Văn phòng Chính phủ đề nghị giải quyết vụ việc doanh nghiệp “mắc cạn” tại dự án khu đô thị An Dương

(Mặt trận) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản chuyển đơn của Công ty TNHH Xây dựng IDC đến UBND thành phố Hà Nội để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

 Văn bản số 8523/VPCP-V.I ngày 14/8/2017 của Văn phòng Chính phủ gửi UBND thành phố Hà Nội.

Cụ thể, tại văn bản số 8523/VPCP-V.I ngày 14/8/2017 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: “Tạp chí Mặt trận thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có văn bản số 116/CV-TCMT ngày 25/7/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ chuyển kèm theo đơn của Công ty TNHH Xây dựng IDC, trụ sở tại số 30 ngõ 93 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội do ông Lê Quốc Khánh làm đại diện phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc giải quyết dứt điểm các tồn tại dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.

Thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chuyển đơn trên đến Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương được Tạp chí Mặt trận phản ánh.

Trước đó, ngày 07/8/2017, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trưởng giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương được Tạp chí Mặt trận phản ánh.

Theo đó, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản số 7452/VP-ĐT gửi các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc; UBND quận Tây Hồ; Công ty TNHH Xây dựng IDC, để truyền đạt ý kiến ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Liên quan đến việc giải quyết những vướng mắc trong triển khai Dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, UBND thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo: về biện pháp giải quyết, trách nhiệm thực hiện (số 04/TB-VP ngày 06/01/2016, số 923/UBND-TNMT ngày 18/02/2016, số 339/TB-UBND ngày 15/9/2016), về đôn đốc thực hiện (số 4307/VP-KT ngày 27/5/2016, số 5290/VP-KT ngày 28/6/2016, 3752/VP-ĐT ngày 26/4/2017).

Ông Nguyễn Thế Hùng yêu cầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc; UBND quận Tây Hồ khẩn trương triển khai phân công của UBND thành phố Hà Nội tại Thông báo số 339/TB-UBND ngày 15/9/2016 và các văn bản có liên quan; kiểm tra, hướng dẫn Công ty TNHH Xây dựng IDC hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục theo quy định; gửi kết quả triển khai về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề xuất, báo cáo UBND thành phố Hà Nội trong tháng 8/2017.

Ngoài ra, ông Hùng còn yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng IDC có trách nhiệm liên hệ với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc; UBND quận Tây Hồ để được hướng dẫn triển khai, hoàn thiện hồ sơ và thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được pháp luật quy định.

Trước đó, Tạp chí Mặt trận đã có loạt bài phản ánh vụ việc: Công ty TNHH Xây dựng IDC (Công ty IDC) - chủ đầu tư dự án khu đô thị An Dương đã phải hao phí số tiền ước tính hàng trăm tỷ đồng để san lấp hồ, giải phóng mặt bằng, hoàn thành một số hạng mục công trình… phục vụ dự án. Trong quá trình triển khai, Công ty IDC huy động hết mọi nguồn lực trong và ngoài Công ty, hoàn thiện đồ án quy hoạch khu đô thị mới kiểu mẫu, quy mô, bài bản, văn minh, hiện đại, mang tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, qua gần 30 năm thực hiện, đến nay, các cấp ngành của Hà Nội vẫn chậm trễ thanh toán nghĩa vụ tài chính và hoàn trả lại suất đầu tư khiến doanh nghiệp lâm cảnh lao đao, khốn cùng, hoạt động cầm chừng vì thiếu vốn kinh doanh, tái đầu tư sản xuất.

 

Sau gần 20 năm được phê duyệt, thay vì sự xuất hiện của một khu đô thị hiện đại, nhiều phần diện tích đất dự án đã bị “biến tướng” thành khu ổ chuột giữa lòng Thủ đô.

Không những thế, hậu quả của tình trạng “treo” dự án gần 20 năm là sự xuất hiện của các khu ổ chuột, xóm liều, xóm nhảy dù, xóm ma giữa lòng đô thị. Đây thường là nơi trú ngụ của nhiều thành phần bất hảo, nghiện ngập, hút chích từ các tỉnh dạt về Hà Nội kiếm sống bằng những công việc lao động chân tay không ổn định, gây mất an ninh trật tự, tạo ra “điểm đen” về tệ nạn xã hội. Để tiện cho mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, những người này không ngần ngại lấn chiếm đất công hồ An Dương dựng những căn nhà tồi tàn, nhếch nhác, tạm bợ, rộng chừng 10m2 được lợp bằng mái bờ rô xi măng, quây tôn nham nhở, chắp vá bằng những mảnh gỗ và vải bạt, cửa kính vỡ nát. Hình thành các bãi tập kết phế liệu, thu gom rác thải, đồng nát, bốc mùi hôi thối khó chịu.

Chưa hết, hơn 72 nóc nhà của 72 hộ dân đang cố thủ tại đây hiện đã xuống cấp trầm trọng, nhưng không thể sửa chữa, cải tạo, không được cấp “sổ đỏ” vì đây đều là các trường hợp nằm trên đất dự án nên họ đành chấp nhận sống trong cảnh bí bách, tù túng suốt hàng chục năm qua. Sức sống hiện diện yếu ớt từ vài khu nhà ở mà Công ty IDC đã thực hiện được một phần trước đây là không đủ để hồi sinh một dự án. Giờ đây, khu đô thị mới An Dương gần như trở thành “phế tích” hoang tàn.

Việc chậm trễ giải quyết các công việc của dự án suốt 20 năm qua đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho Công ty IDC và các cổ đông. Không thể chờ đợi thêm được nữa, Công ty IDC đã làm đơn cầu cứu lên Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đề nghị khẩn trương xem xét, triển khai giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến việc triển khai Dự án Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại khu vực hồ An Dương do Công ty IDC làm chủ đầu tư.

Qua nắm bắt nguồn tin báo chí phản ánh và thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, ngày 09/8/2017, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức trao đổi, làm việc với Công ty IDC. Tại buổi làm việc, Công ty IDC đề xuất lập bản vẽ tổng mặt bằng chỉnh trang trên tổng diện tích đất khoảng 5.108,08m2 bao gồm: phần đất có diện tích 4.080,08m2 Công ty đã sử dụng xây dựng công trình (3102,08m2), làm đường (978m2) và 1.100m2 đất trống xen kẹt  (trong phần đất 7.900m2 Công ty đã được giao bao gồm cả phần diện tích đất được thuê 512,66m2 – khu B) để xây dựng nhà ở. Phần còn lại gồm: 2.719,92m2 đất đã giao nhưng chưa giải phóng mặt bằng và toàn bộ phần đất chưa giao 6.070m2 (tổng là 8.789,92m2) đề nghị giao cho địa phương quản lý.

 Văn bản số 5482/QHKT-P2 ngày 19/8/2017 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội gửi UBND thành phố Hà Nội kiến nghị giải quyết những tồn tại vướng mắc của dự án. 

Trên cơ sở nguyện vọng của doanh nghiệp, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản số 5482/QHKT-P2 ngày 19/8/2017 kiến nghị UBND thành phố Hà Nội  chấp thuận về chủ trương cho phép Công ty IDC được sử dụng khoảng 1.100m2 đất trong xen kẹt (bao gồm cả phần diện tích đất thuê - khu B khoảng 512,66m2) nằm trong phần diện tích 7.900m2 Công ty đã được giao để xây dựng nhà ở theo hướng dẫn cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện có theo quy định (phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quốc Khánh - Giám đốc Công ty IDC tỏ ra khá vui mừng khi những đề xuất của doanh nghiệp dần được các cơ quan chức năng lắng nghe và vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, người đứng đầu doanh nghiệp đã ở độ tuổi ngoài 60 này không giấu nổi những lo lắng mà gần 30 năm qua ông đã phải đối mặt nhiều lần. “Chúng tôi đã mất tổng cộng gần 30 năm để “thai nghén” dự án. Và cũng từng đấy năm, chạy rốt ráo để làm hồ sơ, thủ tục. Có những thời điểm, doanh nghiệp phải trải qua nhiều phen điêu đứng, kiệt quệ. Đến giờ, chúng tôi thấy lại một chút “ánh sáng cuối đường hầm”, mong rằng, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Hà Nội quan tâm, xem xét, giải quyết nhanh chóng, thấu đáo mọi bề, để doanh nghiệp sớm vượt cơn bĩ cực, hoàn thành dự án. Bởi lẽ, càng kéo dài ngày nào, chi phí đội lên ngày đó, gây ra thiệt hại to lớn cho doanh nghiệp, cũng như ngân sách Nhà nước” ­- Ông Lê Quốc Khánh trần tình.

Ông Lê Quốc Khánh cũng đề nghị, Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội, cùng các Sở, ngành liên quan khẩn trương vào cuộc, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại của dự án, tạo cơ chế thông thoáng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án khu đô thị mới An Dương được triển khai nhanh chóng và hoàn thành theo tiến độ mới đã được chủ đầu tư đặt ra.

* Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động tháng 1/2017.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều