Thanh Hóa tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả các chương trình, dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Mặt trận) - Tỉnh Thanh Hóa nằm ở vùng Bắc Trung Bộ của nước ta, với 11 huyện miền núi, là nơi tập trung sinh sống của 6 dân tộc gồm: Kinh, Mường, Thái, Mông, Dao, Khơ Mú… Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước với những định hướng đúng đắn và phát triển phù hợp với điều kiện địa lý của từng vùng, từng địa phương gắn với những chính sách thiết thực, hiệu quả, đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Từ những quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trong đó có nhiều chương trình, chính sách, đề án đã được ban hành, triển khai thực hiện như: Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (giai đoạn I, sau này là Chương trình 135 giai đoạn II: từ 2009 - 2014, giai đoạn III: 2015 - 2020);

Quyết định số 168/QĐ-TTg; Quyết định số 186/QĐ-TTg, Quyết định số 173/QĐ-TTg; Chương trình giảm nghèo bền vững (nay là Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025); Chương trình xây dựng nông thôn mới (Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025) và nhiều chính sách khác;…

Trong đó, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025)… Để cụ thể hóa quan điểm trên, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng nhiều chương trình, dự án, đề án, chính sách hỗ trợ đồng bào, từ đó đã giúp cho tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng, diện mạo nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt.

 Một góc Pù Luông, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. ẢNH: NGUYỄN DŨNG

Một số đề án, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: Đề án giảm nghèo bền vững cho các huyện nghèo; Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 - 2020; Đề án phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông, tỉnh Thanh Hóa;...

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành trong tỉnh cũng chung tay giúp đỡ các huyện miền núi xây dựng các chương trình, đề án, dự án về hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường lớp học, cơ sở y tế, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm... Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai chương trình “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”; phong trào xây dựng nhà “Đại đoàn kết” với hàng nghìn căn nhà được xây dựng cho các hộ nghèo nơi biên giới, hải đảo...

Từ những chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đã giúp cho các huyện miền núi xứ Thanh xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Nhiều huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại gắn với ngành nghề nông thôn; xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, qua đó đã tạo động lực cho đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...

Ngoài các chương trình, dự án trên, tỉnh Thanh Hóa cũng đang đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I; từ năm 2021 - 2030) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025.

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đã ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo, các đơn vị cấp huyện và cấp xã đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện, cấp xã, tạo sự đồng thuận, thống nhất và phối hợp chặt chẽ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình giữa các cấp, các ngành, các đơn vị.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành ban hành các văn bản quản lý điều hành theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ để thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, tiến độ ban hành các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện chương trình thuộc trách nhiệm của tỉnh được thực hiện kịp thời, đảm bảo tiến độ đề ra. Tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đó, về tiến độ giải ngân, tổng vốn ngân sách Trung ương giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2021 - 2023 là: 1.154.375 triệu đồng, trong đó: Vốn thực hiện năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023 giải ngân là 89.406 triệu đồng, đạt 39,88% (vốn đầu tư: 64.233 triệu đồng, đạt 56,47%; vốn sự nghiệp: 25.173 triệu đồng, đạt 22,79%). Vốn thực hiện năm 2023, đã giải ngân 59.509 triệu đồng, đạt 9,36% kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết (vốn đầu tư: 55.232 triệu đồng, bằng 20,69%; vốn sự nghiệp: 4.277 triệu đồng, bằng 1,16%)…

Việc thực hiện các mục tiêu, đến nay các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra, cụ thể mục tiêu giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ tiêu giao giảm 3%/năm, kết quả năm 2022 đạt 5,88%, năm 2023 dự kiến đạt 4,5%. Các mục tiêu khác như: về hạ tầng giao thông, tỷ lệ số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, mục tiêu, chỉ tiêu về thông tin, truyền thông… đều đạt chỉ tiêu đề ra.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, tỉnh Thanh Hóa cũng còn gặp một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc dẫn đến phân bổ kế hoạch vốn của một số dự án của các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, tình hình triển khai, thực hiện, giải ngân vốn chậm so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt là thủ tục giải ngân, cơ chế hỗ trợ... của một số dự án, tiểu dự án cụ thể còn nhiều vướng mắc. Chính vì vậy, để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ, giao dự toán ngân sách Trung ương hàng năm theo Chương trình mục tiêu quốc gia; không giao chi tiết theo dự án thành phần, lĩnh vực sự nghiệp chi.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025), bổ sung đối tượng các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn được hỗ trợ có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng để chăn nuôi, phát triển sản xuất qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi xuất ưu đãi đặc biệt.

Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025) làm cơ sở, tiền đề để triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm hiệu quả, tinh gọn, dễ thực hiện cho giai đoạn tiếp theo. Có giải pháp hỗ trợ cho những đối tượng thuộc các xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 nay không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, nhằm bảo đảm các chế độ chính sách an sinh xã hội giúp đồng bào giảm bớt khó khăn, có điều kiện, cơ hội để vươn lên...

Có thể nói, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 ra đời mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số cả nước nói chung và đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nói riêng, đây là chương trình lớn hợp “ý Đảng, lòng Dân”, được sự quan tâm, ủng hộ của cả hệ thống chính trị.

Vì vậy, để tiếp tục tạo động lực cho đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên, giúp đồng bào ổn định đời sống, sinh hoạt, đẩy mạnh sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; đầu tư phát triển, hướng đến phát triển bền vững; góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố khối đoàn kết dân tộc, nhân lên niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng miền núi, biên giới của Tổ quốc.

Trong thời gian tới, các bộ, ban, ngành Trung ương và các sở, ban, ngành, các cấp trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa, tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án nói chung, trong đó đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025) theo tinh thần của Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

NGUYỄN THỊ DIỆP -  Viện Kinh tế - xã hội vùng dân tộc

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều