Tại Điều 1, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Theo quy định nêu trên, thành viên của Mặt trận bao gồm: Thành viên là tổ chức bao gồm tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; Thành viên là cá nhân bao gồm những cá nhân tiêu biểu có ảnh hưởng, có sức thuyết phục, tập hợp được đông đảo lực lượng trong một giai cấp, một tầng lớp xã hội, một dân tộc, một tôn giáo, một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài...
Để thực hiện nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận bao gồm thành viên là tổ chức và thành viên là cá nhân người tiêu biểu. Vấn đề đặt ra là làm gì để phát huy được tốt nhất thành viên là cá nhân để tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân mà họ là đại diện, góp phần củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trải qua 90 năm hoạt động từ khi thành lập đến nay, nhận thức được vị trí, vai trò của người tiêu biểu, trải qua 9 kỳ Đại hội, Mặt trận đã hiệp thương được số lượng các cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở ngày một tăng và mở rộng hơn về quy mô. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn và phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân. Quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp nói chung, trong đó có việc giới thiệu lựa chọn cá nhân tiêu biểu nói riêng đã được coi trọng, tổ chức thực hiện công phu, dân chủ, có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên, sự giới thiệu của các Ủy viên Ủy ban đương nhiệm. Qua thực tiễn, các cá nhân tiêu biểu ở mỗi cấp đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ của một Ủy viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp mình. Mặt khác, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng đã quan tâm bồi dưỡng và phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Để tiếp tục phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu tham gia với tư cách là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Mặt trận các cấp từ Trung ương đến cơ sở cần chú trọng một số nội dung sau:
Thứ nhất, các cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp xuất phát từ tính chất và chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nét nổi bật là tính liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các thành viên, tổ chức và các cá nhân tiêu biểu mang tính nhân dân rộng rãi; tính dân tộc sâu sắc và tính xã hội đa dạng; là yêu cầu quan trọng của việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Thứ hai, vận dụng những quan điểm của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ để xác định tiêu chuẩn lựa chọn các cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp một cách phù hợp với từng đối tượng cá nhân tiêu biểu, từng nhiệm kỳ đại hội và mỗi cấp Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở. Để lựa chọn được cá nhân tiêu biểu phải lấy tiêu chuẩn chung của cán bộ nhằm đề ra tiêu chuẩn khác để lựa chọn các cá nhân tiêu biểu, nhưng mỗi đối tượng có những tiêu chuẩn lựa chọn khác nhau, cụ thể như: Tiêu chuẩn để lựa chọn các trí thức tiêu biểu sẽ khác với các nhân sĩ; tiêu chuẩn để lựa chọn người Việt Nam ở nước ngoài khác với các chức sắc tôn giáo và người tiêu biểu trong các dân tộc thiểu số. Sự khác nhau để lựa chọn thể hiện ở mức độ của các tiêu chuẩn lựa chọn nên khó có thể đề ra một tiêu chuẩn cụ thể chung cho các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài. Trên cơ sở tiêu chuẩn chung của người cán bộ, đối với các cá nhân tiêu biểu phải hết sức coi trọng tính tiêu biểu, tính đại diện, tính thiết thực, uy tín, ảnh hưởng xã hội, tác dụng lôi cuốn đối với cộng đồng mà họ là người đại diện, họ phải là người có nhiệt tình, tâm huyết với công tác Mặt trận. Các tiêu chuẩn làm căn cứ lựa chọn cũng nên hiểu một cách tương đối. Đối với một số cá nhân tiêu biểu là chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, do tuổi cao, sức yếu thì yêu cầu đối với tính thiết thực có mức độ, không thể ngang bằng với tiêu chuẩn của cá nhân tiêu biểu là trí thức, doanh nhân. Đối với cá nhân tiêu biểu đại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số thì chú ý đến tính tiêu biểu đại diện, còn trình độ về lý luận chính trị, học vấn, văn hóa, chuyên môn,… cũng có mức độ nhất định, nhất là đối với cá nhân tiêu biểu là người dân tộc ở cơ sở. Đối với các cá nhân tiêu biểu đại diện cho các tổ chức kinh tế và các thành phần kinh tế đòi hỏi phải am hiểu sâu sắc các quan điểm kinh tế của Đảng, có kiến thức về kinh tế thị trường và quản trị doanh nghiệp, có khả năng tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả.
Thứ ba, việc cơ cấu thành phần các cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phải được tiến hành theo một quy trình và sự phối hợp thống nhất chặt chẽ, làm tốt khâu phát hiện, giới thiệu và lựa chọn, đây là khâu đầu tiên có ý nghĩa quan trọng chất lượng của các cá nhân tiêu biểu tham Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Một cá nhân tiêu biểu phải có những phẩm chất và năng lực đặc thù, bảo đảm cho họ có thể giữ những vai trò và địa vị phù hợp trong cộng đồng và trong xã hội. Đó không chỉ là những thuộc tính nhân cách, những nét tính cách đặc thù của cá nhân, mà còn bao gồm cả những hoạt động của họ tác động tới cộng đồng tạo mối liên hệ đều đặn, thường xuyên và có hiệu quả giữa cá nhân tiêu biểu với cộng đồng, góp phần vào sự thành công của công tác Mặt trận. Trên cơ sở phát hiện, giới thiệu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức Đại hội phải tiến hành nhiều việc rất công phu để lựa chọn, lập danh sách chính thức đưa ra Đại hội hiệp thương, trong đó có những trường hợp phải có người có trách nhiệm phối hợp với Đảng ủy và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận cấp dưới trực tiếp, gặp gỡ, thuyết phục mời cá nhân tiêu biểu đó tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Trong quá trình phát hiện, giới thiệu, tuyển chọn và lấy danh sách chính thức các cá nhân tiêu biểu tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trình Đại hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức Đại hội cần có nhận thức đúng về người tiêu biểu để xây dựng kế hoạch nhân sự chu đáo, tỉ mỉ, làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy Đảng. Ngoài việc đề ra tiêu chuẩn của cá nhân người tham gia Ủy ban Mặt trận các cấp, cần phải chăm lo bồi dưỡng các cá nhân tiêu biểu.
Thứ tư, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đối với từng cá nhân tiêu biểu, như: Mở rộng diện đào tạo cán bộ trong hệ thống tổ chức Mặt trận, cùng với việc bồi dưỡng cán bộ Mặt trận chuyên trách cần phải coi trọng công tác bồi dưỡng các cá nhân tiêu biểu và cộng tác viên. Nội dung bồi dưỡng phải thiết thực phù hợp với yêu cầu trình độ đối với từng đối tượng cá nhân tiêu biểu. Coi trọng bồi dưỡng cả lý luận và thực tiễn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản gắn với nội dung bồi dưỡng năng lực hoạt động thực tiễn và phương pháp vận động, tuyên truyền cho cá nhân tiêu biểu ở từng cấp. Phương thức bồi dưỡng đa dạng, thích hợp với từng nhóm cá nhân tiêu biểu ở mỗi cấp Mặt trận.
Chú trọng đào tạo đội ngũ làm công tác Mặt trận và đoàn thể các cấp, trong đó có việc bồi dưỡng cho đội ngũ cá nhân tiêu biểu là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện cần thiết, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng; đề cương bài giảng tiến tới có giáo trình, xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức có trình độ, am hiểu sâu sắc về công tác Mặt trận. Thực hiện công tác bồi dưỡng, đào tạo trên cơ sở đảm bảo thông tin hai chiều, gắn lý luận với thực tiễn và ngược lại bằng các hoạt động đa dạng để các cá nhân tiêu biểu đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm vào công tác Mặt trận, đáp ứng hiệu quả việc bồi dưỡng và đào tạo có chất lượng cao.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết về tổ chức và hoạt động của Mặt trận cho các cá nhân tiêu biểu như: báo cáo hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, 1 năm. Các kế hoạch triển khai các phong trào, các cuộc vận động và kết quả thực hiện các phong trào, các cuộc vận động, các đề cương tuyên truyền, để cá nhân tiêu biểu cập nhật thông tin hoạt động của Mặt trận các cấp, có những tư vấn, hiến kế hiệu quả cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận ở mỗi cấp.
Thứ năm, ở mỗi cấp Mặt trận, cần lựa chọn các cá nhân tiêu biểu tham gia các tổ chức tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp để họ có cơ hội đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, tham gia giám sát, phản biện xã hội và những vấn đề quan trọng khác. Vận động một số cá nhân tiêu biểu làm tuyên truyền viên, báo cáo viên trong các đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhân dân mà trước hết là trong cộng đồng dân cư mà họ là người đại diện. Theo quy chế hoạt động tuyên truyền viên, báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Trung ương, đây là cơ sở quan trọng để phát huy, tôn vinh họ, làm cho họ không cảm thấy tham gia với tư cách Ủy viên Ủy ban Mặt trận một cách nhàm chán kiểu “Đánh trống ghi tên”. Định kỳ Mặt trận các cấp tổ chức các cuộc hội thảo khoa học và thực tiễn, các cuộc hội nghị, các cuộc họp mặt để trao đổi, thảo luận đề xuất các sáng kiến, kiến nghị về các vấn đề quan trọng của đất nước, của mỗi địa phương và cơ sở. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phân công giao nhiệm vụ cho một số cá nhân tiêu biểu tham dự một số hội nghị, hoạt động của Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Các cá nhân tiêu biểu thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham quan, khảo sát các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để báo cáo với Ban Thường trực ở mỗi cấp và có những tư vấn hiệu quả cho công tác Mặt trận.
Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận từng cấp có trách nhiệm yêu cầu các cá nhân tiêu biểu báo cáo hoạt động của mình tham gia công tác Mặt trận (mỗi năm có ít nhất 2 lần báo cáo bằng văn bản gửi Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp mình tham gia về kết quả hoạt động của mình trong việc thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trong năm). Đồng thời, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và đề xuất các sáng kiến, kiến nghị về việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc ở địa phương.
Thứ sáu, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, cùng cán bộ chuyên trách tăng cường các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc riêng với từng cá nhân tiêu biểu. Giữ mối liên hệ thường xuyên với các cá nhân tiêu biểu trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp với thái độ thân tình, tôn trọng và cởi mở. Trước hết phải hiểu sâu, nắm chắc từng cá nhân tiêu biểu về hoàn cảnh gia đình, tình hình sức khỏe và quá trình công tác, trình độ, năng lực, tâm tư nguyện vọng, khen thưởng, kỷ luật, những mặt mạnh và yếu điểm… của họ. Động viên khen thưởng kịp thời các cá nhân tiêu biểu trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận, nhất là những cá nhân tiêu biểu có những sáng kiến, đóng góp tích cực trong việc tập hợp, tuyên truyền, vận động xây dựng khối đại đoàn kết trong các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài.
Đỗ Thị Vân An
ThS, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, MTTQ Việt Nam