có thể dựa vào bản thân là quảng bá du lịch, văn hóa của bản Lao Chải 1 thông qua đội văn nghệ gồm 20 người. Đội văn nghệ này thường xuyên biểu diễn ở huyện, tỉnh, rất được đánh giá cao về mặt trình diễn và thể hiện nội dung.
Thú vị là đội văn nghệ bản Lao Chải 1 cũng do Cứ A Chu nghĩ ra và thành lập. Bí thư Chi bộ bản sinh năm 1982 suy nghĩ, muốn làm du lịch, phục vụ khách du lịch tốt phải có đội văn nghệ, biểu diễn những ngày thứ bảy, chủ nhật, để thu hút khách nhiều hơn.
Nếu không phải là một người đau đáu với du lịch, muốn du lịch mang lại một cuộc sống ấm no hơn cho người dân bản, Cứ A Chu sẽ không bận rộn đến thế mỗi ngày. Hay anh sẽ không để đứa con đầu học Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc rồi về phục vụ đội văn nghệ của bản và đứa con thứ hai học hướng dẫn viên du lịch ở Sa Pa (Lào Cai).
Du lịch ở Tam Đường, ở Lai Châu nói chung và ở Lao Chải 1 nói riêng sẽ còn phát triển hơn nữa vì quyết tâm của cả hệ thống chính trị nơi đây nhưng cái được lớn nhất mà chúng tôi cảm nhận sau khi di chuyển quãng đường 21km chính là cách làm du lịch của người đồng bào dân tộc thiểu số, khi trước đây chỉ nghĩ họ quen với việc trồng lúa, trồng thảo quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Chính họ đang góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào giữ gìn môi trường Lao Chải 1, bảo tồn và phát huy các nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng mình thông qua những hoạt động du lịch.
Theo TRẦN TUẤN, MẠNH HÀO/Báo Nhân dân