Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi thành lập cho đến nay, được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác cán bộ nữ. Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và ban hành các chính sách, pháp luật, các chương trình quốc gia về bình đẳng giới một cách khá toàn diện và đầy đủ. Những cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bình đẳng giới đã tạo cơ hội, điều kiện để phụ nữ trên mọi miền Tổ quốc, trong mọi vị trí công tác đều có thể đóng góp tích cực cho một tương lai Việt Nam thịnh vượng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác thúc đẩy bình đẳng giới ngày càng đạt được những thành tựu nổi bật. Sau Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ các cấp tăng cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, tỷ lệ nữ Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh trung bình toàn quốc đạt 16%; có 61/63 tỉnh, thành phố có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ; 35 tỉnh có tỷ lệ nữ cấp ủy viên từ 15% trở lên (tăng 5 tỉnh so với khoá XII, trong đó cao nhất là tỉnh Tuyên Quang với tỷ lệ nữ cấp ủy viên là 29,2%). Tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí cao trong khối Đảng: 19 nữ uỷ viên Trung ương Đảng (18 uỷ viên chính thức, 1 uỷ viên dự khuyết), 1 nữ uỷ viên Bộ Chính trị và 2 nữ Ban Bí thư Trung ương Đảng; 7 nữ Bí thư tỉnh ủy gồm: Lai Châu, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ngãi.
Trong Quốc hội, số lượng đại biểu nữ tăng trong nhiệm kỳ mới nhất - khóa XV là 30,26%, tăng 3,54% so với khoá XIV (26,72%). Kết quả bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cũng ghi nhận sự tăng lên của các nữ đại biểu: Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 29% (so với 26,5% của nhiệm kỳ trước); tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện đạt 29,08% (so với 27,9% của nhiệm kỳ trước); tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã đạt 28,98% (so với 26,59% của nhiệm kỳ trước)1.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã bầu và phê chuẩn các nhân sự lãnh đạo bộ máy nhà nước, gồm khối Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó có 6 lãnh đạo nữ: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh; Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga; Trưởng Ban công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.
Trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định bản lĩnh và vị thế của giới mình. Số doanh nghiệp do nữ giới lãnh đạo, điều hành, quản lý thành công ngày càng tăng một cách ấn tượng, thể hiện sự phấn đấu, trưởng thành của phụ nữ, đồng thời khẳng định bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế. Các tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn do phụ nữ đứng đầu không chỉ khẳng định vị thế trong nước mà còn vươn ra toàn cầu góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp này đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, giải quyết được bài toán tạo công ăn việc làm và đảm bảo thu nhập, mức sống cho đội ngũ cán bộ công nhân viên, đồng thời, tham gia tích cực vào các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội. Việt Nam rất tự hào khi đã có nhiều nữ doanh nhân lọt vào danh sách top 50 doanh nhân quyền lực châu Á, nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu, 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi các ngành công nghiệp và khu vực, 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam, Giải thưởng Nữ doanh nhân quyền lực… Hàng trăm nữ doanh nhân được trao tặng Cúp Bông hồng vàng - danh hiệu nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Những nỗ lực không ngừng của đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam đã góp phần đưa nước ta xếp hạng thứ 6 trong số các quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất, đặc biệt, Việt Nam là đại diện duy nhất của các quốc gia châu Á có mặt trong top 10 quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp do nữ giới lãnh đạo2.
Những kết quả này là minh chứng cho thành tựu nổi bật của sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện nam - nữ bình quyền của Đảng và Nhà nước ta, cũng như khẳng định cho sự vươn lên không ngừng của phụ nữ Việt Nam. Các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống kiên trung, bất khuất, đóng góp trí tuệ và sức lực vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ “nam - nữ bình quyền là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam”3.
Ngay trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 10/1/1967, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 152-NQ/TW về một số vấn đề tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận, chỉ rõ: “Tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ còn tồn tại khá sâu sắc trong một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo. Thể hiện rõ nhất tư tưởng hẹp hòi, “trọng nam khinh nữ”, chưa tin vào khả năng lãnh đạo và khả năng quản lý kinh tế của phụ nữ, chưa thấy hết khó khăn trở ngại của phụ nữ…”.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ mới, việc phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của các tầng lớp phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân là yêu cầu, đòi hỏi lớn. Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 7/6/1984 của Ban Bí thư về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ chỉ rõ: “Nhiều cấp uỷ Đảng và lãnh đạo các ngành buông lỏng việc chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ… còn tư tưởng phong kiến, coi thường phụ nữ, đối xử thiếu công bằng với chị em…”.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã cụ thể hóa quan điểm bình đẳng giới bằng những Nghị quyết và Chỉ thị về công tác phụ nữ. Cụ thể là:
Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, mục tiêu nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của phụ nữ trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo điều kiện cho phong trào phụ nữ có những bước tiến mới và tăng số lượng, chất lượng cán bộ nữ trong hệ thống Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội.
Chỉ thị 37-CT/TW ngày 16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới, trong đó, Đảng ta xác định rõ: “Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, tham gia quản lý kinh tế - xã hội là yêu cầu quan trọng để thật sự thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Chống lại những biểu hiện lệch lạc, coi thường phụ nữ, khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá cán bộ nữ”.
Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là Nghị quyết được ban hành sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW về công tác cán bộ nữ và trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế thế giới. Mục tiêu mà Nghị quyết 11-NQ/TW đề ra là: “Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất cả khu vực”.
Thông báo kết luận số 196-TB/TW ngày 16/3/2015 của Ban Bí thư về Đề án Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới tiếp tục thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Đề án thông qua việc triển khai một số giải pháp bảo đảm thực hiện bình đẳng giới, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ và giảm khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao.
Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới tiếp tục thực hiện có hiệu quả, bền vững các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phụ nữ đã nêu trong Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X, đồng thời tập trung giải quyết căn nguyên của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 11- NQ/TW, cụ thể hóa bằng việc định hướng chính sách phù hợp, khả thi, thiết thực cho các nhóm phụ nữ; quan tâm nhiều hơn đến cơ chế và giải pháp cụ thể.
Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh về cơ cấu cán bộ nữ: “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ... Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới; đồng thời, có giải pháp hiệu quả chuẩn bị nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu dài”.
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ nêu rõ, đến năm 2030: “Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu Ban Thường vụ cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp. Tỉ lệ nữ cấp uỷ viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trên 35%”.
Quan điểm chỉ đạo về công tác bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng cho đến tất cả các kỳ Đại hội Đảng về sau này. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật, các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”4; đồng thời “Thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”5. Đảng ta cũng định hướng nhiều giải pháp quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu bình đẳng giới, như: “Đổi mới cơ chế, huy động phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển, nhất là với lao động khu vực phi chính thức”6; “phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế”7...
Từ các quan điểm, chủ trương của Đảng ta về bình đẳng giới, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi để phụ nữ tham gia tích cực vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ và thực hiện “nam nữ bình quyền” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta được thể hiện nhất quán từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Điều 26 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”.
Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế và các chương trình Nghị sự lớn về quyền của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, như Công ước CEDAW (công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ), Tuyên bố hành động Bắc Kinh, Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, Chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc… và đã nội luật hoá vào hệ thống văn bản pháp luật quốc gia, ban hành các chính sách bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Có thể kể đến Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Bộ luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục, Luật Khám bệnh, chữa bệnh…
Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên đưa ra Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 nhằm xác định mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cần thực hiện trong vòng 10 năm, đồng thời, là một trong những công cụ quan trọng để đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia đầu tiên về bình đẳng giới, việc thực hiện các mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới đã và đang được triển khai đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân về thực hiện bình đẳng giới.
Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về các mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 là: “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Mục tiêu cụ thể của Chiến lược: Trong lĩnh vực chính trị, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Trong đời sống gia đình, giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới8...
Như vậy, có thể khẳng định, những cam kết chính trị của Đảng ta về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ là vô cùng mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta cũng không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới với mục tiêu thu hẹp khoảng cách giới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước đưa phụ nữ tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ mọi thành quả của sự phát triển. Những thành tựu về bình đẳng giới mà Việt Nam đang có, đang được thừa nhận là minh chứng rõ ràng nhất cho những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chú thích:
1. Xem https://vtv.vn/chinh-tri/nhung-diem-dac-biet-cua-cuoc-bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-va-dai-bieu-hdnd-cac-cap-2021071517 0835386.htm
2. Xem https://baodantoc.vn/hiep-hoi-nu-doanh-nhan-can-bien-thach-thuc-thanh-co-hoi-bien-hanh-dong-thanh-ket-qua-161709 6225347.htm
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tập 2, tr. 95.
4,5,6,7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 148, 150, 169, 271.
8. Nghị quyết Số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ Ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Phùng Thị An Na
TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh