Giai đoạn 2016-2020 và 8 tháng đầu năm 2021, Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác; các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Phối hợp đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển xã hội 5 năm 2016-2020, các Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hàng năm. Công tác phối hợp đã góp phần quan trọng tạo nên những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc chăm lo tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tốt các hoạt động như: Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX và Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhiệm kỳ 2019-2024; tham gia công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; xây dựng Chương trình hành động, đẩy mạnh các hình thức phù hợp để tuyên truyền kết quả Đại hội XIII của Đảng đến cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân; phối hợp tổ chức chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… đặc biệt đã tập trung cao độ, nỗ lực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ngăn chặn, đẩy lùi, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”,“bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của người dân là trên hết, trước hết”.
Phối hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia phòng, chống dịch Covid-19
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt, với đợt dịch bùng phát lần thứ tư, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cả hệ thống chính trị đã tiếp tục vào cuộc, nhất là lực lượng tuyến đầu, huy động, quy tụ được sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước với mọi nguồn lực, để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, chăm lo, ổn định đời sống người dân, người lao động.
Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ trong việc đề xuất, ban hành và tổ chức thực thi các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp, linh hoạt, đặc thù nhằm kiểm soát dịch bệnh, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; kịp thời báo cáo Quốc hội và ban hành các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch.
Cùng chung sức phòng, chống dịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực hưởng ứng, phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chuyển tải, lan tỏa những chính sách, chỉ đạo của Chính phủ đến các tầng lớp nhân dân; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, kịp thời hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch và giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, tính từ ngày 1/5/2021 đến ngày 29/9/2021, số kinh phí và hiện vật ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ trung ương đến địa phương cùng các tổ chức thành viên và qua Quỹ vaccine phòng Covid-19 lên tới trên 18.246 tỷ đồng. Trong đó, tiếp nhận qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là 9.554 tỷ đồng, qua Quỹ vaccine là 8.692 tỷ đồng.
Từ số tiền tiếp nhận được, hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên đã phân bổ 3.028.176 phần quà Đại đoàn kết và túi quà an sinh; hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch… với tổng số tiền là 8.329 tỷ đồng. Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng Covid-19 cũng đã chi từ quỹ 4.506,8 tỷ đồng; trong số đó, chi mua vaccine 4.498 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 8,8 tỷ đồng.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 được kiện toàn, ngày 16/9/2021, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tiểu ban Vận động và huy động xã hội thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã tổ chức chương trình tiếp tục đợt vận động “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng chống dịch Covid-19”. Tại Lễ phát động, Tiểu ban Vận động và huy động xã hội đã nhận được ủng hộ và đăng ký ủng hộ của trên 30 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân với tổng kinh phí tiền mặt và hiện vật trị giá hơn 290 tỷ đồng.
Từ nguồn lực tiếp nhận được, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phân bổ số tiền 34,1 tỷ đồng hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố, trong đó hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh 15,5 tỷ đồng; Bình Dương 9,5 tỷ đồng; Long An 5 tỷ đồng, Tiền Giang 3 tỷ đồng, An Giang 500 triệu đồng, Đồng Tháp 300 triệu đồng, thành phố Cần Thơ 300 triệu đồng, Tây Ninh 300 triệu đồng để hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ Quân khu 9 phòng, chống dịch bệnh và người dân gặp khó khăn.
Xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Hơn 34 nghìn ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước
Trong công tác phối hợp tập hợp, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tập hợp được 34.125 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới các kỳ họp Quốc hội, các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương quan tâm lắng nghe, tiếp thu và chỉ đạo xử lý, giải quyết các ý kiến của Mặt trận phản ánh về tình hình nhân dân thấu đáo, trách nhiệm.
Hằng năm, Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để Mặt trận cùng cấp tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa bàn dân cư. Nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân ở cơ sở. Hai bên thường xuyên theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện hòa giải ở cơ sở; tham gia giải quyết và phối hợp giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Về công tác dân tộc
Các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách dân tộc, phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu, nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đã phối hợp thực hiện quy trình lựa chọn, bình xét, lập danh sách hơn 34.000 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều Chương trình ý nghĩa, quy mô lớn; phối hợp giám sát thực hiện chính sách dân tộc; động viên, cổ vũ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; qua đó góp phần nâng cao nhận thức, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, với Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
Về công tác tôn giáo
Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành thuộc Chính phủ trình Bộ Chính trị xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay”; phối hợp xây dựng và giám sát thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng chính sách đối với tổ chức, chức sắc, chức việc và chính sách với cốt cán phong trào trong các tôn giáo. Định kỳ phối hợp tổ chức hội nghị giao ban công tác tôn giáo; thăm hỏi, chúc mừng, gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với các tôn giáo; phối hợp hướng dẫn, giúp đỡ các tôn giáo tổ chức tốt những ngày lễ quan trọng, đại hội, các sự kiện lớn hàng năm của tôn giáo. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng lãnh đạo 43 tổ chức tôn giáo tổ chức hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuyên truyền, vận động các tôn giáo tích cực tham gia công tác bầu cử; công tác phòng, chống dịch hiệu quả, có nhiều mô hình hay, cách làm tốt.
Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức thành viên, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 5/4/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới giai đoạn 2016-2020. Hai bên đã phối hợp tổ chức Chương trình "Xuân quê hương" gặp gỡ kiều bào về đón tết cổ truyền dân tộc; động viên, khen thưởng và tôn vinh các tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng người Khmer gốc Việt Nam tại Campuchia, tặng khẩu trang hỗ trợ kiều bào các nước; kêu gọi, vận động kiều bào đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phối hợp đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước
Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Chính phủ và các bộ, ngành phát động gắn với triển khai thực hiện cuộc vận động, các phong trào, các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động và đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Hàng năm, Mặt trận đã phối hợp với Chính phủ tổ chức Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”, vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” các cấp; thường xuyên chăm lo hỗ trợ người nghèo, các gia đình chính sách, người có công với quyết tâm "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Trong 5 năm (2016 - 2020), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội được 27.046 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự trợ giúp của cộng đồng, đã vận động giúp đỡ xây mới và sửa chữa 198.523 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo.
Trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hơn 10 năm qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh, thành phố đã phối hợp tổ chức đưa hơn 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 78.000 gian hàng, tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với hàng Việt; tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá nhân dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn, các phiên chợ Việt làm cho Cuộc vận động ngày càng hiệu quả.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương phát động tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức thành viên phát động triển khai phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”. Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức bình chọn, công bố “Sách Vàng sáng tạo Việt Nam”, góp phần thực hiện chủ trương: Chính phủ kiến tạo, nhân dân khởi nghiệp.
Phát huy dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước
Cũng trong giai đoạn này, hai bên ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực trong việc phát huy dân chủ, tham gia góp ý xây dựng pháp luật, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đến nay, công tác giám sát của Mặt trận đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành và các cấp chính quyền. Chính phủ và các bộ, ngành thuộc Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai thực hiện 10 Chương trình phối hợp giám sát. Trong 5 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì phối hợp giám sát được 531.411 cuộc, tập trung vào những vấn đề lớn mà nhân dân quan tâm, bức xúc, góp phần vào việc hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Từ kết quả giám sát của Mặt trận, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu kiểm tra, giải quyết và có biện pháp giải quyết các kiến nghị của Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch; giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc, góp phần giảm các vụ việc đông người, kéo dài, bức xúc, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Một số chương trình phối hợp giám sát đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, trong việc giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giải quyết đúng hạn, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức. Nội dung giám sát xây dựng nông thôn mới bằng các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở như lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân... tạo đồng thuận, huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam triển khai Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba (2020 - 2021); tiếp tục thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021” của Chính phủ.
Triển khai thực hiện quy định của Đảng về “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, Mặt trận ở nhiều địa phương đã làm tốt vai trò đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tổ chức định kỳ và đột xuất các cuộc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải tỏa bức xúc, tạo sự đồng thuận xã hội, làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
Đặc biệt, trong năm 2021, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp cao nhất để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần vào thành công trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
Phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật
Trong phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động, phối hợp tổ chức các hình thức phản biện xã hội đối với những dự thảo luật quan trọng, có tác động lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đến dân tộc, tôn giáo; đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức góp ý nhiều dự thảo luật và văn bản dưới luật do các cơ quan chủ trì soạn thảo gửi đến. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phát huy tốt vai trò của các Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật; tổng hợp ý kiến của các tổ chức, cá nhân, đoàn viên, hội viên và xây dựng văn bản phản biện gửi tới các cơ quan chủ trì soạn thảo; góp phần xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh hơn.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật và ban hành kế hoạch rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện và tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn. Chính phủ đã ban hành 19 Nghị quyết chuyên đề thông qua phương án đơn giản hóa trên 1.000 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân.
Hai bên phối hợp sơ kết, tổng kết việc thi hành các văn bản của Nhà nước có liên quan, trong đó có sơ kết 5 năm thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.
Một số nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác giữa Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới
Một là, phối hợp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và vận động toàn dân phát triển sản xuất, kinh doanh, khắc phục tác động của đại dịch. Đẩy mạnh tuyên truyền Kết luận số 07-KL/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV, các nghị quyết, chỉ thị, công điện... của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch; Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX về “Đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục phòng, chống khắc phục tác động của đại dịch Covid-19”. Vận động các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Thực hiện nhanh, kịp thời, hiệu quả Chương trình “Triệu phần quà Đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19”. Triển khai các nhiệm vụ cấp bách theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và trực tiếp là nhiệm vụ của Tiểu ban Vận động và huy động xã hội.
Hai là, phối hợp củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, như: Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Ba là, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Chính phủ; các phong trào thi đua, cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phối hợp vận động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đô thị văn minh; phối hợp vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường.
Bốn là, thực hiện công tác xây dựng pháp luật, chương trình giám sát, phản biện xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2026. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, pháp luật, phát huy có hiệu quả vai trò, quyền làm chủ của nhân dân thông qua tổ chức Mặt trận, tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch.
Về phối hợp xây dựng pháp luật và phản biện xã hội, rà soát, hoàn thiện thể chế phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ.
Năm là, phối hợp sửa đổi Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ; ký kết Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2021 - 2026.
Nguyễn Thị Kim Thoa
Văn phòng UBTW MTTQ Việt Nam