Kỳ I
Nước Đức nói chung và người dân ở thành phố Wuppertal (Vu-pờ-ta) nói riêng rất tự hào vì có một người con nổi tiếng thế giới với những đóng góp to lớn cho phong trào công nhân quốc tế, đó là F.Engels (Ph.Ăng-ghen, 1820 - 1895). Nhiều người cho rằng đến hôm nay, các phân tích phê phán xã hội của K.Marx (C.Mác) và F.Engels vẫn giữ nguyên giá trị. Các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính trên thế giới đã chứng minh sự chuẩn xác trong lý thuyết mà hai ông công bố từ hơn 100 năm trước. Vì thế việc chuẩn bị lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh F.Engels cho thấy Nhà nước Đức và nhân dân Đức luôn dành cho ông sự trân trọng và tình cảm tốt đẹp. Các công trình nghiên cứu của ông không chỉ được lưu giữ cho các thế hệ mai sau, mà còn được giới thiệu một cách trân trọng, rộng rãi. Hầu hết mọi địa chỉ truyền thông như đài phát thanh, truyền hình tư nhân, công cộng, các tờ báo lớn nhỏ, các nhà xuất bản ở CHLB Đức đều tham gia vào sự kiện này.
|
K.Marx và F.Engels (Ảnh tư liệu). |
Từ năm 2019, thông tin về các hoạt động tổ chức nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của F.Engels đã được phổ biến trên báo chí. Như ngày 6-10-2019, trang mạng đài truyền hình tư nhân NTV đăng bài “Wuppertal kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200 của F.Engels, bài có đoạn viết: “Năm 2020, thành phố Wuppertal muốn kỷ niệm một cách phong phú, sinh động nhân sinh nhật lần thứ 200 người con nổi tiếng nhất của mình, nhà triết học chính trị F.Engels. Điều phối viên phụ trách Năm F.Engels của thành phố nhấn mạnh rằng các nhà tổ chức đang cố gắng thể hiện tầm quan trọng của F.Engels đối với hôm nay, đồng thời cho biết từ tháng 2-2020, hơn một trăm sự kiện đã được lên kế hoạch, như triển lãm, hội nghị khoa học, sự kiện văn hóa, tham quan thành phố. F.Engels là đồng tác giả Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, là người bảo trợ, người bạn thân thiết của K.Marx, vì thế tổ chức 200 năm sinh nhật của ông là hết sức quan trọng, với chi phí khoảng ba triệu euro (ơ-rô), trong đó có 1,1 triệu euro của Chính phủ Liên bang, bang Nordrhein-Westfalen (Nót-ren Vét-pha-len) đóng góp 540.000 euro, với người bảo trợ là Thủ tướng bang ông A.Laschet (A.La-sét). Sinh ra tại nơi ngày nay là quận Barmen (Ba-men), F.Engels là người có cá tính và mang nhiều màu sắc: giỏi giang, doanh nhân, lãnh đạo lao động, nhà khoa học và chính trị gia. Ông đã sống phần lớn cuộc đời của mình ở London (Luân-đôn)”.
Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 200 năm Ngày sinh F. Engels, thành phố Wuppertal đã lập trang mạng mang tên “2020 - Năm Engels”. Trang mạng này khẳng định “F. Engels là người đa dạng, ông là doanh nhân dệt may, nhà triết học, nhà cộng sản, nhà báo, người thích học hỏi. Thành phố Wuppertal muốn tặng cho người con của mình một món quà là tổ chức năm sự kiện trọng đại nhân sinh nhật lần thứ 200 của ông. Từ tháng 2-2020 đến tháng 2-2021, tại Wuppertal diễn ra năm sự kiện với mục đích tổ chức một chương trình hấp dẫn để đưa F.Engels, với nguồn gốc Wuppertal của mình, đến gần hơn với khán giả ở trong và ngoài nước, khuyến khích họ tìm hiểu về quê hương của ông. Ngoài Wuppertal, không có thành phố nào khác mang đến cơ hội kết hợp cuộc sống, sự nghiệp của F.Engels với lịch sử công nghiệp và thành phố một cách thật cụ thể, đồng thời đưa ra tài liệu tham khảo về các vấn đề cấp bách của thời đại chúng ta. Về chương trình, một không gian được xây dựng với rất nhiều người tham gia, và hình ảnh xã hội thành thị từ thế kỷ 19 đến nay. Cách tiếp cận phản ánh từ tính phê phán của F.Engels và lịch sử thành phố mở ra khả năng cho thấy một thành phố đổi mới, có ý thức về lịch sử, hướng tới tương lai vào năm 2020”.
Và cuốn sách giới thiệu chương trình “2020 - Năm Engels” đã được phát hành, mở đầu bằng phát biểu của Thủ hiến bang A.Laschet, trong đó có đoạn: “Bên những hoạt động khác, với triển lãm lớn đặc biệt và Ngôi nhà F.Engels mở cửa trở lại, là các cơ hội tốt để tìm hiểu kỹ hơn về sự nghiệp và ảnh hưởng của F.Engels - cũng dựa trên bối cảnh lịch sử của cuộc cách mạng công nghiệp. Một số sự kiện tập trung vào hiện tại và tương lai của chúng ta. Chúng đề cập tới các thách thức đang phải đối mặt hiện nay, đặc biệt là với Nordrhein-Westfalen trong tư cách là bang đông dân nhất và quan trọng về kinh tế. Thời đó và hiện nay, chúng ta đang phải trải qua một thời kỳ được định hình bởi sự thay đổi. Nếu thời đó là sự chuyển đổi từ một xã hội nông nghiệp sang một xã hội công nghiệp, thì hiện nay là kỳ vọng của chúng ta muốn tiến hành tiến trình số hóa vì lợi ích của con người”. Còn ông A.Mucke (A.Múc-kơ) Thị trưởng Wuppertal, phát biểu: “Năm 2020 là một năm đặc biệt với Wuppertal: Chúng ta tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh F.Engels, người con nổi tiếng nhất của thành phố. Ngày 28-11-2020 là sinh nhật lần thứ 200 của ông. Ngày này sẽ được chào đón với khoảng 100 sự kiện, chúng ta sẽ tưởng nhớ nhà triết học, nhà tư tưởng, tác giả, nhà cách mạng vĩ đại, người bạn đồng hành thân thiết của K.Marx, là đồng tác giả Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, là người biên tập tập hai và tập ba Tư bản luận. Bên cạnh K.Marx, ông là người đồng sáng lập quan trọng nhất của Chủ nghĩa Xã hội khoa học. Nếu K.Marx là bộ óc sáng tạo, thì F.Engels đứng sau tổ chức, phân loại. F.Engels đã chia sẻ các ý tưởng của bạn mình, giúp đạt được bước đột phá với các tác phẩm có thể thay đổi thế giới, đồng thời cũng là người hỗ trợ tài chính của K.Marx. F.Engels khiêm tốn chỉ nhận về mình vai trò “cây vĩ cầm thứ hai”. Tuy nhiên trên thực tế, ông là cộng sự hợp ý, đồng thời là người thôi thúc K.Marx. Ông đã trải qua quá trình xử lý, phân tích những quan sát của mình về biểu hiện của xã hội tư sản, và đưa ra quan điểm của ông về giai cấp vô sản. Ông thu thập kiến thức từ kinh nghiệm của bản thân bằng việc khảo sát khu sinh sống của người lao động ở Anh và Đức. Các tác phẩm của ông có sức sống vượt thời gian, không hề suy giảm tính thời sự. Tại Wuppertal, trong Ngôi nhà F.Engels, có thể hình dung quá trình trưởng thành của F.Engels, ông đã lớn lên như thế nào với tư cách con trai của một gia đình giàu có, hoàn cảnh thực tế ông đối mặt trong cuộc sống, và những gì đã định hình nên ông. Sau khi cải tạo, ngôi nhà cũ rộng rãi của gia đình F.Engels sẽ được mở cửa trở lại vào đúng dịp sinh nhật F.Engels. Đến lúc đó, chúng ta có thể vui mừng chờ đợi nhiều sự kiện khác như một cuộc triển lãm đặc biệt về F.Engels, một cuộc hội thảo được tổ chức tại Đại học Bergische (Béc-kích-sơ), các buổi đọc sách và những chuyến tham quan có hướng dẫn viên, nhà hát và các buổi hòa nhạc sẽ giúp làm sáng tỏ cuộc đời, sự nghiệp của F.Engels từ các khía cạnh có thể, mời bạn đến với con người của ông, thời đại và ý nghĩa của ông với hôm nay để đối thoại. Sinh nhật lần thứ 200 của F.Engels là sự kiện lớn ở thành phố chúng ta, không chỉ để tưởng niệm một nhà tư tưởng với tầm nhìn nổi tiếng thế giới mà còn để hiểu rõ hơn về ông, về thời của ông, thảo luận về các ý tưởng của ông. Chúng tôi vui mừng chờ đón!”.
Nhân dịp này, ngày 17-2-2020 Quỹ R. Luxemburg (R.Lúc-xăm-bua) đã tổ chức một hội thảo với chủ đề “Hãy cùng làm việc, thảo luận về văn bản của các nhà lý luận Mác-xít” tại Cologne (Cô-lô-nhơ). Ngày 14-5-2020, tờ Thời gian trực tuyến (Zeit Online) đăng bài về sự kiện thành phố Wuppertal kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200 của F.Engels, bài có đoạn: “Năm 1890, vào sinh nhật lần thứ 70 khi ông đang sống tại London, F.Engels nhận được món quà từ quê nhà: Các công nhân ở Solingen (Dô-linh-nghen, nơi sản xuất dao nổi tiếng của Đức) vinh danh ông là “người tiên phong cao quý cho giai cấp vô sản” và gửi tặng một con dao bỏ túi trang trí, chạm khắc tinh xảo. Tại cuộc triển lãm ở Wuppertal về cuộc đời của nhà cách mạng F.Engels, con dao này sẽ được trưng bày. Và năm 2020, nhà lý luận với bộ ria mép oai vệ, người đồng sáng lập Chủ nghĩa Mác đã làm thay đổi hoàn toàn lịch sử nhân loại theo tư tưởng của mình, lại được vinh danh ở quê hương. Sinh nhật lần thứ 200 của ông là dịp kỷ niệm một người thân yêu. Ngôi nhà trang nghiêm của gia đình ông đã được sửa sang. F. ngels được gọi là “người con trai nổi tiếng nhất thành phố”. Một cuộc triển lãm ở phòng trưng bày nghệ thuật tại Barmen mô tả cuộc đời của ông với chủ đề: “F. ngels - Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu”. Chủ đề là câu trích từ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản mà F.Engels cùng người bạn của ông là K.Marx viết năm 1848 và với nó, họ tạo ra một văn kiện thành lập phong trào cộng sản. “Trong mọi trường hợp, không có gì có thể so sánh được với con người và tính cách vẫn chưa được nhìn thấy ở Đức”, thành phố tự tin giải thích về cuộc triển lãm với 300 hiện vật của mình. F.Engels đã tự mâu thuẫn với chính mình. Ông xuất thân từ một gia đình ngoan đạo, chủ công xưởng ở thung lũng Wupper (Vu-pờ). Sự tương phản giữa tôn sùng Đức chúa Trời và sự khốn khổ của người lao động đã khiến ông thấy bị xúc phạm. Ông viết những văn bản giận dữ, nhưng vẫn trở thành một nhà kinh doanh giỏi. Được người cha cử đến Anh, nơi gia đình sở hữu một phần nhà máy dệt, và ông đã viết cuốn sách phê phán xã hội có nhan đề “Tình cảnh của giai cấp công nhân ở Anh”. Năm 1849, ông cùng những người cách mạng chiến đấu bên các chướng ngại vật của quê hương mình, rồi trốn sang Anh lưu vong, sau đó trở về để quản lý xưởng chỉ may của người cha. Nhà tổ chức triển lãm L.Bluma (L.Bờ-lu-ma) nói về một nhà cách mạng, một doanh nhân có sở thích của tầng lớp thượng lưu: “Ông ấy đã sống một cuộc sống hai mặt. F.Engels thích uống sâm-panh, đi săn cáo. Nhưng ông vẫn thường xuyên liên lạc với K.Marx ở London, cung cấp tiền cho người bạn và gia đình, những người luôn gặp khó khăn về tài chính. Sau 20 năm làm việc tại Manchester (Man-che-xtơ), F.Engels đã có cuộc sống độc lập, và chuyển đến sinh sống gần K.Marx.
Kỳ 2:
Ðề cập việc F.Engels (Ph.Ăng-ghen) đã có cuộc sống độc lập, L.Bluma (L.Bờ-lu-ma) nói: "Cuối cùng ông ấy cũng có thể là chính mình". Bối cảnh lịch sử của cuộc cách mạng công nghiệp là khuôn khổ cho triển lãm. Những bức ảnh lớn đen trắng ghi lại sự khác biệt xã hội. Người phụ trách cho biết "mặt tối, bẩn thỉu của công nghiệp hóa" cũng cần được chỉ ra. Các cuốn sách dày cộp như Tư bản luận được trưng bày nhằm đại diện cho công việc lý thuyết.
Có một vài đồ vật được trưng bày là của chính F.Engels, như chiếc áo choàng mặc khi làm lễ rửa tội, một chiếc vòng tay của mẹ ông với phần tóc của chín người con của bà được bện vào. F.Engels giữ liên lạc chặt chẽ với mẹ và ông rất thân với một người chị gái. Những lá thư viết với dòng chữ rõ ràng của ông lấp đầy rất nhiều trang giấy. F.Engels coi K.Marx (C.Mác) là thiên tài, ông cố tình để K.Marx là người đứng đầu. Là một nhà tổ chức hiệu quả và một người bạn giàu có, ông đã thúc đẩy công việc của người bạn. Khi K.Marx qua đời năm 1883, F.Engels bắt đầu sắp xếp các bản thảo và biên tập các tập tiếp theo của Tư bản luận. "Không có F.Engels thì khó có thể có K.Marx", ở Wuppertal (Vu-pờ-ta) mọi người nói như vậy. Ngày nay, những người chỉ trích chủ nghĩa tư bản vẫn dựa vào cả hai người…".
Ngày 22-9-2020, tờ Wuppertal Toàn cảnh (Wuppertaler Rundschau) đăng bài "200 gương mặt cho sinh nhật lần thứ 200 của F.Engels", bài cho biết 200 người đến từ Wuppertal sẽ hình thành nên một tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo nhân sinh nhật lần thứ 200 của F.Engels - đó là ý tưởng từ dự án nghệ thuật Inside Out Engels (Trong ngoài Engels) của V.Manojlov (V.Man-gi-lốp). Sau khi cải tạo, ngôi nhà rộng rãi của gia đình F.Engels chính thức mở cửa trở lại. Một tấm vải căng trong khung lớn được gắn vào mặt tiền, tạo ra không gian cho bức tranh ghép ảnh đen trắng là chân dung 200 cư dân Wuppertal, những người chia sẻ suy nghĩ của họ về người con nổi tiếng nhất của Wuppertal với các thông điệp riêng. Phía trước của tấm băng-rôn khổ rộng 15x15 m là chân dung lớn, trong suốt của F.Engels thời trẻ. Ðúng lúc mở cửa, tác phẩm nghệ thuật được mở ra như một bức màn, để lộ tòa nhà mới được tân trang. Wuppertal kêu gọi cư dân trên 18 tuổi đều có thể đăng ký để 200 người có cơ hội tham gia.
Nhiều báo lớn ở Ðức cũng đã đề cập tới hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh F.Engels. Ðáng chú ý là ngày 24-6-2020, tờ Thế giới (Welt), một trong các nhật báo lớn nhất ở Ðức và châu Âu, đăng bài "Một sự thu hẹp nhỏ như vậy không xứng đáng với Engels", cho rằng "Sinh nhật lần thứ 200 của F.Engels đang đến gần. Các công việc đầu tiên chuẩn bị cho lễ hội đang diễn ra tại quê nhà Wuppertal của ông. Các cuộc triển lãm, những chuyến tham quan thành phố có trong chương trình nghị sự - nhưng điều đó tương xứng với nhà triết học hay không? Hai năm trước thành phố Trier (Tơ-ri-ơ) đã tổ chức lễ sinh nhật lần thứ 200 của K.Marx. Nhà triết học, nhà báo, đồng tác giả Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản đã sống tại quê hương trong 17 năm đầu tiên của cuộc đời trước khi chuyển đến Cologne (Cô-lô-nhơ), Paris (Pa-ri), Brussels (Bờ-rúc-xen) và London (Luân-đôn).
Mặc dù ngày nay vẫn có nhiều người vẫn đổ lỗi một cách sai trái cho triết học của K.Marx, nhưng thành phố Trier đã tổ chức một chương trình công phu của năm với các cuộc triển lãm lớn, giới thiệu mới ngôi nhà nơi K.Marx ra đời. Năm nay đến F.Engels, người đồng hành trí thức, người cùng K.Marx viết Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản, người hoàn thiện Tư bản luận, doanh nhân, người bạn và là người bảo trợ lớn cho K.Marx. Vì vậy, năm 2020 là năm của F.Engels. Và thành phố Wuppertal đã làm nên điều gì, nói tóm lại là quá ít. Chương trình lễ hội chủ yếu bao gồm những chuyến tham quan thành phố và triển lãm về F.Engels".
Theo Ðài truyền hình ARD - Kênh số 1 trong hệ thống truyền hình trung ương ở CHLB Ðức, thì ngày 20-11-2020 sẽ chiếu bộ phim tài liệu dài 55 phút "F.Engels - Người bị đánh giá thấp hơn". Bộ phim được sản xuất bởi đài truyền hình ARTE (viết tắt của French Association Relative à la Télévision Européenne - Hiệp hội truyền hình châu Âu và Pháp, một đài truyền hình công cộng ở châu Âu có trụ sở chính tại Pháp. Các chương trình được phát sóng bằng tiếng Pháp, tiếng Ðức). Ngày 1-1-2020, trang mạng Ðài phát thanh Ðức (Deutschlandfunk) đăng bài "Triển lãm ở Wuppertal - F.Engels với tư cách là một họa sĩ vẽ tranh biếm họa", trong đó có đoạn: "Năm nay sinh nhật lần thứ 200 của F.Engels sẽ được tổ chức.
Thành phố Wuppertal, quê hương của F.Engels, tôn vinh ông với hai cuộc triển lãm về các khía cạnh chưa được biết đến nhiều của ông: F.Engels không chỉ là nhà triết học, nhà báo, nhà cách mạng, ông còn là họa sĩ biếm họa. Sự hợp tác của ông với K.Marx là một bước đột phá, rất triệt để và mang tính cách mạng. Ngoài rất nhiều tác phẩm khác, hai ông có một tác phẩm nổi bật viết chung vào năm 1848 là Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản. Nhưng hoạt động của F.Engels còn có một khía cạnh khác mà phần lớn chưa được biết đến, đó là ông vẽ tranh biếm họa và là một người rất ham hiểu biết. Thư viện Trung tâm Wuppertal hiện đang dành hai cuộc triển lãm cho ông, một cuộc triển lãm về tiểu sử, một cuộc triển lãm với tranh biếm họa do chính F.Engels sáng tác (khai thác từ một cuốn sách do A.Poloczek (A.Pô-lô-giếch) biên tập với tựa đề "Những khuôn mặt của Engels").
Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh F.Engels cũng là một cơ hội lớn để các nhà xuất bản đưa các ấn phẩm của Học thuyết Mác-xít đến với bạn đọc, thí dụ ngày 15-1-2020 Metropolis - nhà xuất bản lớn về kinh tế, xã hội và chính trị đã phát hành cuốn sách "Những công trình về mâu thuẫn - F. Engels nhân dịp sinh nhật lần thứ 200" dày 596 trang, giá 48 euro (ơ-rô). Phần giới thiệu cuốn sách viết: "Những biến đổi mà chủ nghĩa tư bản đã trải qua từ thời của F.Engels đến nay là rất lớn. Nhiều mâu thuẫn của thế kỷ 19, hôm nay đã chuyển sang cấp độ toàn cầu. Ðồng thời, rõ ràng là có những giới hạn đối với động lực của tư bản.
Chúng ta chỉ có một thế giới. Chính trong bối cảnh đó, bàn luận với F.Engels về tác phẩm, ảnh hưởng của ông trong thế kỷ 21 là một chủ đề hấp dẫn. Tương lai cần nguồn gốc, ký ức nhưng cũng cần bàn luận nghiêm khắc với những chân lý được cho là vĩnh cửu. Theo tinh thần này, những bài viết trong cuốn sách đề cập đến F.Engels và các công trình của ông, nội dung trái ngược với nhiều cách diễn giải, có những nét khá độc lập, mang phong cách riêng.
Phạm vi của các chủ đề, lĩnh vực là rất lớn: kinh tế, triết học, khoa học xã hội phân tích, phê phán tôn giáo, phép biện chứng của tự nhiên... Nhìn lại và với sự giúp đỡ của F.Engels, mục đích là để nhận ra những mối liên hệ cho hiện tại và tương lai, xác định các động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, đặt câu hỏi về các mối quan hệ quyền lực. Các tác giả tiếp nhận những xung động này và đưa một sự chuyển tiếp khéo léo cho các câu hỏi của thời đại chúng ta: toàn cầu hóa, phát triển bền vững, tiến bộ kỹ thuật, quan hệ giới, cách làm việc và sinh hoạt, tôn giáo, đạo đức,… đã gây tranh cãi sôi nổi, tạo nên các yếu tố tiền đề cho suy nghĩ trong các cuộc tranh luận hiện tại và tương lai. F.Engels cũng cần mâu thuẫn để tư duy của ông có lợi cho tương lai. Nhiều người từ quê hương F.Engels đã có mặt trong số các tác giả của cuốn sách.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cuốn sách là một ấn phẩm chỉ mang ý nghĩa địa phương. Ngược lại, cho đến ngày nay, sự đánh giá sai lầm khi coi F.Engels là hoàn toàn phục tùng K.Marx (xuất phát bởi sự tự đánh giá khiêm tốn của ông là "cây vĩ cầm thứ hai") đã dẫn đến thực tế là chưa bao giờ các nghiên cứu tập trung vào F.Engels được tổ chức một cách thật sự ở phương Tây, trong khi đáng lẽ phải làm từ rất lâu rồi".
Và có một sự kiện độc đáo là hoạt động của nhà xuất bản Verlag 8. Mai (Mùng 8 tháng Năm). Như bài "Nhân dịp sinh nhật lần thứ 200 của F.Engels" đăng ngày 19-9-2020 trên tờ Thế giới trẻ (Junge Welt) đã cho biết: "Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản với các tác phẩm hiếm khi được trưng bày của họa sĩ L.Grundig sẽ được phát hành bởi Nhà xuất bản Verlag 8. Mai, vào cuối tháng 11-2020 (L.Grundig - L.Gờ-run-đích, 1906 - 1977, là nghệ sĩ đồ họa người Ðức, từ năm 1964 đến năm 1970, bà là Chủ tịch Hội nghệ sĩ tạo hình CHDC Ðức). Nhân sinh nhật lần thứ 200 của F.Engels - cuốn sách với một trong các văn bản được đọc nhiều nhất trên thế giới sẽ được Nhà xuất bản Verlag 8. Mai phát hành là Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản. Ðây là tác phẩm được K.Marx và F.Engels viết cho giai cấp công nhân năm 1848 với sự ủy quyền của Liên đoàn những người cộng sản. Năm 1968, một ấn bản đặc biệt của văn bản này đã được lên kế hoạch xuất bản ở CHDC Ðức, trong đó bổ sung các hình minh họa của nghệ sĩ đồ họa nổi tiếng thế giới là L.Grundig.
Tuy nhiên, kế hoạch lại không trở thành hiện thực. Gần đây, Nhà xuất bản Verlag 8. Mai có được sáu mẫu phát hành với tất cả các bản in với tổng số gồm 11 phần của nữ nghệ sĩ ở "Hiệu sách cổ Walter Markov". Người chơi đồ cổ tìm thấy các mẫu này trong một tầng hầm khi một doanh nghiệp tiến hành thanh lý. Ðây là các mẫu do họa sĩ L.Grundig đã đệ trình nơi cấp giấy phép cho ấn phẩm Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản, và đã được phê duyệt.
Ý tưởng xuất bản 11 bản gốc cùng văn bản đầu tiên của Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ. Ðây là lý do vì sao các bản gốc đã được lưu giữ trong bộ sưu tập bản khắc đồng ở Dresden (Ðrét-đen), được chuẩn bị rất cẩn thận để xuất bản. Trong cuốn sách này, nội dung Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản có phần Lời nói đầu do F.Engels viết năm 1888, được khai thác từ các tác phẩm của K.Marx - F.Engels; tiếp đó, nhà văn, nhà báo D.Dath (D.Ðát) trình bày một bài nghị luận xuất sắc; nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật A.Wessel (A.Vê-xê) đề cập tác phẩm của L.Grundig, đi sâu vào câu chuyện không xuất bản ấn bản theo kế hoạch. Một ấn phẩm đặc biệt được đánh số gồm 100 bản với số lượng khoảng 128 trang hiện đã sẵn sàng để đăng ký, và tác phẩm sẽ được xuất bản đúng ngày 28-11-2020".
Theo HỒ NGỌC THẮNG / Báo Nhân dân