Khu đất gần 32,5ha ở Phước Kiển. Ảnh: Pháp luật TP. Hồ Chí Minh
Năm 2017, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) - một đơn vị trực thuộc Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã bán chỉ định hơn 30ha đất, tại Khu dân cư Phước Kiển cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG).
Đáng nói, mặc dù có diện tích lớn và nằm tại vị trí đẹp nhưng khu đất công này lại chỉ được chuyển nhượng cho doanh nghiệp tư nhân với giá rất “bèo bọt” là 1,29 triệu đồng/m2. Như vậy, ước tính tổng số tiền mà Công ty Tân Thuận thu về cho ngân sách nhà nước sau khi hoàn thành hợp đồng chuyển nhượng khu đất với diện tích khoảng 32,5ha với QCG là hơn 419 tỷ đồng.
Khu đất công này có vị trí đắc địa khi nằm ở một trong những khu vực đẹp nhất vùng Nam Sài Gòn. Đây là khu vực đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng, giá đất tại xã Phước Kiển dao động trong khoảng từ 8,5 - 10 triệu/m2, gấp rất nhiều lần giá trị chuyển nhượng mà Công ty Tân Thuận thỏa thuận với QCG.
Đối với khu đất công có diện tích gần 32,5ha, nhiều người dân và doanh nghiệp cho rằng, đây là khu đất có diện tích lớn, có thể đạt giá trị tối thiểu là 7,5 triệu/m2. Nếu như được bán cho doanh nghiệp tư nhân với giá 7,5 triệu/m2 thì khu đất này có thể có giá trị lên tới 2.437 tỷ đồng, gấp gần 6 lần số tiền mà QCG phải bỏ ra để “thâu tóm” khu đất này.
Được biết, Công ty Tân Thuận “rao bán” khu đất không qua đấu thầu. Điều kỳ lạ hơn là chỉ có QCG biết đến và nhanh chóng “nuốt” luôn miếng mồi béo bở này. Cuộc mua bán diễn ra âm thầm, nhanh chóng và đang có dấu hiệu “thổi bay” của nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng.
Đối với vụ việc, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho rằng việc Công ty Tân Thuận ký kết hợp đồng chuyển nhượng 30ha đất đã đền bù tại Khu dân cư Phước Kiển cho QCG với giá chỉ 1,29 triệu đồng/m2 không đúng theo Quyết định số 1087-QĐ/TU ngày 31/3/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH một thành viên thuộc Đảng bộ Thành phố.
Ngày 19/4, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP. Hồ Chí Minh khẩn trương tổ chức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật và quy định của Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu Thành ủy trong việc chuyển nhượng đất; làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm trách nhiệm của các cá nhân và tập thể có liên quan và báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh trước ngày 8/5/2018.
Lô đất rộng 17 nghìn m2 tại Hải Dương đang được phản ánh có nhiều dấu hiệu sai phạm khi phê duyệt và thẩm định giá khởi điểm để đấu giá.
Một vụ việc khác cũng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận cả nước là tại tỉnh Hải Dương, khu đất vàng rộng khoảng 1,7ha thuộc quy hoạch Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương bị đem đi đấu giá với giá trị “bèo bọt”.
Cụ thể, ngày 12/5/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 1485/QĐ-UBND phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất thuê 50 năm theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cả thời gian thuê để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp nhà hàng, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao thuộc quy hoạch Khu hành chính tập trung tỉnh Hải Dương.
Dư luận bức xúc và yêu cầu phải làm rõ những khuất tất khi Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt giá khởi điểm đấu giá đất chỉ bằng khoảng 30% giá khảo sát, bằng khoảng 60% giá theo bảng giá đất của UBND tỉnh ban hành năm 2014 và giá trúng đấu giá chỉ tăng 0,2% so với giá khởi điểm.
Có diện tích khoảng 17 nghìn m2, lô đất được đem gia đấu giá hình chữ nhật (chiều dài 200m, chiều rộng 85m) đã được giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, bốn mặt đều là đường trải bê tông nhựa.
Lô đất được đánh giá có vị trí đắc địa khi phía Bắc giáp đường Tôn Đức Thắng (200m), phía Nam giáp đường Hàm Nghi (200m), phía Đông giáp đường Thanh Niên (85m) và phía Tây giáp đường Nguyễn Đức Cảnh (85m).
Thoạt nhìn ban đầu, nguyên tắc xác định giá được UBND tỉnh Hải Dương đưa ra rất phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Đó là giá đất cụ thể từng vị trí của khu đất để tính tiền, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê phải đảm bảo phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất cùng vị trí, cùng mục đích sử dụng, cùng điều kiện hạ tầng đã chuyển nhượng hoặc thu nhập từ việc sử dụng đất những không thấp hơn mức giá quy định của đất cùng loại, cùng thời hạn, cùng vị trí quy định tại Bảng giá đất của UBND tại Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 20/12/2014.
Các bước quy trình xác định giá cũng đầy đủ từ phường, thành phố, sở chuyên ngành, hội nghị liên ngành rồi Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Hải Dương do Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Mặt khác còn bỏ ra hàng trăm triệu đồng thuê đơn vị thẩm định giá độc lập để có căn cứ so sánh, xác định…
Tỉnh Hải Dương chọn khảo sát giá thị trường theo đường Tôn Đức Thắng với đất ở vị trí 1 là 30 triệu đồng/1m2, vị trí 2 là 18 triệu đồng/1m2, và vị trí 3 là 12 triệu đồng/1m2. Do mục đích sử dụng đất cho thương mại dịch vụ nên giá khởi điểm cho đấu giá chỉ bằng 70% giá đất ở. Vì vậy giá khởi điểm cho đấu giá vị trí 1 chỉ còn 21 triệu đồng/1m2. Cách tính tương tự vị trí 2 và vị trí 3.
Nhưng thật kỳ lạ, không hiểu vì lý do gì mà tỉnh Hải Dương đã chọn cách tính tiếp khiến giá đất khởi điểm bị giảm sâu.
Giá khởi điểm 1m2 vị trí 1 = 21 triệu/m2 x 17%
|
12 tầng
|
x
|
50 năm
|
=
|
6,12 triệu đồng/m2
|
5 tầng
|
70 năm
|
Trong đó 17% là tỉ lệ diện tích xây dựng công trình so với tổng diện tích đất thuê. 12 tầng là chiều cao công trình được phép xây dựng với đất thương mại dịch vụ. 5 tầng là chiều cao công trình được xây dựng với đất ở. 70 năm là thời hạn của đất thương mại dịch vụ. 50 năm là thời gian thuê của dự án.
Ở đây, có hay không sự đánh tráo khái niệm giữa đấu giá đất đã giải phóng mặt bằng, hạ tầng hoàn chỉnh theo quy định của Luật Đất đai với đấu thầu dự án đầu tư khi chưa giải phóng mặt bằng theo Luật Đầu tư để hạ giá khởi điểm từ 21 triệu đồng/1m2 xuống còn 6,12 triệu đồng/1m2. Mặt khác, theo khoản 2 điều 3 Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính, thì việc x (50 năm : 70 năm) là áp dụng cho trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá. Không hiểu vì sao lại giả định rồi x (12 tầng : 5 tầng) để xác định giá khởi điểm đấu giá đất mà thực chất là bán đất có thời hạn thu tiền cho ngân sách.
Liên quan đến vụ việc, Công ty Cổ phần thẩm định ASIAN được thuê xác định giá của lô đất để làm căn cứ xác định giá khởi điểm phục vụ việc đấu giá quyền sử dụng lô đất 17 nghìn m2 thuê theo hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
Theo Chứng thư thẩm định giá đất số 77/CT-ĐG/ASIAN-2016 ngày 14/4/2016 của Công ty Cổ phần định giá ASIAN thời giá khởi điểm cho vị trí lô đất ở vị trí 1 là 7,35 triệu đồng/1m2 chỉ bằng khoảng 30% giá khảo sát của UBND phường Hải Tân và UBND thành phố Hải Dương; chỉ bằng khoảng 70% giá theo Bảng giá đất đối với đất thương mại dịch vụ do UBND tỉnh Hải Dương ban hành.
Đó là chưa kể vì sao đơn vị thẩm định giá lại đi khảo sát giá đất thương mại dịch vụ ở khu đô thị mới phía Tây thành phố Hải Dương để áp dụng cho lô đất của dự án trong Khu hành chính tập trung của tỉnh nằm ở khu đô thị mới phía Đông thành phố Hải Dương.
Nhiều chuyên gia cho rằng lấy đường Tôn Đức Thắng để xác định giá đất ở vị trí 1, tiếp theo là các vị trí 2, vị trí 3 cho toàn bộ lô đất là không phù hợp. Bởi lẽ phần lớn các vị trí 1 của các đường Thanh Niên, Hàm Nghi, Nguyễn Đức Cảnh lại bị tính vào vị trí 2 và vị trí 3 của đường Tôn Đức Thắng. Nếu tính đúng, tính đủ theo quy định thì giá khởi điểm cho đấu giá lô đất trên là gần 300 tỷ đồng chứ không phải 81,2 tỷ đồng như Hội đồng thẩm định giá tỉnh Hải Dương xác định.
Ai phải chịu trách nhiệm với tình trạng bán đất công giá bèo gây thất thoát tiền của Nhà nước, tạo cơ hội cho tư nhân trục lợi? Việc đem đất vàng đi bán đấu giá như thế có đúng, có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không? Chủ sở hữu trúng đấu giá khu đất này là ai mà có dễ dàng thâu tóm đất đai tại Hải Dương như vậy? Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ lãnh đạo nào của tỉnh Hải Dương đã “gật đầu” cho đem đấu giá khu đất với giá rẻ mạt đến khó tin và việc này có tiêu cực gì không? Nếu có thì phải khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.
Dư luận cho rằng, nếu để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản nhà nước, buông lỏng quản lý dẫn đến các sai phạm về đất đai, tài chính thì đầu tiên cần phải làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan, trong đó có vai trò quản lý, lãnh đạo của những người đứng đầu UBND tỉnh Hải Dương.
Chúng ta đang rất bức xúc về chuyện Phan Văn Anh Vũ ( tức Vũ “nhôm”) thâu tóm hàng loạt đất vàng ở Đà Nẵng với giá rẻ mạt và đã có mấy vị lãnh đạo ở địa phương này trong 2 nhiệm kỳ liền bị kỷ luật, khởi tố.
Trước đó, ngày 08/01/2018, tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công.
Câu chuyện xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh và Hải Dương nêu trên là hồi chuông cảnh báo cho nhiều địa phương khác trên cả nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần quan tâm hơn nữa đến đơn thư, thông tin người dân, báo chí phản ánh liên quan đến đất đai để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Đất đai giao cho chính quyền địa phương quản lý mà xảy ra những chuyện như thế sẽ khiến ngân sách nhà nước phải gánh chịu những khoản thiệt hại khổng lồ, còn người dân không hưởng lợi được gì. Nếu các vụ việc có dấu hiệu sai phạm về đất đai không được xử lý, không làm tới nơi, tới chốn, thì đó là minh chứng rõ ràng việc “trên nóng, dưới lạnh” và là biểu hiện coi thường pháp luật, kỷ cương, phép nước, coi thường công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí đang sục sôi như hiện nay.
(Mặt trận) - Mua bán, chuyển nhượng đất đai hợp pháp, đóng thuế và hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước… thế...
(Mặt trận) - Đất đai là vấn đề nóng, nhạy cảm tại nhiều địa phương. Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường,...
(Mặt trận) - Vụ việc bà Trần Thị Thanh, thường trú tại xã Phục Thiện, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương bị thu hồi...
Phan Anh Tuấn (t/h)