Ba Huân và những bước đi làm thay đổi thói quen sử dụng trứng gia cầm

(Mặt trận) - Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề gây nhức nhối cho toàn xã hội. Tình trạng thực phẩm bẩn hoành hành những năm gần đây không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền sản xuất, kinh doanh nói chung, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Giải pháp nào giúp cho sự phát triển của ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất sạch, cũng như đảm bảo sức khỏe của cộng đồng là bài toán không dễ có lời giải. 

Thực trạng thực phẩm bẩn trong lĩnh vực chăn nuôi hiện nay có thể nói là đáng báo động: thịt thì có chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê… gây hoang mang cho người tiêu dùng. Trong bối cảnh đó, Công ty Cổ phần Ba Huân, một doanh nghiệp chuyên sản xuất trứng sạch, có lịch sử hình thành và phát triển tới gần nửa thế kỷ đã đầu tư công nghệ khép kín quy trình sản xuất sạch từ trang trại đến bàn ăn; không chỉ góp phần thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng trong an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nông dân, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Thanh Hùng, PGĐ Công ty Cổ phần Ba Huân Hà Nội để tìm hiểu về lịch sử, triết lý kinh doanh cũng như quá trình đầu tư mở rộng sản xuất của Công ty những năm qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm nhà máy xử lý trứng gia cầm của Công ty Ba Huân, ngày 27/5/2018.

Phóng viên: Trước tiên, xin chúc mừng Công ty Ba Huân đã “Bắc tiến” thành công với việc đưa dây chuyền xử lý trứng gia cầm công nghệ cao ra huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, ông thấy vấn đề thực phẩm bẩn những năm qua diễn biến có già đáng chú ý?  

Ông Phạm Thanh Hùng: Trong giai đoạn hiện nay, mọi người, mọi nhà đều đang rất quan tâm đến vấn đề thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn, hay nói cách khác, cuộc chiến chống thực phẩm bẩn đang diễn ra trên phạm vi toàn xã hội.

Thực ra, vấn đề lớn nhất là tại sao người ta sản xuất ra thực phẩm bẩn. Những người vì lợi nhuận, họ không đặt cái tâm của doanh nghiệp lên hàng đầu. Do chạy theo lợi nhuận, đồng tiền nên họ không coi trọng cái tâm của doanh nghiệp. Tôi cho rằng đây là nhận thức sai lầm. Một doanh nghiệp muốn phát triển, muốn tồn tại, dù hôm nay có tìm một khoản tiền bằng cách làm những việc bất chính thì ngày mai cũng sẽ không còn.

Do đó, đối với những doanh nghiệp, khi mình làm việc nên nghĩ đến cái tâm. Đối với người sản xuất, đặc biêt là trong ngành sản xuất thực phẩm, khi sản xuất ra những sản phẩm thì đừng nghĩ đó là những sản phẩm mình bán không, mà còn là những sản phẩm mình dùng, gia đình mình dùng, con cái mình dùng,… Tôi nghĩ rằng khi mình đặt được cái tâm lên trên, cùng trách nhiệm xã hội, thì vấn đề này sẽ ngày càng được giảm thiểu đi.

Phóng viên: Với những gì đã và đang diễn ra, rõ ràng thực phẩm bẩn sẽ còn là một thách thức nghiêm trọng và lâu dài. Theo kinh nghiệm của ông, đâu sẽ là lời giải cho bài toán này?

Ông Phạm Thanh Hùng: Theo tôi nghĩ, để cuộc chiến chống thực phẩm bẩn được thành công, có 4 giải pháp chính:

Giải pháp thứ nhất là giải pháp từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có các giải pháp động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch, chân chính ngày một phát triển; đồng thời cần có biện pháp, chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các đơn vị sản xuất thực phẩm bẩn, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và sức khỏe người tiêu dùng.

Giải pháp thứ hai là giải pháp từ phía các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải đầu tư về công nghệ, đào tạo lực lượng lao động có tay nghề, có quy trình phù hợp để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt, bảo vệ được thương hiệu.

Giải pháp thứ ba là giải pháp về phía người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần cập nhập những kiến thức tiêu dùng hiện đại, những kiến thức cần thiết để hiểu được như thế nào là một sản phẩm sạch, như thế nào là sản phẩm bẩn, từ đó có những lựa chọn sản phẩm phù hợp để sử dụng.

Giải pháp cuối cùng là giải pháp đến từ các cơ quan truyền thông. Cơ quan truyền thông phải phối hợp được với các cơ quan chức năng, giúp lan tỏa thông tin để người tiêu dùng biết thế nào là thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn; những doanh nghiệp nào làm ăn chân chính, doanh nghiệp nào lừa dối khách hàng.

Ông Phạm Thanh Hùng (trái) - Phó Giám đốc Công ty CP Ba Huân Hà Nội đang giới thiệu về sản phẩm của Công ty với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phóng viên: Trong các giải pháp ông vừa nêu, có giải pháp liên quan đến phía các doanh nghiệp sản xuất. Xưa nay các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp thường xoay quanh vốn, thị trường, vấn đề lao động. Vậy theo ông, trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, vấn đề về nhân lực có vai trò như thế nào và hiện Công ty đang triển khai theo hướng nào?

Ông Phạm Thanh Hùng: Đối với tôi, người lao động là tài sản quý của doanh nghiệp và những doanh nghiệp muốn phát triển, nguồn lao động thứ nhất phải ổn định; thứ hai là phải ngày càng chuyên sâu, chuyên nghiệp.

Do đó, đối với Ba Huân, trong thời gian qua, chúng tôi luôn luôn cải tiến về kỹ thuật máy móc, quy trình; đồng thời người lao động luôn luôn được tạo điều kiện nâng cao trình độ tay nghề, trình độ học vấn,… để họ đáp ứng được ngày càng tốt hơn, nắm bắt kịp sự phát triển của xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (trái) và bà Phạm Thị Huân (bà Ba Huân).

Phóng viên: Câu hỏi cuối cùng, liên quan đến vấn đề giám sát. Theo ông, hiện nay cơ chế giám sát những người sản xuất thực phẩm đã hợp lý chưa?

Ông Phạm Thanh Hùng: Đối với tôi, những doanh nghiệp làm ăn chân chính và đang sản xuất theo quy trình thì vấn đề giám sát là vô cùng cần thiết và nên được duy trì tốt. Trong đó, giám sát để chỉ ra những gì doanh nghiệp làm chưa tốt phải làm được cho tốt, những gì tốt rồi phải phát triển.

Ông Phạm Thanh Hùng, PGĐ Công ty Cổ phần Ba Huân Hà Nội

Như cách đây khoảng 10 ngày, có một đoàn giám sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đến làm việc với Công ty tôi và có dẫn theo nhiều phóng viên báo chí. Tôi cho rằng đấy là việc làm rất là hay, rất là mới, rất tốt. Bởi vì như tôi nói ở trên, truyền thông giúp cho người tiêu dùng biết được chỗ nào tốt, chỗ nào sạch.

Từ những điều đó tôi cho rằng vấn đề giám sát là tốt và cần thiết trong sản xuất thực phẩm. Với những doanh nghiệp sản xuất chân chính, sẽ không có gì đáng lo ngại về vấn đề này, thậm chí còn hãnh diện khi báo chí đưa tin, để các đơn vị bạn thấy cái gì tốt sẽ học hỏi theo.

Phóng viên: Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn này.

Công ty Cổ phần Ba Huân có lịch sử hơn 48 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất trứng gia cầm và các sản phẩm về gia cầm.

Năm 2003, khi đại dịch cúm gia cầm xảy ra và năm 2005 đại dịch quay lại, cô Ba Huân là người Việt Nam đầu tiên nhập hệ thống máy móc thiết bị của Hà Lan về xử lý trứng gia cầm. Năm đó cô đã xây dựng một nhà máy về xử lý trứng công nghệ cao tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Hệ thống nhà máy đầu tiên xử lý được 65.000 trứng/h.

Năm 2009, Công ty nâng cấp đặt thêm nhà máy thứ 2, xử lý được 120.000 trứng/h, nâng công suất lên đến 185.000 trứng/h. Không dừng lại đó, năm 2011, Công ty tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi. Sau khi xây dựng trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại Bình Dương với quy mô 18 ha, trong đó có nhà máy thức ăn chăn nuôi với công suất 20 tấn/h. Trong đó có những trại ấp nở và đặc biệt là khu trại có nuôi gần 1 triệu con gà lấy trứng.

Năm 2014, Công ty Ba Huân xây dựng nhà máy thực phẩm tại Long An với quy mô 7 ha. Tại đây có 2 hệ phân xưởng: Phân xưởng thứ nhất là phân xưởng giết mổ gia cầm, với hệ thống máy giết mổ là 2.500 con/h. Phân xưởng thứ 2 là phân xưởng chế biến thực phẩm với công suất lúc đầu là 30 tấn/ngày, sau đó nâng lên 50 tấn/ ngày.

Tiếp đó, Công ty Ba Huân lại xây dựng trang trại chăn nuôi gà lấy thịt với quy mô 34 ha tại Long An. Tại đây, Công ty nuôi từ 3 triệu đến 5 triệu con.

Đặc biệt, năm 2016, Ba Huân xây dựng nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao đầu tiên tại miền Bắc ở huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội. Nhà máy với quy mô 2 ha, tiếp tục sử dụng dây chuyền của Hà Lan với công suất 65.000 trứng/h.

Quỳnh Như

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều