Thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình), trong đó có Dự án 1 hướng tới giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Thực hiện tốt chính sách về đất đai giúp đồng bào an cư lạc nghiệp, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. (Nguồn: baodantoc.vn)

Chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc

Luật Đất đai năm 2024 cụ thể hóa chính sách pháp luật về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số: Luật Đất đai 2024 đã quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số theo quy định tại khoản 2 Điều 16 đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất  theo quy định nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện.

Thông tư 22/2023/TT-UBDT (ngày 21/8/2023) với những chính sách hỗ trợ đất đai đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Theo đó, những đối tượng được hỗ trợ đất sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm: Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp chưa có đất sản xuất, có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất thì được chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất; Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp chưa có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của từng địa phương, có nhu cầu chuyển đổi nghề hoặc có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất nhưng không bố trí được đất sản xuất thì được xem xét, hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Về hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất: a) Trường hợp địa phương còn quỹ đất có khả năng sản xuất mà không cần phải thực hiện khai hoang, phục hóa, cải tạo đất, UBND cấp huyện căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thực hiện giao đất sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất theo quy định của pháp luật về đất đai. b) Trường hợp địa phương còn quỹ đất sản xuất nhưng phải khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để có khả năng sản xuất, UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức lập và thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để giao đất sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách chưa có đất sản xuất theo quy định của pháp luật về đất đai. Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg. c) Các hộ thuộc đối tượng hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này nhưng chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, có nhu cầu vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất thì được xem xét vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP và không được hỗ trợ chuyển đổi nghề. d) UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện bố trí ngân sách địa phương và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ được hỗ trợ đất sản xuất theo quy định.

Về hỗ trợ chuyển đổi nghề: a) Các hộ thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư này được xem xét, hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh khác hoặc hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề và được vay vốn tín dụng theo quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. b) Căn cứ danh sách các hộ dân được hỗ trợ chuyển đổi nghề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, danh sách các hộ dân đăng ký phương thức hỗ trợ (bằng tiền, hiện vật hoặc học nghề), UBND cấp xã tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện gửi cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện quyết định mức hỗ trợ cho từng hộ dân (mỗi hộ chỉ được hỗ trợ 01 lần).

Trường hợp các hộ dân nhận hỗ trợ bằng tiền, UBND cấp xã hướng dẫn các hộ dân tự mua sắm nông cụ, máy móc, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh khác theo nhu cầu đã đăng ký và thực hiện thanh quyết toán theo quy định. Trường hợp các hộ đăng ký nhận hỗ trợ bằng hiện vật, UBND cấp huyện căn cứ nhu cầu, chỉ đạo đơn vị chuyên môn hoặc UBND cấp xã tổ chức mua sắm theo quy định của pháp luật và thực hiện cấp phát cho các hộ dân. Trường hợp các hộ đăng ký học nghề, UBND cấp huyện tổng hợp, giao đơn vị chuyên môn phối hợp với các cơ sở đào tạo hỗ trợ đào tạo nghề cho các hộ dân theo quy định.

Các tỉnh tích cực ban hành các văn bản thực hiện

Thời gian qua, thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các tỉnh đã ban hành nghị quyết, quyết định chi tiết việc hỗ trợ đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Thực hiện trách nhiệm giao đất, cho thuê đất theo chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 26/4/2024 ban hành Danh mục Quyết định của UBND tỉnh Lạng Sơn quy định chi tiết các nội dung được Luật Đất đai giao trong đó có Quyết định về diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Thường Trực HĐND tỉnh đã ban hành Quyết định 453/QĐ-HĐND ngày 10/5/2024 ban hành Danh mục Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chi tiết nội dung được Luật Đất đai giao trong đó có Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Việc xây dựng các văn bản này được khẩn trương tiến hành triển khai để đảm bảo thực hiện theo đúng tiến độ chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, trên cơ sở đó đảm bảo thực hiện kịp thời các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Để đẩy mạnh hiệu quả thực hiện Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngày 6/9/2024, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết 10/2024/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh. Trong đó quy định hỗ trợ về đất sinh hoạt cộng đồng, đất ở, đất nông nghiệp, thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở. đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất sinh hoạt cộng đồng sẽ được UBND cấp huyện bố trí quỹ đất sinh hoạt cộng đồng bảo đảm diện tích tối thiểu là 300 m2. Đối với hỗ trợ đất ở, trường hợp cá nhân không có đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở trong hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND tỉnh và được miễn tiền sử dụng đất. Trường hợp cá nhân đã được giao đất ở theo quy định nhưng nay không còn đất ở hoặc thiếu đất ở so với hạn mức thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Về hỗ trợ đất nông nghiệp, trường hợp cá nhân không có đất nông nghiệp thì được hỗ trợ giao đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của UBND tỉnh không thu tiền sử dụng đất. Trường hợp cá nhân đã được Nhà nước giao đất theo quy định nhưng nay không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của UBND tỉnh thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, đồng bào dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở để sản xuất, kinh doanh và được giảm 50% tiền thuê đất.

Có thể thấy, việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua việc ban hành Nghị quyết, Quyết định quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống trên địa bàn các tỉnh có ý nghĩa quan trọng. Đó không chỉ đảm bảo yêu cầu về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật mà còn thống nhất trong quá trình thực hiện các dự án của Chương trình, đảm bảo đúng mục tiêu và yêu cầu đề ra.

Đỗ Thụy

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều