Không để mai một nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) - Văn hóa nghệ thuật, âm nhạc gắn liền với đời sống tinh thần cũng như tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đứng trước dòng chảy của âm nhạc hiện đại, các loại hình âm nhạc truyền thống cũng như nhạc cụ truyền thống của đồng bào DTTS đang đối mặt với nhiều khó khăn để duy trì và đứng vững.
Cần bảo tồn và phát huy nhạc cụ truyền thống đồng bào DTTS (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

Âm nhạc truyền thống của đồng bào thiểu số đã góp phần làm phong phú nền âm nhạc nước nhà, các DTTS có tư duy về nhạc cụ, giai điệu và cách thể hiện độc đáo, riêng biệt. Để những thanh âm này mãi ngân vang, ngoài việc các cơ quan nhà nước xây dựng các cơ chế, chính sách, đầu tư cho các dự án bảo tồn văn hóa DTTS thì chính đồng bào các dân tộc phải phát huy vai trò của mình thông qua việc duy trì và truyền bá các nhạc cụ truyền thống ở các hoạt động của bản làng, các chương trình, sân khấu nghệ thuật, các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, đồng thời truyền lại cho các thế hệ trẻ.

Các hoạt động bảo tồn nhạc cụ truyền thống của đồng bào DTTS đã được tiếp sức bởi dự án thuộc khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Cụ thể Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”. Trong Dự án này, nhạc cụ dân tộc là một nội dung được hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn và phát huy.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò phối hợp và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, giúp đỡ đồng bào giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Âm nhạc truyền thống DTTS mang những nét riêng độc đáo (Ảnh: Báo Dân tộc và Miền núi)

Nói đến nhạc truyền thống của đồng bào DTTS Khmer, người ta thường nghĩ đến nhạc ngũ âm. Đây là loại nhạc cụ độc đáo, thường được chơi trong các dịp lễ, Tết của đồng bào DTTS Khmer, như: Chol Chnam Thmay, Sene Dolta, Ok Om Book, Lễ dâng y hay trong các đám tiệc…

Dàn nhạc ngũ âm được tổng hợp từ 5 loại chất liệu, gồm: Đồng, sắt, gỗ, da và hơi tạo ra 5 âm sắc khác nhau. Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc ngũ âm truyền thống, gồm 9 loại: Kèn Srolay Pinn Peat (Bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (Bộ mộc); Rôneat Đek (Bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (Bộ đồng); Trống Samphô, Trống Skô Thum (Bộ da).

Nhạc ngũ âm có nguy cơ mai một do đồ đạc sử dụng quá cũ nên bị hư hỏng, muốn thay thế phải tốn nhiều chi phí. Còn việc học, đòi hỏi thời gian dài mới biết và chơi được hết các loại nhạc cụ. Tuy nhiên hiện nay, tại huyện miền núi Tri Tôn, có một  “nghệ nhân” âm thầm “truyền lửa” ngũ âm.

Những nỗ lực bảo lưu, duy trì loại hình nhạc ngũ âm của người Khmer là điều đáng được ghi nhận, biểu dương. Ông là Chau Chanh (80 tuổi), một trong những người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Núi Tô. Hơn 30 năm “truyền lửa” nhạc ngũ âm, ông Chau Chanh đã hướng dẫn cho nhiều lứa học trò có thể chơi thành thục loại nhạc cụ này. Thông qua các lớp học này, ông Chau Chanh mong muốn thể loại nhạc truyền thống của dân tộc sẽ tiếp tục được lưu truyền, phát triển. 

Đàn B'row, B'roat, cồng chiêng cùng với các làn điệu dân ca, hát ru là những nhạc cụ truyền thống, là nét văn hóa nổi bật đã tạo nên bản sắc riêng của người Hrê ở huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi. Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”., huyện Minh Long triển khai tổ chức 2 lớp truyền dạy dân ca dân tộc Hrê năm 2022, thu hút gần 100 học sinh là con em người dân tộc Hrê tham gia. Đồng thời duy trì lớp học ngôn ngữ Hrê dạy kết hợp với tiếng Việt cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên vùng sâu, vùng xa, bộ đội, công an.

Ngoài ra, các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ của các DTTS cũng đã được các nghệ nhân và các ban, ngành, địa phương chú trọng sưu tầm, bảo tồn, phát huy. Cùng với đó, huyện lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tu bổ, bảo tồn di tích và các hoạt động văn hóa... Đồng thời khôi phục làng nghề truyền thống; sưu tầm các nhạc cụ, công cụ, dụng cụ trong sản xuất, các vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày; chú trọng truyền bá, khơi dậy niềm đam mê văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ người dân tộc Hrê.

Thu Anh

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều