Thực trạng việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chỉ đạo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng và lãng phí gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trọng tâm là tuyên truyền các nội dung về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy định thi hành.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương có tác động trực tiếp đến người dân ở cơ sở. Phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở; phối hợp đánh giá, công nhận, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2017.
Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận và nhiều báo, tạp chí của các tổ chức thành viên cũng đã có nhiều chuyên đề về chủ đề phòng, chống tham nhũng; thường xuyên đưa tin, bài phản ánh kịp thời về công tác phòng, chống tham nhũng; lên án, phê phán các biểu hiện, hành vi tham nhũng, lãng phí; nêu gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh chống tham nhũng.
Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trong đó, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 641/KH-MTTW-BTT ngày 28/9/2018 về việc thực hiện thí điểm giám sát việc “Công khai, minh bạch và trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại một số dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và tỉnh Long An”. Tại các địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố cũng chủ động phối hợp với Ban Nội chính tỉnh, thành phố triển khai các nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng, xác định những nhiệm vụ cụ thể về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2018.
Một số kết quả đạt được
Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Nhà nước để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho nhân dân, đoàn viên, hội viên từ Trung ương đến cơ sở, khu dân cư. Các báo, tạp chí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thường xuyên có các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục, tin, bài về phòng, chống tham nhũng; lên án, phê phán các hành vi tham nhũng; nêu gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Thực tiễn cho thấy, thông qua sự tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc các cấp, người dân đã tham gia ngày càng tích cực vào công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng các quy chế, quy định của đơn vị, địa phương, công tác thanh tra nhân dân, góp phần quan trọng trong việc phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, ổn định tình hình cơ sở. Nhân dân cũng tích cực tham gia đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, cũng như vấn đề có liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Người dân đã tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp với cán bộ, đảng viên ở các cấp, ngành; ngoài ra còn gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng, cơ quan thông tin báo chí ở Trung ương và địa phương góp ý, phát hiện những sai phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, phòng, chống tham nhũng thông qua các hoạt động tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh theo quy định tại Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường thị trấn năm 2007 và Điều 31 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015. Với tinh thần xây dựng và trách nhiệm, nhân dân đã mạnh dạn và thẳng thắn đóng góp ý kiến và nhận xét của mình về ưu khuyết điểm, về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực điều hành, quản lý công việc đối với bản thân và gia đình những người giữ các chức vụ nêu trên. Đối với cán bộ, thông qua đợt lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp họ có điều kiện gần dân, lắng nghe các ý kiến góp ý của nhân dân về những ưu điểm, nhược điểm của mình, qua đó để kịp thời khắc phục, điều chỉnh, sửa chữa những hạn chế và tiếp tục phát huy những mặt mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Bên cạnh đó, thành lập, chỉ đạo, hướng dẫn và động viên, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc phòng ngừa và phát hiện những hành vi tham nhũng, nhất là trong những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, như: Quản lý đất đai, đền bù và giải phóng mặt bằng; đăng ký hộ tịch hộ khẩu; cấp phép xây dựng, kinh doanh; thu chi các loại quỹ, lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân, thực hiện các công trình, dự án phục vụ dân sinh...
Năm 2017, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, đây là sự động viên, khích lệ báo chí và những người làm báo dũng cảm trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng, đầy cam go và hy sinh, phức tạp với tham nhũng; khẳng định việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn đồng hành, sát cánh cùng các nhà báo trong cuộc chiến đấu này.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp luôn quan tâm góp phần đảm bảo thông tin cho nhân dân thông qua tham gia xây dựng thể chế, pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp còn giám sát việc thực hiện pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, đảng viên, những người có quyền lực trong các cơ quan nhà nước theo quy định tại Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007 của Chính phủ và hiện nay là Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ. Theo đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập. Ngoài việc cung cấp thông tin và cử người tham gia khi được yêu cầu, Mặt trận Tổ quốc còn tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của người dân, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức thành viên để tuyên truyền, vận động trong nhân dân, góp phần từng bước nâng cao nhận thức, thái độ của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội đối với việc phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, qua đó góp phần làm cho sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, các tổ chức thành viên đối với công tác này của Mặt trận được nâng cao.
Tuy nhiên, việc lãnh đạo triển khai các hoạt động phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tham nhũng mặc dù có nhiều hình thức và cố gắng trong tổ chức thực hiện nhưng trên thực tế vẫn chưa thực sự tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân về phòng, chống tham nhũng, chưa khơi dậy được tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong nhân dân và từng cơ quan, đơn vị.
Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ cũng như các điều kiện khác để bảo đảm cho hoạt động tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế. Phòng, chống tham nhũng được xem là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi không chỉ có quyết tâm, bản lĩnh mà còn phải có điều kiện rất cần thiết là nguồn lực thực hiện, trong đó quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có nhiệt huyết và sự am hiểu pháp luật.
Giải pháp nâng cao hiệu quả của việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Một là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân về các giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Tập trung tuyên truyền, phổ biến trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân các văn bản về phòng, chống tham nhũng, như: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành; Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.
Để tuyên truyền đạt hiệu quả, cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, như: Biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng; xây dựng và nhân rộng mô hình điểm tuyên truyền trực tiếp pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Mặt trận và nhân dân. Phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về các chuyên đề pháp luật phòng, chống tham nhũng nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận, kiến nghị, đề xuất các giải pháp cho phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, như: công tác cán bộ; quản lý đất đai, tài nguyên; tài chính, ngân sách...
Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động, tích cực tham gia vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật có liên quan. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục quan tâm tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng và về các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo việc nghiên cứu, chuẩn bị kiến nghị xây dựng Luật Giám sát và phản biện xã hội. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đề xuất Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để thay thế cho Pháp lệnh này và các văn bản có liên quan về thực hiện dân chủ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tiếp tục phát huy dân chủ, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm phòng, chống tham nhũng.
Ba là, giám sát và phản biện xã hội là những công cụ quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở các quy định tại các Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (Khóa XI) và các quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần đẩy mạnh việc thường xuyên thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước, góp phần hạn chế những “kẽ hở” về chính sách, quy định và cơ chế có thể bị lợi dụng để tham nhũng; đẩy mạnh giám sát đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực về công tác tổ chức, cán bộ, quản lý đất đai, tài nguyên và ngân sách.
Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lựa chọn và triển khai giám sát một số chuyên đề liên quan đến phòng, chống tham nhũng, như: Việc sử dụng đất đai, tài sản công; cơ chế đầu tư BOT, BT; công khai kết luận thanh tra; thực hiện Luật Đấu thầu; trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; công tác cán bộ; thu hồi tài sản tham nhũng; việc sử dụng các quỹ...
Bốn là, phát huy dân chủ ở cơ sở, tổ chức để nhân dân thực hiện các cuộc vận động, tham gia các hình thức giám sát ở cơ sở. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư phát huy vai trò nòng cốt và là chỗ dựa, là người tổ chức để nhân dân trên địa bàn phát huy quyền làm chủ, thực hiện cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện giám sát cải cách hành chính và đánh giá mức độ hài lòng của người dân ở địa phương đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước; giám sát thường xuyên cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để hạn chế tham nhũng, lãng phí và việc sách nhiễu với nhân dân.
Năm là, phát huy vai trò các cơ quan báo chí, trước hết là các cơ quan báo chí trong hệ thống Mặt trận trong việc tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, động viên nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng; phát huy những nhân tố tích cực trong phòng, chống tham nhũng; trực tiếp phát hiện, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí thông qua các tin, bài, phóng sự… Báo chí của hệ thống Mặt trận phải là những diễn đàn nói lên tiếng nói mạnh mẽ, kiên quyết và đồng lòng của nhân dân đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, lãng phí.
Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với các cơ quan báo chí, trọng tâm là các cơ quan báo chí thuộc hệ thống Mặt trận trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và phản ánh thông tin về phòng, chống tham nhũng; xây dựng quy trình tiếp nhận, cung cấp và xử lý các thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí trong hệ thống Mặt trận; có cơ chế khen thưởng, tôn vinh các cơ quan báo chí và nhà báo dũng cảm tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Tạ Văn Sỹ
TS, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam