Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên

(Mặt trận) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (Chương trình) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc ổn định và phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các địa phương.
Những đổi thay ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa (Nguồn: baoxaydung.com.vn)
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên (phần lớn khu vực là miền núi, điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp, bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, sinh kế còn nhiều khó khăn) gồm 445 xã khu vực I, 66 xã khu vực II và 476 xã khu vực III, với 3.243 thôn đặc biệt khó khăn, chiếm 24.53% tổng số thôn đặc biệt khó khăn, vùng DTTS và miền núi của cả nước. Dân số khu vực này trên 21 triệu người, trong đó có hơn 3,6 triệu người thuộc 53 DTTS (chiếm khoảng 17% dân số toàn khu vực).  

Theo kế hoạch, cả giai đoạn 2021 - 2025, nguồn lực dự kiến để các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên triển khai thực hiện Chương trình là: 22.564.237 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đầu tư hỗ trợ là 20.529.413 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 11.120.773 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 9.408.639 triệu đồng); vốn ngân sách địa phương: 1.707.723 triệu đồng, đạt 7,67% (vốn đầu tư phát triển: 1.052.544 triệu đồng, đạt 8,64%; vốn sự nghiệp: 655.179 triệu đồng, đạt 6,51%); vốn huy động hợp pháp khác: 327.102 triệu đồng. Đến hết tháng 10/2024, 100% các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên được giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đã cơ bản hoàn thành công tác phân bổ vốn năm 2024.

Tính đến ngày 30/9/2024, kết quả thực hiện đã giải ngân Chương trình trong khu vực là 12.933,999 tỷ đồng, đạt 60,6% kế hoạch (trong đó, vốn đầu tư: 8.560,613 tỷ đồng, đạt 74,3%; vốn sự nghiệp: 4.373,386 tỷ đồng, đạt 44,5%), cao hơn gần 1,3 lần so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước hiện nay là 57,7%.

Trong khu vực, các tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân cao như: Ninh Thuận (76,5%), Khánh Hoà (76,3%), Bình Định (69,5%); các tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp gồm: Quảng Ngãi (49,2%), Đắk Lắk (51,9%), Quảng Bình (53,3%). Thu nhập bình quân của khu vực đạt 34,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần so với thu nhập bình quân vùng DTTS năm 2019 (khu vực miền Trung đạt 31,8 triệu đồng/người/năm, tăng 2,3 lần; khu vực Tây Nguyên đạt 38,9 triệu đồng/người/năm, tăng 2,8 lần).

Từ nguồn vốn của Chương trình, các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, đã tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS và miền núi, góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề; đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như kết nối đường giao thông, các công trình tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, sinh hoạt văn hoá...

Đến nay, kết quả thực hiện Chương trình của khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã hoàn thành một số chỉ tiêu như: tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào DTTS bình quân đạt 5,2%/năm (khu vực miền Trung đạt 5,3%/năm; khu vực Tây Nguyên đạt 5,1%, trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như: Thừa Thiên - Huế,  Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Nông...); tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt trung bình 88% (vượt so với mức 70% mục tiêu kế hoạch giao); tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 94,0% (vượt so với mục tiêu kế hoạch 80% giao)... 

Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu thể hiện trọng tâm ưu tiên xây dựng các chính sách, giải pháp thực hiện và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực của Chương trình. Điều này vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.

Bên cạnh nhóm các chỉ tiêu đã hoàn thành sớm, còn có nhóm các chỉ tiêu đã đạt tỷ lệ hoàn thành cao, dự báo sẽ sớm về đích mục tiêu theo kế hoạch như: tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt trung bình 98.9%; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt trung bình 88,3%; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố, đạt trung bình 98,4%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt trung bình 98,4%; tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trung bình 91,1%; tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình đạt trung bình 97,5%; tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe đài phát thanh đạt đạt trung bình 98,3%...   

Cùng với đó, việc triển khai Dự án 1 (giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) có tỷ lệ giải ngân tương đối tốt với tỷ lệ 62,0%. Cụ thể như sau:

Về hỗ trợ đất ở: đã hỗ trợ cho 1.524 hộ, đạt 31%. Dự kiến kết thúc giai đoạn hỗ trợ cho 3.649 hộ, đạt 75% (kế hoạch giao 4.858 hộ); Hỗ trợ nhà ở: đã hỗ trợ cho 14.312 hộ, đạt 234%. Dự kiến kết thúc giai đoạn hỗ trợ cho 20.874 hộ, đạt 341% (kế hoạch giao 6.123 hộ); Hỗ trợ đất sản xuất: đã hỗ trợ cho 2.189 hộ, đạt 16%. Dự kiến kết thúc giai đoạn hỗ trợ cho 3.417 hộ, đạt 25% (kế hoạch giao 13.588 hộ); Hỗ trợ chuyển đổi nghề: đã hỗ trợ 17.256 hộ, đạt 32%. Dự kiến kết thúc giai đoạn hỗ trợ cho 20.378 hộ, đạt 38% (kế hoạch giao 13.588 hộ); Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: đã hỗ trợ cho 44.796 hộ, đạt 63%. Dự kiến kết thúc giai đoạn sẽ hỗ trợ cho 63.009 hộ, đạt 89% (kế hoạch giao 70.699 hộ); Nội dung hỗ trợ xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung: hỗ trợ được 237 công trình với 15.087 hộ thụ hưởng. Dự kiến kết thúc giai đoạn sẽ hỗ trợ cho 291 công trình, đạt 141% (kế hoạch giao 207 hộ), với khoảng 16.030 hộ thụ hưởng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình gặp không ít khó khăn, thách thức: Khu vực miền Trung - Tây Nguyên mặc dù có tỷ lệ giải ngân chung cao hơn so với bình quân chung của cả nước nhưng tiến độ thực hiện và tỷ lệ giải ngân của các dự án có sự chênh lệch đáng kể. Trong đó có những dự án giải ngân rất thấp: Dự án 3 (29%) và Dự án 9 (32,8%). Cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện đã tác động không nhỏ đến tiến độ thực hiện, giải ngân của Chương trình như: công tác rà soát, xây dựng, ban hành một số nội dung quy định về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình và việc phân bổ vốn theo tinh thần Nghị quyết số 111/2024/QH15 của một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thời gian; nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình do đa số là các tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp, phần lớn phụ thuộc nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ; việc giải ngân vốn có nhiều chuyển biến; tuy nhiên kết quả giải ngân còn chưa được như mong muốn, nhất là nguồn vốn sự nghiệp…

Trong thời gian tới, các tỉnh trong khu vực cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội trong quán triệt, chấp hành, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật để thực hiện Chương trình; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá, giám sát để kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập khó khăn và sớm có giải pháp tháo gỡ; đồng thời tránh được những vi phạm để không gây ra hậu quả nghiêm trọng trong quá trình thực thi chính sách; tăng cường chỉ đạo, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; cần phải ưu tiên hàng đầu việc giải quyết sinh kế, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, thoát nghèo bền vững cho người dân; các địa phương cần phải tiếp tục rà soát hành lang pháp lý để điều chỉnh cho phù hợp; rà soát các dự án đã và đang làm, lựa chọn những dự án có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững để thực hiện đầu tư. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực tự thân thoát nghèo bền vững.

Phấn đấu trong giai đoạn 2026 - 2030 các tỉnh khu vực mìền Trung - Tây Nguyên có thu nhập bình quân đạt 1/2 bình quân cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới; xóa bỏ nhà ở tạm và duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 85%… Những mục tiêu này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào DTTS khu vực miền Trung - Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy vào sự phát triển toàn diện đất nước.

Diễm Hồng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều