|
Chăm lo sức khỏe đồng bào DTTS |
Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em là nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I (2021-2025). Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đó là những điều kiện căn bản phát triển bền vững y tế cơ sở, cải thiện sức khỏe của người DTTS về thể chất, tinh thần, tầm vóc và tuổi thọ. Tăng cường xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi để đồng bào DTTS được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.
Với vai trò giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tích cực tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã gắn việc tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với việc phổ biến quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, mỗi cán bộ Mặt trận ở cơ sở đã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo chung; tăng cường tổ chức tuyên truyền bằng tiếng DTTS về phòng, chống dịch Covid-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương; đồng thời phối hợp với Đài phát thanh - truyền hình của huyện tiếp sóng và phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng các thứ tiếng của đồng vào DTTS của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.
|
Tăng cường phòng chống dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi |
Trong những năm qua, ngành y tế Lai Châu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, nhất là với đồng bào DTTS. Cơ sở vật chất từ trung tâm y tế các huyện đến trạm y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang, trang thiết bị khám, chữa bệnh đồng bộ, nguồn nhân lực thường xuyên được đào tạo, củng cố. Qua đó, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao, thu hút nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở, góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên và giảm chí phí điều trị, đi lại cho bệnh nhân. Tại các huyện biên giới của Lai Châu như Mường Tè, Nậm Nhùn… hệ thống trạm y tế xã cũng được đầu tư khang trang, đầy đủ. Những năm qua, Lai Châu đã xây mới 20 trạm y tế; nâng cấp, sửa chữa 56 trạm và 6/8 trung tâm y tế huyện. Đội ngũ y tế địa phương được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, y đức.
Tích cực đẩy mạnh thực hiện chính sách về công tác dân tộc, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực cán bộ y tế, đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất cho tuyến huyện, các trạm y tế xã; đặc biệt ở các địa phương khó khăn, tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Qua đó, tạo điều kiện để đồng bào DTTS vùng cao có cơ hội được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị. Ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều đề án, chương trình nhằm đầu tư cho y tế cơ sở bằng các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, vốn từ ngân sách cơ bản đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh ban đầu, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho y tế cơ sở từ xây dựng trụ sở khang trang và trang bị các thiết bị y tế hiện đại. Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu được đầu tư xây mới đi vào hoạt động năm 2016, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải được cải tạo, nâng cấp năm 2018. Các trạm y tế xã cũng được cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới và đầu tư trang thiết bị. Gần đây nhất, tỉnh Yên Bái đã cho sửa chữa và xây mới 13 trạm y tế cấp xã của huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải. 100% trạm y tế xã tại 2 huyện này được đầu tư trang thiết bị y tế mới.
Mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào DTTS tiếp tục được củng cố, đáp ứng chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại chỗ. Trong đó, có 11 trạm y tế có bác sĩ tại chỗ; 04 trạm y tế có bác sĩ tăng cường từ Trung tâm Y tế huyện về Trạm công tác, 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản, nhi.
Chương trình y tế quốc gia ở vùng đồng bào DTTS được triển khai thực hiện đạt hiệu quả; đồng bào các dân tộc đã có ý thức trong việc khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh phòng dịch được duy trì, các loại dịch bệnh thông thường cơ bản được kiểm soát, không để xảy ra dịch bệnh; tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát qua các đợt bùng phát dịch; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch hết sức quyết liệt, đồng bộ, kịp thời. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tiếp tục được đẩy mạnh. Nhờ đó, ý thức của người dân và tinh thần trách nhiệm của các địa phương được cải thiện rõ rệt.
Bài, ảnh: Hoàng Nhung