Bước ngoặt lịch sử trong tư tưởng con người công dân Việt Nam

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đánh dấu sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Đông Nam Châu Á; làm thay đổi cục diện địa chính trị thế giới; khẳng định một đất nước độc lập, tự do; một đất nước có chủ quyền trên đất liền, trên biển, trên không. Nhưng trên hết, thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tư duy, nhận thức và hành động của con người công dân Việt Nam.
 
Ngày 2/9/1945 - bước ngoặt quan trọng đối với cả dân tộc, có tác động mạnh mẽ làm thay đổi, biến đổi và chuyển hướng trong phương pháp nhân thức, phương pháp tư duy và tư tưởng của con người công dân Việt Nam; tạo dấu ấn và điều kiện căn bản xây dựng nền tảng thay đổi hành vi, thay đổi lối sống theo tính chất xã hội xã hội chủ nghĩa, đây cũng là chiều đi lên của đất nước, của thời đại. 76 năm qua, con người công dân Việt Nam được sinh trưởng trong môi trường, điều kiện xã hội mới, bên cạnh việc chủ động phát huy những giá trị truyền thống tiêu biểu của dân tộc, con người công dân Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hình thành thế giới quan, phương pháp luận trên nền tảng một dân tộc độc lập, một đất nước bình đẳng với tất cả các quốc gia trên thế giới. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng con người công dân Việt Nam đang thay đổi cùng chiều với những thay đổi của đất nước, của xã hội và ngày càng phù hợp hơn, thống nhất hơn, đồng thuận hơn với con đường đổi mới, con đường xây dựng và phát triển của đất nước, từng bước vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội - con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.

Từ thân phận nô lệ trở thành công dân đất nước độc lập, tự do, tư tưởng con người công dân Việt Nam là sự phản ánh xã hội hiện thực trong ý thức, là biểu hiện trong quan hệ giữa con người với xã hội và với thế giới xung quanh. Nếu xét trên bình diện khái quát, tư tưởng con người công dân Việt Nam là hệ thống những quan điểm, quan niệm, luận điểm về thực tiễn, về khả năng nhận thức và cải tạo hiện thực thể hiện ý chí, nguyện vọng của con người công dân Việt Nam nhằm cải tạo hiện thực xã hội, xây dựng xã hội mới với mục tiêu cao nhất “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tư tưởng đó đã, đang và sẽ được Đảng Cộng sản Việt Nam cụ thể hóa thành chủ trương, chính sách và trở thành mong muốn, nguyện vọng chung của cả dân tộc ta.

Theo chiều dài lịch sử dân tộc quá trình phát triển, biến đổi trong tư duy, nhận thức và tư tưởng con người công dân Việt Nam luôn theo chiều hướng ước vọng của toàn thể nhân dân; chiều của xây dựng và phát triển; chiều hướng của đi lên và tiến bộ,… ngày hoàn thiện hơn, phù hợp hơn và thích nghi hơn với những điều kiện hoàn cảnh của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Đặc điểm nổi trội trong lịch sử dân tộc ta là lịch sử chống giặc ngoại xâm và chống thiên tai lũ lụt có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành lối tư duy, phương pháp nhân thức của con người công dân Việt Nam và được biểu hiện ra bên ngoài bằng quan điểm, nét văn hóa,… ăn sâu vào thói quen, vào phong tục tập quán, hành vi ứng xử hàng ngày từ bao đời nay. Qua hàng nghìn năm lịch sử, tư duy, nhận thức và tư tưởng truyền thống của con người Việt Nam được phát huy, phát triển mạnh mẽ, thấm sâu vào xã hội và trở thành những giá trị tích cực, giá trị nền tảng để dân tộc Việt Nam khẳng định chủ quyền quốc gia, khẳng định nét độc đáo, nét khác biệt trong môi trường quốc tế.

Non sông gấm vóc Việt Nam đã sản sinh ra con người Việt Nam luôn cần cù, thông minh, sáng tạo - Hệ giá trị được bắt nguồn từ gian khó trong lao động, sản xuất; từ cực nhọc, vất vả luôn phải chống chọi lại các khắc nghiệt của môi trường, hoàn cảnh; từ đặc điểm của một đất nước luôn bị kẻ thù bên ngoài nhòm ngó… buộc con người Việt Nam phải mưu tính trước, sau, chủ động chống lại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù đã nẩy sinh tính đa dạng, phong phú trong tư duy, nhất là tư duy kinh nghiệm…

Khi bàn về “con người công dân” là chủ yếu bàn về mối quan hệ giữa con người (với tư cách là cá thể) với Nhà nước (mà ở đây là Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Yêu nước là thước đo, là tiêu chuẩn khẳng định mối quan hệ hai chiều giữa con người với Nhà nước. Một cách tự nhiên nhất, yêu nước trở thành giá trị của dân tộc Việt Nam là giá trị cốt lõi trong hệ giá trị truyền thống dân tộc. Mỗi thời kỳ khác nhau, giá trị yêu nước được biểu hiện khác nhau, nhưng quy nạp về lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Và chỉ có tự hào, tự tôn dân tộc tột bậc mới vượt qua được biết bao thăng trầm, biến cố có lúc đến mức nghiệt ngã,… có như vậy mới tôi luyên lên ý chí tự lập, tự cường và nghị lực vượt qua khó khăn.

Nhiều giá trị sống được vun đắp, lưu giữ trong tư tưởng, tâm hồn con người Việt Nam truyền thống như: lòng tự tôn, tự hào dân tộc, không chịu cúi đầu khuất phục trước quân thù; luôn muốn sống một cuộc sống bình dị, yên ổn trong hoà bình, đề cao các giá trị văn hoá làng, xã, dòng họ, gia đình; thông minh, cần cù bền bỉ, dám nghĩ, dám làm trong lao động, có chí tiến thủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ; trung thực, thẳng thắn trong lối sống, cách nghĩ, trọng chữ “tín” hơn tiền bạc của cải; nhẫn nại, chịu đựng, giản dị, khiêm tốn, chất phác, thật thà, coi trọng các giá trị tập thể, lợi ích cộng đồng; nhân nghĩa, vị tha, thuỷ chung, đức độ... Những giá trị này không chỉ là “máu, thịt” mà còn hiện hữu trong tư tưởng con người công dân Việt Nam. Có những thời kỳ, giá trị truyền thống dân tộc không được phát huy, bị kìm kẹp không phát triển. Chỉ khi, Cách mạng tháng Tám, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời mới “cởi chói” hoàn toàn, mở đường cho sự thay đổi phương pháp nhận thức, phương pháp tư duy và hành động của con người công dân Việt Nam; tác động mạnh mẽ đến thái độ của con người công dân với quê hương, đất nước, làng, xã, dòng họ, gia đình. Cách mạng tháng Tám thành công đã mang lại sự “thoáng đãng” hơn trong tư duy nhận thức, giúp hành vi ứng xử của con người công dân Việt Nam dần đạt đến văn minh, hiện đại trên nền tảng của một đất nước độc lập, tự do và bình đẳng. Nhờ đó, đức tính cần cù, thông minh, sáng tạo và truyền thống yêu nước ngày càng được phát huy và trở thành phẩm chất cao quý, giá trị vĩnh cửu của con người công dân Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước trở thành một sắc thái đặc biệt, thẫm đượm trong con người công dân Việt Nam tạo lên động lực phi thường đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù. Tinh thần yêu nước đã dìu dắt, nâng đỡ và tạo môi trường lý tưởng để tư tưởng con người công dân Việt Nam ngày càng phát triển hơn. Tư tưởng đó được “kết” lại thành một khối vững chắc làm lên nhiều kỳ tích vĩ đại của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước, trong đổi mới và hội nhập quốc tế, tạo thế đứng vững chắc cho dân tộc trong môi trường quốc tế “Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

91 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mục đích, lý tưởng sống của con người công dân Việt Nam đang được tiếp thu, bổ sung, tích hợp những giá trị của thời đại, lợi ích của giai cấp, dân tộc, quốc gia và tinh thần quốc tế trong sáng. Với khát vọng cháy bỏng xây dựng xã hội “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh là luồng sinh khí mới “thổi” vào phương pháp nhận thức, tư duy và hành động của con người công dân Việt Nam. Với bệ đỡ vững chắc của giá trị truyền thống được tổ tiên, ông cha xây đắp qua hàng ngàn năm lịch sử, và những giá trị hiện đại, cùng với tiếp thu tinh hoa của nhân loại, chắc chắn nền tảng tư tưởng của con người công dân Việt Nam sẽ là cơ sở để hoạch định, xây dựng đất nước Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 thành lập Nước.

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đứng trước những khó khăn, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, tư tưởng của con người công dân Việt Nam càng thêm động lực khẳng định ý chí quyết tâm rèn luyện và hoàn thiện phương pháp nhận thức, tư duy về những vấn đề đang diễn ra để thích nghi với những tác động tiêu cực trong cuộc sống; để đồng thuận với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nền tảng tư tưởng của con người công dân Việt Nam càng được củng cố, thì các yếu tố bên ngoài chống, phá, xuyên tạc không thể chi phối, làm thay đổi mục tiêu xây dựng đất nước. Nhất là khi, con người công dân Việt Nam được trạng bị giá trị truyền thống dân tộc làm điểm tựa và đưa tư tưởng con người công dân Việt Nam vào quỹ đạo chung “tự hào và tự tôn dân tộc”.

Việc nâng cao khả năng khái quát hóa, trừu tượng hóa trong tư duy, nhận thức của con người công dân Việt Nam phải trở thành tư duy lý luận. Tư duy lý luận được Đảng Cộng sản Việt Nam - Người tiên phong của giai cấp, của dân tộc; nghiên cứu, khởi xướng và định hướng tư duy, nhận thưc con người công dân Việt Nam. 76 năm qua, dân tộc Việt Nam đã đi những bước vững chắc, bài bản, khoa học và đúng đắn trên con đường xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Nhiều Nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước đang song hành cùng với sự phát triển trong tư tưởng con người công dân Việt Nam. Tư tưởng đó cũng đang thay đổi và dần dần thích ứng được với "nhịp điệu" đi lên của đất nước. Trong điều kiện đổi mới và hội nhập với nhiều biến động tình hình trong nước và thế giới, đã có nhiều vấn đề "vênh" giữa tư tưởng con người công dân với thực tiễn phát triển xã hội. Đây là điều tất nhiên, ngay cả trong những xã hội phát triển thì vấn đề này vẫn xẩy ra. Cũng như Mác đã từng nói: tồn tại luôn luôn phát triển, tư duy và tư tưởng có tính bảo thủ hơn, cũng phát triển nhưng chậm hơn so với thực tại xã hội. Có thể giải thích điều này bằng hai khía cạnh: một là, chủ trương, chính sách đi trước với tư tưởng, nhận thức của con người công dân hoặc tư tưởng của con người công dân chưa thực sự đặt vào sự phát triển chung của xã hội; hai là, tư tưởng, nhận thức của đại bộ phận người dân vượt trước hoặc không theo kịp với những chỉ đạo chung. Chính vì vậy, 76 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đang tập trung "căn, chỉnh" để mọi chỉ đạo gần hơn, sát hơn với tư tưởng của con người công dân và biến động xã hội tạo niềm tin và đồng thuận với hoàn cảnh đất nước.

Trong tư tưởng, nhận thức con người công dân Việt Nam đang diễn ra cuộc “đấu tranh” giữa cái tiến bộ với cái lạc hậu; giữa cái thiện với cái ác; giữa lối sống lành mạnh, có lý tưởng, trung thực, có ý thức xây dựng đất nước... với lối sống thực dụng, ích kỷ, sa đọa; giữa cái mới, cái tiến bộ đang từng bước thâm nhập vào tư tưởng của con người công dân Việt Nam, trong khi, cái xấu, cái tiêu cực cũng nhân cơ hội này len lỏi vào các ngõ ngách của cuộc sống. Vì vậy, để hình thành phương pháp tư duy, nhận thức "gạn đục khơi trong" và những nguyên lý hành động - nguyên lý phải được rút ra từ tư tưởng của con người công dân chứ không phải từ thế giới bên ngoài, cần:

Thứ nhất, con người công dân Việt Nam phải lao động, làm việc thực sự, vì chỉ có thông qua lao động và làm việc hăng say mới tạo ra những kinh nghiệm quý báu. Trên cơ sở kinh nghiệm của mình sẽ dần hình thành tư tưởng về thực tiễn cuộc sống.

Thứ hai, việc nghiên cứu và vận dụng kết quả của khoa học, nhất là khoa học tự nhiên là điều kiện cần để con người công dân Việt Nam biến những kinh nghiệm trong lao đông, làm việc trở thành vốn tri thức tác động trở lại với kinh nghiệm, nâng kinh nghiệm lên một tầng trí thức mới, cao hơn trước.

Thứ ba, con người công dân Việt Nam không thể không nhận thức và vận dụng linh hoạt tư duy biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì, tư duy biện chứng sẽ giúp đánh giá, nhận định sự vật, hiện tượng trong mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác, nhằm thấu hiểu bản chất sự vật, hiện tượng trong thức tiễn.

Thứ tư, con người công dân Việt Nam phải nghiên cứu, hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa và giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc. Chỉ có hiểu biết sâu sắc về dân tộc, truyền thống dân tộc mới củng cố vững chắc và là bệ đỡ vĩnh hằng trong tư tưởng con người công dân không bị chệch hướng với hướng phát triển của đất nước.

Có như vậy, quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của con người công dân Việt Nam sẽ theo hướng đi lên của xã hội, của đất nước. Từ Cách mạng tháng Tám đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân tộc Việt Nam đã vượt qua được nhiều khó khăn, thử thách là nhờ vào mối quan hệ biện chứng, tương tác giữa quan điểm, tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam với thực tiễn xã hội và với tư tưởng của toàn dân tộc.

Theo TS. Đồng Quang Thái/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều