Bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai

(Mặt trận) - Ngày 16/8, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trao đổi về những nội dung cơ bản của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và kế hoạch lấy ý kiến phản biện xã hội đối với dự án Luật. Chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Tham dự Hội nghị có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị 
Báo cáo về Dự án luật đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới vào dự án Luật.

Để dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo tính đúng đắn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã gửi dự án Luật để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)…; đồng thời đăng lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến tổ chức, cá nhân, các đối tượng chịu tác động của dự án Luật.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị
“Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ đã chủ động rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong Luật này hoặc đề xuất sửa đổi các luật có liên quan nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, dự án Luật bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận khác có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật. Việc sửa đổi bổ sung các quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, phát luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai.

Thông tin thêm về bố cục, nội dung của dự án Luật, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, về cơ bản dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương (bổ sung thêm 1 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 2 chương). Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều, sửa đổi, bổ sung 153 điều, bổ sung mới 36 điều, bãi bỏ 8 điều.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã bám sát, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, nhiệm vụ giải pháp được nêu tại Nghị quyết 18-NQ/TW trong đó có những nội dung mới cơ bản về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cùng với đó Dự án Luật cũng đặt ra những nội dung mới về cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, giá đất; về hoàn thiện các quy định có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; về quản lý sử dụng đất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội nghị 
Về kế hoạch tổ chức phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, dự kiến Hội nghị sẽ được tổ chức trước ngày 15/9, trước phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình ra Quốc hội.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng thông tin thêm, trước khi tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức 2 buổi tọa đàm về một số vấn đề trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp và các thành viên, hội viên. Sau tọa đàm, các chuyên gia sẽ tiếp thu, hoàn thiện và làm sâu sắc hơn các chuyên đề để đưa ra Hội nghị phản biện.

 Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã dày công nghiên cứu, tiếp thu, bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai để tổ chức xây dựng và hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhắc tới nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW khi đề cập đến vai chủ thể của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia phản biện các quy định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và tham gia giám sát quá trình thực thi nội dung của Luật khi ban hành, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, Nghị quyết đã phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc tập hợp các thành phần, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo trong xã hội tham gia góp ý, xây dựng chính sách pháp luật; bảo đảm tính đúng đắn, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; bảo đảm hài hòa giữa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và lợi ích quốc gia, dân tộc.  

Nhấn mạnh đây cũng là dự luật với phạm vi điều chỉnh rất rộng, tác động đến mọi lĩnh vực, mọi người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát chi tiết hệ thống pháp luật liên quan và dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai nhằm thực hiện yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, hướng tới mục tiêu cuối cùng khi xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sẽ bảo đảm tính thông suốt, công khai, minh bạch trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đối với những vấn đề, chính sách lớn và còn nhiều ý kiến khác nhau, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục gửi tới UBTƯ MTTQ Việt Nam để có ý kiến góp ý phản biện để dự án Luật phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp năm 2013, để khi Luật được ban hành sẽ đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân.

Hương Diệp - ảnh Quang Vinh

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều